Huyện U Minh, tỉnh Cà Mau được thiên nhiên ban tặng vô số loài cá nước ngọt cùng nhiều món ăn đặc sản có thể kể đến, như: lẩu mắm, cá lóc nướng trui, lươn um rau ngổ…
Về miệt U Minh sẽ rất thiếu sót nếu bỏ qua món nhộng ong hấp lá bầu. Theo lời người dân lớn tuổi tại địa phương, trước đó, khi thu hoạch kèo ong đa phần dân "phong ngạn" thường bỏ phần tảng chứa nhộng ong non. Nếu có, chỉ mang về một ít để đổi món trong bữa cơm gia đình hay làm mồi nhâm nhi cùng bạn nghề.
Thời gian gần đây, các nhà hàng, quán ăn, cơ sở làm mắm ong đã thu mua tảng ong để chế biến thức ăn phục vụ khách du lịch. Từ đó, nhiều hộ dân mưu sinh dưới tán rừng đã có thêm nguồn thu nhập nhờ tận dụng tối đa nguồn lợi trời phú.
Theo đó, để có món nhộng ong hấp lá bầu làm nao lòng thực khách, đầu bếp luôn chọn những tảng ong vừa thu hoạch rồi đem luộc khoảng 5 phút để loại bỏ phần sáp, còn nhộng ong thì cho vào rổ để ráo rồi dùng lá bầu gói lại.
Sau đó, tiến hành hấp cách thủy tầm 5 phút. Vị béo của sữa ong non hòa quyện cùng vị ngọt thanh của lá bầu kết hợp chút mặn, chua, cay của muối ớt tắc đã tạo món ăn "có một không hai" trong lòng du khách.
Ông Nguyễn Văn Mun (62 tuổi; ngụ huyện U Minh), chia sẻ: "Ong non hấp lá bầu là món ăn dân dã gắn liền với văn hóa ẩm thực của dân "phong ngạn" từ thời khai hoang mở cõi. Ở góc độ y học cổ truyền, lá bầu có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tính bình, vị ngọt giúp thông tiểu rất hiệu quả".
Tiếp lời ông Mun, bà Trần Thị Thanh Thanh (40 tuổi; ngụ TP HCM), cho hay Tết Dương lịch vừa qua, bà có dịp về quê bạn ở U Minh chơi. Lúc đầu, nghe gia đình làm nhộng ong hấp lá bầu bà đã phát sợ do chưa từng nghe đến các món ăn chế biến từ loại này.
"Khi được gia đình bạn làm đãi, tôi bấm bụng ăn thử một lần cho biết nhưng không ngờ ngon ơi là ngon. Tôi còn xin một ít đem về TP HM làm món đặc sản đãi bạn" - bà Thanh cười nói.
Theo lời các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, đa phần du khách khi nghe các món ăn được chế biến từ nhộng ong đều có tâm lý e dè. Tuy nhiên, khi thưởng thức thì lại "ghiền" món dân dã này. Trong đó, không ít thực khách sau khi có dịp trở lại Cà Mau đã tìm về U Minh để được thưởng thức món ăn này.
U Minh Hạ với những cánh rừng tràm xanh bạt ngàn, hoa tràm là món khoái khẩu của ong mật nên những đàn ong từ khắp nơi kéo về vùng đất gắn liền với những câu chuyện tiếu lâm dí dỏm của bác Ba Phi để sinh sôi và phát triển.
Những thợ ăn ong đã thành lập "tập đoàn phong ngạn" nhằm đảm bảo việc khai thác mật đạt hiệu quả cũng như gắn với trách nhiệm bảo vệ rừng của từng thành viên. Bao đời nay, người dân U Minh luôn xem việc bảo vệ rừng như chính "nồi cơm" của gia đình.
(Nguồn: Bài và Ảnh: Vân Du, Người lao động, Thứ hai, 10/01/022, 06:00 (GMT+7))