Englishen

Chen chân ở Lễ hội Bánh mì TP.HCM: Bánh mì có gì mà thu hút đến vậy?

Thứ sáu, 31/03/2023, 16:33 GMT+7

Sức hút của bánh mì với người Việt là chưa bao giờ giảm. Người Việt Nam ăn bánh mì hiển nhiên như ăn cơm, ăn phở. Bánh mì Việt Nam cũng đã được quốc tế công nhận, góp phần quảng bá ẩm thực Việt Nam, đất nước và con người Việt Nam ra thế giới.

Lễ hội Bánh mì Việt Nam đang diễn ra tại TP.HCM. Dù là lần đầu tiên được tổ chức nhưng sức hút của Lễ hội Bánh mì khiến nhiều người ngạc nhiên, vì: Biết người Việt, đặc biệt là người dân TP.HCM, rất thích ăn bánh mì, nhưng không nghĩ lại được hưởng ứng tích cực đến như vậy.

Bánh mì Việt Nam quá có sức hút

Tối 31/3 là đêm đầu tiên, cũng là đêm khai mạc Lễ hội Bánh mì Việt Nam. Nhà Văn hóa Thanh Niên, quận 1 - nơi tổ chức lễ hội, chật kín người. Các lối đi hầu như không còn chỗ trống, người dân và du khách nhích từng chút một, và xếp hàng để chờ thưởng thức bánh mì. 

Bánh mì pate, thịt nguội, nem chả, cùng dưa leo, rau sống, điểm thêm vài lát ớt xắt cay cay là chiếc bánh mì “must try” (phải thưởng thức) của nhiều người khi đến tham gia Lễ hội Bánh mì. Cả nghìn người vui vẻ, hào hứng cầm trên tay và thưởng thức ngon lành những ổ bánh mì lúc 20h.

Lễ hội Bánh mì đang diễn ra tại TP.HCM chật kín khách cả ngày lẫn đêm

“Điều này chứng tỏ bánh mì có thể ăn được mọi lúc, mọi nơi. Tôi bất ngờ khi nhiều người lại thích ăn bánh mì giống mình đến như vậy. Đã tối rồi mà đông nghẹt. Tôi phải xếp hàng khoảng 10 phút mới cầm được ổ bánh mì trên tay. Thực sự nó rất ngon”, bà Lê Thanh Phương (quận Bình Thạnh, TP.HCM), nói.

Bà Phương cho biết cả gia đình 4 người đều “đạo bánh mì” (rất thích ăn bánh mì). Vì vậy, bà theo sát thông tin lễ hội từ đầu tháng 3. Và chờ khi mọi người trong nhà xong công việc trong ngày mới quyết định đi lễ hội cùng nhau.

Nhiều du khách đến TP.HCM cũng không bỏ qua Lễ hội Bánh mì. Bà Nguyễn Thị Hải - du khách đến từ TP.Nha Trang (Khánh Hòa) cho biết bà rất quan tâm Lễ hội Bánh mì. May mắn đến TP.HCM đúng dịp lễ hội tổ chức nên dành nửa ngày để tham gia. 

“Bánh mì rất quen thuộc với người dân Việt Nam. Mỗi vùng miền có một cách biến tấu riêng. Nha Trang của tôi nổi tiếng với bánh mì chả cá, vào TP.HCM là bánh mì thịt, bánh mì chả, rau sống, dưa leo. Loại nào cũng rất ngon và chưa bao giờ thấy ngán”, bà Hải cười, nói.

Nhân viên huy động 5-6 người, đổi ca liên tục vì khách quá đông tại Lễ hội Bánh mì

Sức hút của bánh mì khiến chủ nhiều gian hàng bất ngờ, họ đã phải xoay ca nhân viên đứng quầy, vì làm không xuể. 

“Trong ngày đầu tiên, chúng tôi phục vụ khoảng 3.000 ổ bánh mì, con số thực sự vượt xa kỳ vọng ban đầu. Đến cuối ngày, vẫn có rất nhiều khách chờ để được thưởng thức bánh mì. Chúng tôi đã đoán trước bánh mì rất có sức hút, nhưng không nghĩ lại được đón nhận tốt đến như vậy”, bà Biện Thị Thanh Hương - Phó Giám đốc TVP Food nói với Dân Việt.

Bánh mì - món ăn gói ghém sự tinh tế của nền ẩm thực, và thể hiện nét văn hóa

Sức hút của bánh mì với người Việt là chưa bao giờ giảm, mà chỉ càng tăng thêm, thấy rõ nhất ở Lễ hội Bánh mì đang diễn ra. Bánh mì của người Việt cũng đã được quốc tế công nhận, góp phần quảng bá hình ảnh ẩm thực Việt Nam, đất nước và con người Việt Nam ra thế giới.

Ngày 24/3/2011, bánh mì Việt Nam được ghi nhận là danh từ riêng trong từ điển Oxford. “banh mi” được Oxford giải thích là một món ăn nhẹ, bên trong kẹp một hoặc nhiều loại thịt, pate, rau củ như cà rốt, dưa leo, rau mùi cùng với các loại gia vị tiêu, ớt theo kiểu của người Việt Nam.

Ngày 24/3/2020, Google đã tôn vinh Bánh mì Việt Nam nhân kỷ niệm 9 năm ngày từ “banh mi” được đưa vào từ điển Oxford - Nguồn: Google

Xuất thân từ baguette châu Âu, bánh mì đã được người Việt biến tấu trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Được Oxford ghi nhận, đây được xem là cột mốc quan trọng trong hành trình bánh mì Việt Nam chinh phục thế giới. 

“Tên gọi này là một sự khẳng định đầy tự hào chủ quyền của một món ăn đến từ Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Khánh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, đánh giá.

Sau đó, bánh mì liên tục được truyền thông quốc tế nhắc đến, khen ngợi và giới thiệu với du khách quốc tế. Năm 2013, Bánh mì Việt Nam đã được tạp chí National Geographic bình chọn là một trong 11 món ăn đường phố ngon nhất thế giới, là món ăn đứng đầu trong danh sách 12 món ăn đường phố do Tạp chí Du lịch Mỹ Conde’ Nast Traveler bầu chọn. 

Năm 2014, Bánh mì Việt Nam tạo nên cơn sốt khi lọt vào top 20 món ăn đường phố ngon nhất thế giới của Huffington Post. Năm 2017, bánh mì Việt Nam lọt top 10 món sandwich hấp dẫn nhất thế giới theo trang Traveller. Năm 2018, trang CNN ưu ái gọi tên bánh mì ở Hội An là “Vua của các sandwich trên thế giới”.

Ngày 24/3/2020, Google đã tôn vinh Bánh mì Việt Nam nhân kỷ niệm 9 năm ngày từ “banh mi” được đưa vào từ điển Oxford. Hình ảnh Bánh mì Việt Nam, lấy cảm hứng dựa trên những chiếc xe bánh mì khắp mọi nẻo đường ở Việt Nam, xuất hiện trên trang chủ Google ở hơn 10 quốc gia.

Bánh mì pate, thịt nguội, chà bông, rau sống... chưa bao giờ thôi hấp dẫn với người Việt

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM Nguyễn Thị Khánh cho rằng từ thành thị đến nông thôn Việt Nam, bánh mì không chỉ là món ăn gói ghém sự tinh tế của nền ẩm thực nước nhà. Bánh mì mỗi vùng miền thể hiện rõ rệt nét văn hóa địa phương.

Bánh mì không chỉ gắn với đời sống mà còn chứa đựng tinh túy của nghệ nhân người thợ làm bánh. Ngay khi Lễ hội Bánh mì Việt Nam được khởi động đã nhận được sự chú ý lớn của quốc tế, gồm cả những nhà cung cấp quốc tế vì hiệu ứng tích cực của "Bánh mì Việt Nam".

Ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đánh giá việc tôn vinh bánh mì Việt Nam là cần thiết. Bánh mì đã trở thành một món ăn đặc trưng của Việt Nam. Du lịch Việt Nam đang từng bước trở thành ngành mũi nhọn, trong đó cần tập trung hướng đến phát triển sản phẩm mới, độc đáo phù hợp với du khách. 

Ẩm thực, chiếc bánh mì sẽ là cầu nối giới thiệu Việt Nam ra thế giới, thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

(Nguồn: Hồng Phúc, Dân Việt, Thứ sáu, 31/03/2023, 13:32 (GMT+7))