Englishen

Về Gò Vấp tìm lại dấu xưa qua những điểm tham quan tuổi đời trăm năm

Thứ bảy, 27/08/2022, 11:19 GMT+7

Tour 'Gò Vấp trăm năm tìm lại dấu xưa' đưa du khách đến Phù Châu cổ miếu gần 300 năm tuổi, ngôi đình cổ nhất vùng đất Gia Định xưa, làng nghề đúc đồng truyền thống... với những trải nghiệm thú vị.

Ngày 26.8, bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cùng lãnh đạo Sở Du lịch, UBND Q.Gò Vấp khảo sát tour "Gò Vấp trăm năm tìm lại dấu xưa" do Công ty TST tourist tổ chức.

Đây là chương trình thuộc chiến lược mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch của UBND TP.HCM.

Phù Châu cổ miếu được tạo dựng khoảng cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19. Xưa kia, miếu là một trong những địa điểm hành hương nổi tiếng của người dân Sài Gòn - Gia Định. NHẬT THỊNH
Từ năm 1992 đến nay, sau nhiều lần trùng tu, ngôi miếu trở nên khang trang hơn bằng vật liệu hiện đại, nhưng vẫn theo kết cấu kiến trúc cổ kính mang đậm nét văn hóa Việt - Hoa. NHẬT THỊNH

Hành trình tour đưa du khách đến Phù Châu cổ miếu - ngôi miếu có tuổi đời gần 300 năm trên dòng sông Vàm Thuật, tham quan đình Thông Tây Hội - ngôi đình cổ nhất của vùng đất Gia Định xưa và của miệt đất phương Nam còn tồn tại đến ngày nay.

Tại đây, đoàn đã trồng lưu niệm cây Vấp, khởi động chương trình "Trồng lại cánh rừng Vấp xưa". Tiếp nối hành trình, đoàn tham quan nhà thờ Hạnh Thông Tây do ông Denis Lê Phát An (cậu ruột của Hoàng hậu Nam Phương) xây dựng.

Phù Châu miếu được UBND TP.HCM xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật. (ảnh: NHẬT THỊNH)
Đình Thông Tây Hội là một trong những ngôi đình cổ nhất trên vùng đất Gia Định xưa, đình được xây dựng trong khoảng năm 1698 tại làng Hạnh Thông, tỉnh Gia Định. (ảnh: NHẬT THỊNH)


Địa điểm tiếp theo là làng nghề đúc đồng tại P.12, nơi lưu giữ nghề đúc đồng truyền thống qua 3 - 4 thế hệ, tạo nên nét đặc sắc riêng độc đáo của Gò Vấp.

Điểm nhấn của hành trình tour còn là bảo tàng tư nhân với bộ sưu tập trống da trâu Tây Nguyên nhiều nhất Việt Nam được làm từ thân gỗ độc mộc, đàn đá cổ nhất Việt Nam. Tại đây, du khách xem biểu diễn đàn Chapi, kèn không phím, đàn đá... và giao lưu cùng gia đình nghệ nhân Đức Dậu với những câu chuyện thú vị về quá trình sưu tầm, gìn giữ, truyền cảm hứng âm nhạc dân tộc.

Đình Thông Tây Hội được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia. Trong ảnh, đoàn trồng lưu niệm cây Vấp tại đình.  (ảnh: NHẬT THỊNH)
Nhà thờ Hạnh Thông Tây có chiều dài 40m, rộng 14m, cao 16m, tháp chuông cao 30m, một vòm chính với 2 vòm phụ, kiến trúc và nội thất cổ được bảo tồn khá chu đáo. (ảnh: NHẬT THỊNH)

Với lịch trình 1 ngày, ngoài các điểm trên, tour "Gò Vấp trăm năm tìm lại dấu xưa" còn đưa du khách đến quán cà phê sân thượng vừa thưởng thức cà phê vừa ngắm toàn cảnh sân bay Tân Sơn Nhất.

Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - Marketing TST tourist cho biết, tên gọi tour "Gò Vấp trăm năm tìm lại dấu xưa" là tour đưa du khách qua những điểm đến mang tính chất lịch sử. Ở Gò Vấp, phần lớn các điểm đến, công trình kiến trúc, làng nghề đều có lịch sử trên 100 năm, có những nơi gắn liền với quá trình hình thành vùng đất Sài Gòn - Gia Định.

"Chúng tôi mong muốn kết nối những kiến trúc cổ xưa với những yếu tố mới của điểm đến để thu hút du khách trong và ngoài nước. Từ đó, tạo nên điểm nhấn hấp dẫn và mới lạ cho du lịch thành phố", ông Mẫn chia sẻ.

Nội thất nhà thờ được trang trí tỉ mỉ, công phu. Ở mái vòm dọc theo chiều dài được trang trí những bức phù điêu hình vuông chạm khắc hoa văn tinh xảo. (ảnh: NHẬT THỊNH)
Kiến trúc độc đáo với vòm hình bán cầu, bên trên bố trí tháp nhỏ để thông gió và lấy ánh sáng, của nhà thờ Hạnh Thông Tây. (ảnh: NHẬT THỊNH)

 

Theo các nghệ nhân cao tuổi trong làng kể lại, nghề đúc lư đồng xuất hiện ở Sài Gòn từ thế kỷ thứ 18. Khi đó, có hai nghệ nhân sau khi học nghề ở phủ Thừa Thiên đã đem nghề đúc đồng về phát triển ở Phú Lâm, rồi chuyển về làng An Hội cho tới nay (ảnh: VŨ PHƯỢNG).
Nghề đúc đồng phát triển thịnh vượng ở Sài Gòn xưa từ lâu. Khi đó cả khu vực An Hội có trên 30 hộ theo nghề này. Đa số di cư từ các tỉnh miền Trung vào. (ảnh: VŨ PHƯỢNG)

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết : TP.HCM sẽ chọn đây là tour điểm nhấn giới thiệu khách trong nước, quốc tế dịp 2.9 và dịp Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM sắp tới.

Đến nay An Hội có 5 hộ gia đình vẫn còn giữ được nghề đúc đồng thủ công, giữ lửa, truyền nghề cho con cháu. (ảnh: VŨ PHƯỢNG)

Theo bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, tiềm năng du lịch của từng quận, huyện phong phú nhưng chưa có những giải pháp khơi gợi đúng mức; các quận, huyện cũng chưa nghĩ rằng mình có trong tay những điều quý giá. Do đó, ngành du lịch TP năm nay phát động và đề nghị lãnh đạo quận, huyện quan tâm để phục hồi du lịch, dịch vụ.

"50% số quận, huyện đã công bố những sản phẩm du lịch cho riêng mình. Tôi cảm nhận rằng những đơn vị làm trước có nhiều cố gắng, nhưng nhiều đơn vị đi sau nhìn vào các sản phẩm đó, tìm ra điều đặc sắc hơn để quảng bá cho địa phương của mình", Phó chủ tịch UBND TP.HCM nói.
(Nguồn: Vũ Phượng, Nhật Thịnh, Thanh Niên, 20:54 - 26/08/2022)