Englishen

Vẻ đẹp xuyên không tại làng cổ Đường Lâm

Thứ tư, 24/11/2021, 08:25 GMT+7

Đứng tại làng cổ Đường Lâm và chụp ảnh, Trần Quốc Trung như xuyên không để trở về quá khứ.

TSTtourist-ve-dep-xuyen-khong-tai-lang-co-duong-lam-1

Trần Quốc Trung, sinh năm 1982, sống tại Ba Đình, Hà Nội, gây ấn tượng trong cộng đồng yêu du lịch trên mạng xã hội với bộ ảnh làng cổ Đường Lâm. Đây là lần thứ 4 anh đến đây và quyết định lưu giữ lại kỷ niệm bằng hình ảnh. "Tôi sợ một ngày ngôi làng sẽ bị đô thị hóa, chỉ còn ký ức qua những hình ảnh", Trung chia sẻ. Bộ ảnh được anh đặt tên là "Cổ trấn bị lãng quên", nay đã thu về gần 8.500 lượt yêu thích và khoảng 500 bình luận.

Có nhiều lối vào làng cổ, nhưng cổng Mông Phụ vẫn mang nhiều dấu ấn nhất. Đây là cổng làng cổ duy nhất còn sót lại ở khu vực Bắc Bộ. Trải qua bao thăng trầm, cổng Mông Phụ vẫn còn rất nguyên vẹn, thấm đậm hồn quê xứ Đoài. Đứng tại khu vực này, thời gian như chậm lại, ta như đang quay trở lại quá khứ.

TSTtourist-ve-dep-xuyen-khong-tai-lang-co-duong-lam-2

Nằm cách đô thị Hà Nội hiện đại khoảng 45 km, làng cổ Đường Lâm là điểm dừng chân cho du khách muốn tìm về những dấu ấn xưa cũ. Nơi đây lưu giữ tốt những nét đặc trưng của làng quê Bắc Bộ xưa với cây đa, bến nước, sân đình... Trong hàng vạn ngôi làng trên cả nước, Đường Lâm là nơi đầu tiên nhận danh hiệu Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.

TSTtourist-ve-dep-xuyen-khong-tai-lang-co-duong-lam-3

Ý tưởng của Trung được thể hiện qua bộ ảnh là sự lưu giữ những khoảnh khắc, kỷ niệm về một làng quê yên bình, cổ kính, đậm chất Bắc Bộ mà hiện tại do đô thị hóa mà rất ít nơi còn gìn giữ được. Anh đăng tải lên mạng xã hội cũng vì muốn bạn bè gần xa biết đến nơi này nhiều hơn. Về khâu chuẩn bị, Trung cho biết thời tiết là yếu tố quan trọng nhất để cho ra đời các bức ảnh đẹp và may mắn anh được thời tiết ủng hộ, không gặp khó khăn.

TSTtourist-ve-dep-xuyen-khong-tai-lang-co-duong-lam-4

Kỷ niệm đáng nhớ với Trung là tìm mẫu ảnh. Anh phải nhờ người quen để liên hệ những cụ già trong làng, và phải là những cụ bà nhuộm răng để hợp cảnh làng quê. Phong tục nhuộm răng đen có từ xưa, hiện tại chỉ còn lại ở thế hệ trước. Trung phải làm việc nhanh, chính xác vì không muốn mất nhiều thời gian của các cụ tuổi tác đã cao. Anh căn những khung giờ chuẩn để có ánh sáng mặt trời đẹp nhất, chọn lọc ra những tấm hình sinh hoạt có hồn và tự nhiên nhất.

TSTtourist-ve-dep-xuyen-khong-tai-lang-co-duong-lam-5

Buổi sáng, người dân chuẩn bị tương nếp. Ghé thăm một số nhà cổ tại đây, bạn có thể mua tương nếp để làm quà và nghe mô tả về quá trình làm tương nếp đúng điệu. Những chum tương được bày ngoài sân, thoảng trong không khí mùi mặn mà.

TSTtourist-ve-dep-xuyen-khong-tai-lang-co-duong-lam-6

Trung chia sẻ, tương nếp là một trong những sản phẩm văn hóa ẩm thực, một đặc sản của làng cổ cần được gìn giữ. Những chum tương được bày trong sân các kiến trúc nhà cổ, làm tăng dấu ấn xuyên không.

TSTtourist-ve-dep-xuyen-khong-tai-lang-co-duong-lam-7

Trong tương lai, Trung sẽ tiếp tục đem đến những hình ảnh đồng quê yên bình cổ kính, không riêng gì Đường Lâm để bạn bè gần xa biết đến sự xinh đẹp vô cùng của làng quê Việt Nam. Dù đã đến Đường Lâm 4 lần, anh luôn thôi thúc muốn được quay lại do tại đây, anh luôn bắt gặp những hình ảnh tuổi thơ ùa về. Thời điểm đẹp nhất trong năm mà Trung khuyến khích mọi người đến thăm Đường Lâm đó là vào mùa lúa chín

(Nguồn: Trung Nghĩa, VnExpress, Thứ tư, 24/11/2021, 03:04 (GMT+7))