Englishen

Xe bánh kalochi gốc Hoa hơn 40 năm ở Sài Gòn

Thứ năm, 02/12/2021, 14:55 GMT+7

Bà Lan Anh bán kalochi (ka-lo-chí), món bánh mang ý nghĩa đem lại tài lộc, ở khu vực quận 5.

Mỗi sáng, đi ngang khu vực nhà số 184, đường Lương Nhữ Học, quận 5 nhiều người sẽ bắt gặp một xe đẩy nhỏ gọn của bà Lan Anh (65 tuổi). Chiếc xe gây tò mò bởi những đồ nghề gồm chảo lòng sâu đựng một cục bột nếp lớn luôn nóng hổi. Trước xe, bà Lan Anh để bảng chữ "bánh bột nếp lăn mè đường", còn bà thì gọi món ăn này là kalochi (ka-lo-chí). Gia đình bà Lan Anh là người Hoa gốc Triều Châu, món bánh kalochi có nguồn gốc từ Trung Quốc, mang ý nghĩa đem lại nhiều tài lộc.

"Từ thời ông bác tôi đã bán món bánh này, xong tới mẹ tôi, giờ là tôi", bà kể làm bánh này vất vả nhưng vì nghề gia truyền nên bà vẫn cố giữ.

2_5Bà Lan Anh tên thật là Khưu Thị Tú Anh, quê Sóc Trăng, bán kalochi hàng chục năm trên con đường Lương Nhữ Học - Ảnh: Huỳnh Nhi

Món bánh trông đơn giản với thành phần chính là bột nếp, đậu phộng, mè rang giã nhuyễn trộn với đường. "Nếp hạt mình mua về ngâm rửa sạch, sau đó xay nhuyễn, mịn rồi hấp chín. Bột nếp đã chín đem khuấy cho thật dẻo rồi bỏ vào chảo chiên nóng", bà Lan Anh nói mỗi ngày bà thức từ sớm để chuẩn bị, lựa chọn nguyên liệu thật ngon là cách gia đình bà giữ chất lượng cho món bánh so với những hàng quán khác. Theo đó, mè, đậu phộng đều được lựa chọn kỹ, xong về bà tự rang lấy, còn bột nếp không mua sẵn ngoài chợ mà phải tự xay.

Khi khách gọi bánh, bà đảo đều cục bột nếp to cho phần vỏ thật vàng giòn, cắt từng miếng bánh dẻo vừa ăn bỏ thùng mè, đậu phộng đảo đều. Miếng bánh còn ấm, bên ngoài thơm dịu mùi mè và đậu phộng, vỏ giòn không quá cứng, thêm cái dẻo mịn của bột nếp hấp chín. Hộp bánh nhỏ vừa đủ giá 15.000 đồng dùng không gây ngấy cho khách.

3_3Bột nếp luôn được giữ ấm bằng lò than nhỏ, lửa riu riu, không dùng gas hay bật lửa lớn vì dễ làm bánh dính chảo, bị cháy - Ảnh: Huỳnh Nhi

Chị Châu, quận 5, thường đưa con trai ghé mua bánh kalochi ở xe đẩy của bà Lan Anh. Chị cho biết đã thử 3 tiệm khác nhau nhưng ưng ý nhất với phần bột nếp ngon, ăn dẻo mềm của bà Lan Anh không bị khô cứng nên luôn ủng hộ: "Hồi trước tôi sống gần đây nên hay ghé mua bánh ăn, con tôi cũng ghiền món này, còn nhỏ nhưng một lần nó ăn được hết 2 hộp". Còn anh Phước, người Hoa, sinh sống gần đó thỉnh thoảng ghé mua bánh như món ăn vặt. "Từ nhỏ mình đã ăn bánh này, giờ thì ít người bán lắm, cô này người Hoa bán lâu năm, chất lượng bánh ăn rất ngon nên mình ủng hộ", anh Phước chia sẻ.

Buôn bán lâu năm, món bánh của bà được nhiều người ưa thích, không chỉ tại quận 5 mà có người từ Bình Dương, An Giang, Sóc Trăng vẫn tìm đến mua. Trước dịch Covid-19, tiệm bà bán đắt nhất vào dịp Tết Âm lịch, gấp 3-4 lần ngày thường. Có khách từ Trung Quốc qua Việt Nam du lịch vẫn ghé ủng hộ. "Dịch xong bán ít hơn hẳn, vắng khách hơn", bà Lan Anh nói, sắp tới bà sẽ chia tay Sài Gòn về quê Sóc Trăng.

4Phần bánh giá 15.000 đồng, bà Lan Anh bán từ 8h đến 14h mỗi ngày - Ảnh: Huỳnh Nhi

(Nguồn: Huỳnh Nhi, VN Express, Thứ năm, 2/12/2021, 09:15 (GMT+7))