Englishen

Vi vu 10 ngày không ở khách sạn, cắm trại khắp các điểm đẹp mê từ Sài Gòn ra Đà Nẵng

Thứ hai, 11/07/2022, 08:54 GMT+7

Chàng trai Nguyễn Thanh Tuấn (sinh năm 1986) quyết định sắp xếp công việc, thực hiện chuyến đi 10 ngày dọc TP.HCM - Đà Nẵng. Điều đặc biệt, anh và bạn đồng hành không nghỉ chân tại bất cứ khách sạn/nhà nghỉ nào mà cắm trại xuyên suốt chuyến đi.

Từ năm 2014 - 2020, Nguyễn Thanh Tuấn đã có hơn 100 chuyến đi khắp Việt Nam. Tuy nhiên, đây là chuyến đi đầu tiên anh cắm trại dài ngày. “Khác với nhiều chuyến đi trước đây, mình muốn trải nghiệm cảm giác hòa mình với thiên nhiên trọn vẹn nhất, chứng kiến cảnh đẹp từ lúc bình minh tới khi đêm xuống”, anh Tuấn chia sẻ.

Đây là chuyến đi đầu tiên, anh Tuấn cắm trại liên tục 10 ngày

Chuẩn bị

Trước chuyến đi, anh dành khoảng 1 tuần để lên kế hoạch, tìm các điểm cắm trại đẹp mắt được mọi người chia sẻ nhiều, chuẩn bị vật dụng cần thiết. Anh lựa chọn cung đường TP HCM - Tây Nguyên - Đà Nẵng có tổng khoảng cách cả hai chiều đi và về là khoảng 2.022 km, để kỷ niệm cho năm 2022. 

Do di chuyển bằng xe máy, mỗi ngày đi hơn 5 tiếng với quãng đường khoảng 200km nên anh Tuấn mang theo hành lý gọn nhẹ, đơn giản nhất có thể gồm 1 balo 10kg, 1 túi lều - phụ kiện cắm trại 7kg chằng phía sau xe và đeo một túi máy ảnh khoảng 7kg ở phía trước.

Một số điểm cắm trại nổi tiếng như Hồ Tà Đùng, Hòn Đỏ đã được anh lựa chọn từ trước. Các điểm khác, anh tùy cơ ứng biến phụ thuộc vào lịch trình, tốc độ di chuyển mỗi ngày.

10 điểm cắm trại đẹp mê li

Mỗi ngày anh Tuấn và bạn đồng hành xuất phát từ 9h sáng, đi đến 16h rồi hạ trại. Tiêu chí lựa chọn điểm cắm trại của Tuấn là an toàn, cảnh đẹp, dễ di chuyển và yên tĩnh.

“Khi chọn địa điểm hạ trại mình luôn dành thời gian hỏi thăm, trò chuyện với người dân địa phương quanh đó để nắm được tình hình an ninh. Yếu tố an toàn rất quan trọng. Ban đêm, mình cần có cảm giác an tâm thì mới ngủ ngon, đảm bảo sức khỏe”, anh chia sẻ.

Hồ Tà Đùng, Đắk Nông là điểm đầu tiên anh Tuấn và bạn đồng hành hạ trại. Tà Đùng giống như vịnh Hạ long thu nhỏ, xanh biếc nổi bật giữa núi rừng. Nơi đây có diện tích hơn 20.000 ha, với hơn 36 đảo lớn nhỏ. Trên các đảo chủ yếu là rừng le, lồ ô và rừng hỗn giao tre nứa – gỗ. 

Đôi bạn cắm trại bên hồ Tà Đùng

Ngày thứ hai, đôi bạn hạ trại bên cây kơ nia cổ thụ bên hồ Lắk (Đắk Lắk). Không chỉ là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Đắk Lắk, hồ Lắk còn nổi tiếng về sự nguyên sơ, hoang dã của những cánh rừng dọc bên bờ hồ. Tại đây, anh Tuấn được chứng kiến hoàng hôn nhuộm đỏ bầu trời và lòng hồ.

Xung quanh điểm hạ trại ấn tượng này là dãy nhà dài của đồng bào dân tộc thiểu số thuộc buôn Cuôr Tak. Tại đây, anh Tuấn được ngắm bình minh, hoàng hôn, nghe chim hót, chứng kiến người dân đánh bắt cá, làm nông quanh hồ

Đập Tân Sơn, Gia Lai là địa điểm cắm trại thứ ba trong hành trình.  Đập Tân Sơn nằm cách trung tâm TP Pleiku khoảng 25km về hướng Bắc. Đây là một công trình thủy lợi thuộc lưu vực Biển Hồ, gồm có hồ chứa, đập ngăn nước và hệ thống kênh mương. Sự hòa hợp giữa vẻ đẹp của thiên nhiên núi non sông nước gắn với công trình kỳ vĩ do con người tạo ra đã tạo nên một cảnh quan đắm say lòng người. 

Đập Tân Sơn, Gia Lai là địa điểm cắm trại thứ ba trong hành trình

Ngày thứ 4, anh tới cắm trại tại thác Bà Hoàng Mô Ních, Quảng Nam. Địa điểm này nằm ngoài kế hoạch ban đầu. Vị trí hạ trại ở chân thác này được anh Tuấn đánh giá là kém an toàn nhất do nằm gần đường lớn, nhiều xe cộ đi lại, khá ồn ào.

Đây là điểm hạ trại khá ồn ào nên anh Tuấn và bạn đồng hành (trong ảnh) không thực sự thoải mái

Bãi rêu ở rạn Nam Ô, Đà Nẵng là điểm hạ trại tiếp theo. Theo kinh nghiệm của những người đi "săn rêu" - những nhiếp ảnh gia chuyên chụp rêu xanh ở rạn Nam Ô, rêu đẹp nhất vào khoảng buổi sáng sớm. Khi ấy, thủy triều xuống, để lộ ra những mỏm đá xanh rì với những mảng rêu phủ dày đặc, tạo thành bức tranh màu xanh "mát mắt" dưới vùng trời Nam Ô.

Sáng sớm, anh Tuấn thức dậy và chiêm ngưỡng bãi rêu xanh mướt
Ngày thứ 6, khi quay ngược trở lại, đôi bạn chọn bãi biển Sa Huỳnh để hạ trại
Ngày thứ 7, anh ngắm bình minh tại Mũi Điện, Phú Yên

Hai ngày tiếp theo, anh cắm trại giữa bầy dê tại Hòn Đỏ, Ninh Thuận và mũi Kê Gà, Bình Thuận. Khi cắm trại ở Hòn Đỏ, anh Tuấn gặp “sự cố” hi hữu. Anh dậy sớm chuẩn bị đồ ăn sáng, trái cây sau đó ra bãi rêu ngắm bình minh. Khi về thì anh hốt hoảng vì đồ ăn đã “bay mắt”. Nhận ra “tội phạm” chính là đàn dê, anh Tuấn không hề tức giận, thậm chí dùng thêm đồ ăn để dụ chúng chụp ảnh chung.    

Đôi bạn thích thú khi gặp đàn dê
Bãi Nước Ngọt, Ninh Thuận là điểm hạ trại cuối cùng, kết thúc hành trình 10 ngày của đôi bạn thân

Kinh nghiệm

Hai ngày đầu do chưa quen ngồi xe lâu, anh Tuấn khá mệt. Tuy nhiên, sang ngày thứ 3, anh và bạn đồng hành quen dần. Hàng ngày, đôi bạn sẽ tắm rửa, vệ sinh ở các cây xăng lớn dọc đường. Anh sạc các thiết bị điện từ ắc quy xe máy hoặc sạc nhờ ở quán ăn, hoặc tấm pin mặt trời khi có nắng.

Theo anh Tuấn, cắm trại tự túc khác nhiều với cắm trại tại khu dịch vụ hay các điểm nổi tiếng. Anh luôn hạn chế đốt lửa, bật nhạc to hay giăng đèn. Anh Tuấn cũng không chọn các điểm hạ trại gần đường lớn vì quá ồn ào mà lại không an toàn. Trước khi hạ trại, du khách nên hỏi trước và xin phép người dân, tuyệt đối không xâm phạm tài sản tư nhân và xả rác.

Chi phí 10 ngày cho hai người khoảng 8 triệu đồng. Do không tiền thuê khách sạn nên một nửa tổng chi phí là tiền xăng, còn lại dành cho ăn uống.

Linh Trang (Ảnh: Thanh Tuấn), Vietnamnet, 09/07/2022, 15:44 (GMT+07:00))