Chỉ có vào cuối thu đầu đông, cua da của huyện Yên Dũng là món ăn đặc sắc không chỉ với du khách mà cả dân địa phương.
"Sông Cầu nước chảy lơ thơ, Đôi ta thương nhớ bao giờ cho nguôi" câu thơ lục bát gợi nhớ đến vùng đất Kinh Bắc - Bắc Ninh và Bắc Giang, với những câu hát dân ca quan họ làm bao người say đắm. Không chỉ đi vào thơ ca, dòng sông còn ghi dấu ấn với giới sành ăn nhờ một đặc sản hiếm có. Trước khi hợp lưu với hai con sông khác tại Kiếp Bạc, Hải Dương, sông Cầu chảy qua các xã Đồng Việt, Đồng Phúc, thị trấn Nham Biền... của huyện Yên Dũng. Khoảng tháng 9, tháng 10 Âm lịch, trên khúc sông này sẽ xuất hiện cua da sống tự nhiên ở những ghềnh đá.
Kích thước của cua da cũng đa dạng từ nhỏ đến lớn, phù hợp để chế biến thành nhiều món. Loại nhỏ có thể được giã, nấu canh ngọt mát hoặc đem rang muối hay sốt me, cua to có thể hấp bia. Cua da hấp bia giữ được hương vị, độ ngon, chắc của thịt cua nhất. Cua da hấp chín, mai chuyển màu cam trầm, không sậm như cua biển. Thịt ngọt, chân và càng mềm, không phải kẹp.
Ngon nhất vẫn phải kể đến lẩu cua da. Với vị ngọt hơn cua đồng, không tanh như cua biển, gạch cua vàng và béo ngậy, lẩu cua da hấp dẫn hơn bao giờ hết trong những ngày se lạnh, khi ngồi quây quần cùng gia đình, bạn bè.
Ngày nay, cua da đã làm nên thương hiệu cho ẩm thực mảnh đất Yên Dũng, nhiều món ăn ngon từ cua được đưa vào thực đơn của các nhà hàng địa phương. Nếu muốn tự tay chế biến, bạn cũng có thể tìm mua trực tiếp cua da tại các chợ truyền thống như chợ Neo, chợ Cống Đỉa.
(Nguồn: Đàm Đức Từ, VnExpress, Thứ năm, 30/12/2021, 15:26 (GMT+7))