Khoảng 6h mỗi ngày, người dân sống gần góc đường Điện Biên Phủ - Hai Bà Trưng, quận 3, đều thấy vợ chồng anh Nguyễn Hoàng Quốc Thiện, 47 tuổi, bưng mẹt bánh mì ra vỉa hè. Trên chiếc mẹt lót lá chuối bày đủ loại giò, chả, dưa leo, hành tây, xì dầu... Cạnh đó là sọt bánh mì luôn phủ kín để nóng giòn. Khách mới đến lần đầu ít ai biết mẹt bánh mì này đã tồn tại hơn 70 năm.
Tấm biển nhỏ "Bánh mì cụ Lý" được treo nơi chiếc dù lớn che nắng mưa. Cụ Lý là "cha đẻ" của mẹt bánh mì này. "Cụ Lý vốn gốc Bắc vào Sài Gòn từ những năm 1950, mưu sinh bằng nghề bánh mì dạo, đến tôi là đời thứ ba, bán ở đây cũng 20 năm nay rồi", anh Thiện vừa cho biết vừa thoăn thoắt thái giò chả, thêm rau dưa vào ổ bánh cho khách đang đứng chờ.
Theo anh Thiện, ngay từ những ngày đầu, cụ Lý đã mang theo hương vị quê hương vào món bánh mì, với đặc trưng là các loại giò chả miền Bắc. Thời đó, cụ bán bánh mì kẹp ba loại chả bò, giò lụa và chả bì. Nhân bánh không có pate hay đồ chua kiểu miền Nam mà kẹp thêm hành tây, dưa leo, rắc muối tiêu và xì dầu (nước tương) tùy theo khách yêu cầu.
Khi đó, cụ Lý bán bánh mì dạo với một giỏ tre lớn và di chuyển bằng xe đạp máy. Những năm 1980, khi tuổi đã cao, cụ mới dừng chân ở đầu hẻm 191 Hai Bà Trưng. Mẹt bánh của cụ đơn giản với một mâm nhỏ đặt trên chiếc ghế đẩu và phủ lá chuối. Khách chủ yếu là công nhân viên, sinh viên, học sinh mua mang đi.
"Khoảng những năm 2000 cụ nghỉ bán. Trải qua ba thế hệ nhưng bánh mì vẫn ở địa điểm cũ và giữ hương vị gia truyền, cách bán buôn cũng y như những ngày đầu", anh Thiện nói.
Trên chiếc mẹt lót lá chuối là các loại giò chả gồm giò lụa, giò thủ, chả bò, chả quế. Giò thủ và chả lụa được gia đình làm theo công thức riêng còn chả bò đặt ở khu chợ Ông Tạ, nơi có nhiều người Bắc di cư sinh sống. Món chả bò làm theo kiểu Bắc trộn thêm rau thì là rồi nướng thay vì gói trong lá chuối và hấp như thường thấy.
Để miếng giò chả tươi ngon, thay vì cắt sẵn, người bán thường thái khi có khách mua. Một ổ bánh mì kẹp với các lát chả thái dày, kèm thêm dưa leo, hành tây, rắc chút ớt, xì dầu được làm nhanh chóng trong khoảng 30 giây.
Sáng 8/11, ông Nguyễn Văn Mót ghé mua ổ bánh mì ăn sáng. Biết được thói quen của khách hàng, lần nào anh Thiện cũng bỏ dư thêm chả bò. Ông Mót đã ăn bánh mì tiệm suốt hơn nửa thế kỷ qua. Người đàn ông 72 tuổi cho biết, những năm 1970 khi còn là sinh viên trường Luật trên đường Duy Tân (nay là đường Phạm Ngọc Thạch) ông đã thường ghé mua bánh mì cụ Lý rồi mang ra ngồi hồ Con Rùa ăn trước khi vào giảng đường.
"Bao năm qua hương vị vẫn như ngày xưa, ổ bánh mì nhiều giò chả ăn bao no. Tôi thích ăn ở đây do không bị cảm giác ngấy, mau ngán vì có thịt hay pate, bơ. Giờ cứ tuần một lần khi đi ngang đây tôi lại ghé vào", ông Mót nói.
Phạm Lý Tài Lộc, sinh viên đại học Kiến trúc TP HCM, cùng bạn ghé mua bánh mì ăn sáng. Anh cho biết, mới ăn ở đây được gần một năm do đi học ngang qua, thấy nhiều người mua. "Mình thường mua ổ đầy đủ, ăn cũng khá lạ miệng vì hương vị khác bánh mì phổ thông. Mình không nghĩ quán vỉa hè vậy mà có tuổi đời hơn 70 năm rồi", Lộc cho biết.
Anh Thiện bán cả tuần, nghỉ ngày chủ nhật và đến khoảng 9h30 là hết hàng. Mỗi ngày mẹt của anh bán khoảng 450 ổ bánh, với 40 kg giò chả, mỗi ổ có giá từ 25 đến 30.000 đồng. Mẹt bánh mì nằm gần các điểm du lịch như nhà thờ Đức Bà, đường sách Nguyễn Văn Bình, Bưu điện thành phố, hồ Con Rùa... Khách có thể mua mang đi, nếu thích có thể ngồi ngay vỉa hè. Gần quán cũng có các tiệm cà phê lớn hay hàng nước.
(Nguồn: Quỳnh Trần, VnExpress, Thứ tư, 9/11/2022, 02:17 (GMT+7))