Nước nổi mang đến cho người dân miền Tây nhiều sản vật. Mỗi năm một lần, tầm thời điểm này, những sản vật đó được mang lên Sài Gòn, gợi biết bao thương nhớ về vùng đất phù sa tốt tươi.
Mùa nước nổi hay còn gọi là nước lũ miền Tây bắt đầu từ khoảng tháng 8 đến tháng 11 nhưng con nước lên cao nhất từ giữa tháng 8 đến đầu tháng 9. Dù cao hay thấp, mùa nước nổi cũng đem lại cho người dân nơi đây nhiều của ngon vật lạ.
Cá linh, sản vật đầu tiên phải kể đến trong mùa nước nổi, theo con nước phù sa đầu nguồn từ An Giang, Đồng Tháp về đồng, vừa bơi vừa lớn vừa sinh sản. Cá đầu mùa được gọi là cá linh non, xương mềm. Đây là lúc cá ngon nhất, được bán giá cao. Nhiều người chuyển về TP.HCM để bán, đầu mùa có khi lên nửa triệu một ký (ảnh: CÔNG HÂN).
Cá linh chế biến được nhiều món. Trong khi cá linh non được kho với nước dừa, mía hay kho tiêu thì cá linh lớn hơn, xương cứng thường được nấu canh chua với những loài hoa, cây, lá miệt vườn (ảnh: BẢY ĐẠT).
Cá linh không thể thiếu bông điên điển. Dường như cả hai được sinh ra trong mùa nước nổi để kết hợp cùng nhau. Cây điên điển mọc hoang bên bờ kênh, bờ sông, bờ ao đợi những cơn mưa đầu mùa báo hiệu nước ròng thì bỗng chốc trổ bông, nở vàng rực rỡ (ảnh: HUỆ MẪN).
Bông điên điển ngon nhất khi được nấu canh chua (hay lẩu) với cá linh đầu mùa. Hoặc xào với tép đồng, đổ bánh xèo hay chỉ đơn giản là xào với hành tỏi cũng đủ một bữa cơm ngon. Nếu về vùng Châu Đốc, An Giang, nơi lũ đến sớm nhất ở miền Tây, du khách còn được thưởng thức món bún cá lóc rau nhút bông điên điển nổi tiếng (ảnh: HUỆ MẪN).
Nhưng, đã có cá linh, bông điên điển thì không thể không có thêm bông súng. Nồi lẩu khi đó có đầy đủ sắc màu miền Tây như vàng của bông điên điển, trắng của cọng bông súng, xanh của những loại rau tươi tốt và lóng lánh nâu bạc của những con cá linh non (ảnh: HOÀNG PHƯƠNG).
Bông súng miền Tây có hai loại, trắng và tím hồng; được trồng và cả mọc hoang, người dân gọi là súng ma. Bông súng được chế biến thành nhiều món ngon, nổi bật nhất là món bông súng mắm kho, bông súng xào tép... Bông súng còn là đề tài của nhiều nhiếp ảnh gia, với những bức ảnh đoạt giải quốc tế chụp cảnh thu hoạch (ảnh: IHAY).
Cọng bông súng dài theo con nước mùa lũ, được nông dân thu hoạch về bán. Mùa này về miền Tây, vào các chợ, du khách sẽ tận mắt chiêm ngưỡng cảnh các cô các chị quấn cọng bông súng từng khoanh tròn như một tác phẩm nghệ thuật (ảnh: TÉP BẠC).
Mùa nước lên cũng là lúc những con chuột trong hang bên những bờ ruộng mô đất ngoài đồng bò lên cao, tìm nơi trú ẩn mới. Người dân săn bắt mang về, bán nhiều ở các chợ quê. Chúng được nhốt trong những chiếc lồng kẽm, ai chọn con nào người bán sẽ giao con đó. Chuột đồng ngon nhất ở miệt giáp biên giới xa khu dân cư của vùng Đồng Tháp, An Giang (ảnh: ĐỖ SUỐT ANH).
Chuột đồng được chế biến nhiều cách khác nhau như nướng lu, nướng sả ớt, khìa... Có nơi còn làm lẩu chuột, nấu canh chua, kho. Chuột cống nhum to hơn chuột đồng, được người miền Tây ưa chuộng, thường sống ở ruộng và ăn lúa non, có kích thước to lớn và mập mạp (ảnh: ĐỖ SUỐT ANH).
Sau khi ăn các món ngon từ cá linh nấu với bông điên điển, bông súng và thưởng thức món chuột nhum khìa, du khách có thể tráng miệng bằng thứ trái cây cực kỳ dân dã miền Tây - cà na. Mùa nước nổi, nếu du khách đi dọc những con lộ sẽ bắt gặp người dân bày bán cà na, rất rẻ (ảnh: VI NGUYỄN).
Cà na được chế biến theo nhiều cách như ngâm muối ớt, xóc muối ớt, ngâm đường... Cà na cũng có thể được ăn sống, nhưng phải đập dập sơ qua rồi chấm muối ớt. Vị cà na ăn sống hơi chua chát, hợp với vị mặn của muối và cay của ớt. Ai là người miền Tây hoặc từng sống ở miền Tây, sẽ mang theo vị chua chát cay mặn này mà đi khắp nơi, không thể nào quên (ảnh: VI NGUYỄN).
Ngoài ra, mùa nước lên còn có ốc bưu đen, rắn, cá rô mề, hẹ đồng... Ngày xưa, mùa lũ miền Tây thường gắn với nỗi buồn bởi những ngôi nhà, ngôi làng trở nên xa cách. Nhưng ngày nay, nước lên thấp lại là một thất vọng vì có thể thu nhập của người dân sẽ thấp đi do ít sản vật được phù sa mang lại.
(Nguồn: Vi Nguyễn, Thanh Niên, 07:20 - 23/09/2022)