Mùa thu chính là “thời điểm vàng” để du khách của TSTtourist khám phá văn hóa ẩm thực đường phố Nhật Bản. Lúc này không chỉ thời tiết và cảnh quan của Nhật Bản có sự thay đổi, dịu nhẹ và lãng mạn hơn mà những món ăn được bày bán trên các Yatai (những quầy bán hàng rong phổ biến trên phố của Nhật Bản) cũng đã có nhiều khác biệt. Những món ăn đường phố mùa thu của Nhật Bản khá đa dạng, với đủ loại nguyên liệu, cách chế biến từ mặn đến ngọt như: lá phong chiên (Tempura Momiji), quả hồng sấy (Shibui Kaki), khoai lang nướng (Yaki Imo)… đảm bảo sẽ không làm thực khách thất vọng trong lần đầu nếm thử.
Trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản, mỗi mùa đều có một đặc trưng riêng biệt ứng với những món ăn chỉ có thể thưởng thức trong mùa đó. Đối với mùa thu - mùa được cho là thơ mộng nhất của “xứ sở mặt trời mọc” khi những hàng cây bắt đầu thay lá đỏ lá vàng, thời tiết trở mát mẻ, phần nào giúp ta cảm thấy ngon miệng hơn.
Với những loại hải sản, mùa thu là thời điểm dự trữ dinh dưỡng để chuẩn bị cho quá trình trú đông và sinh sản nên thịt sẽ rất có độ béo và thơm hơn. Còn với những loại nông sản, mùa thu rơi vào mùa thu hoạch, đơm hoa kết quả nên sẽ có nhiều dưỡng chất nhất.
Vì vậy, văn hóa ẩm thực đường phố Nhật Bản vào mùa thu sẽ có sự nổi trội của những món ăn ít chế biến, giữ trọn hương vị tự nhiên, lượng chất dinh dưỡng vốn có. Bên cạnh đó, mùa thu là lúc Nhật Bản diễn ra nhiều lễ hội từ lớn đến nhỏ nên văn hóa ẩm thực mùa thu sẽ có những món ăn mang nhiều ý nghĩa, tượng trưng cho những lời chúc tốt đẹp.
Được thiên nhiên hết mực ưu ái, ẩm thực đường phố Nhật Bản vào mùa thu sẽ chinh phục mọi du khách bởi sự đa dạng và thú vị. Dưới đây là 7 món ăn đường phố tiêu biểu mà bạn không thể bỏ lỡ nếu có cơ hội đến du lịch Nhật Bản vào mùa thu.
Món Tempura Momiji đặc biệt về phần nhìn lẫn hương vị
Văn hóa ẩm thực Nhật Bản nổi tiếng với những điều lạ thường và món lá phong chiên có lẽ là một trong số đó. Đây là món ăn đường phố đặc trưng của mùa thu Nhật Bản, thoạt nhìn có vẻ đơn giản nhưng lại phải trải qua những công đoạn mất cả năm ròng.
Người Nhật sẽ nhặt những lá phong rơi rụng từ cành (chỉ chọn lá phong vàng vì có gân lá mềm hơn, dễ ăn hơn), bảo quản cẩn thận để lá phong khi mang về luôn sạch sẽ. Lá phong sẽ được ngâm với muối trong những thùng to và ủ đến tận một năm sau, giúp lá mềm hơn, mất đi mùi hăng. Lá được ướp xong, sau khi rửa sạch sẽ được nhúng vào bột trộn với đường, hạt mè rồi cho vào dầu chiên giòn vàng.
Những chiếc lá phong chiên sẽ có độ giòn tan kèm vị ngọt của đường, vị mặn của muối ngấm bên trong lá rất lạ miệng nhưng cuốn hút.
Du khách có thể mua hồng sấy Shibui Kaki về làm quà cho người thân
Những quả hồng sấy thơm nồng chính là một phần không thể thiếu để tạo nên văn hóa ẩm thực mùa thu Nhật Bản.
Shibui kaki là một loại hồng chát thường được người Nhật sấy khô bằng cách gọt vỏ, đem phơi nắng, làm cho vị chát mất đi và ngọt dần lên. Đặc sản này được xem như một thức quà của mùa thu, cứ mỗi độ thu sang ở các miền quê nước Nhật, trước mỗi nhà đều có treo lủng lẳng những dây hồng sấy đặc biệt này.
Ngày nay, loại hồng sấy này đã xuất hiện ở nhiều khu chợ và quầy hàng, gần như một dạng thức ăn vặt, một món ăn kèm không thể thiếu trong những lần thưởng trà.
Hạt dẻ là nguyên liệu không thể thiếu trong ẩm thực đường phố mùa thu Nhật Bản
Mùa thu cũng chính là mùa của hạt dẻ - một hương vị quen thuộc và có thể được sử dụng trong cả món ngọt lẫn món mặn. Thật không khó để bắt gặp những xe bán hạt dẻ rang thu hút đông người mua trên những con phố Nhật Bản khi trời vào thu. Thưởng thức hạt dẻ rang ấm nóng, béo bùi vào những ngày se lạnh của mùa thu chính là nét tinh tế ẩn chứa bên trong nền ẩm thực Nhật Bản lâu đời.
Nếu tìm hiểu thêm văn hóa ẩm thực mùa thu Nhật Bản, du khách sẽ thấy hạt dẻ ngoài được rang hoặc ăn kèm với cơm còn là nguyên liệu chính của món Kuri Manju - một loại bánh ngọt với nhân hạt dẻ hấp bên trong. Cùng với đó, người Nhật còn có công thức làm món kẹo hạt dẻ (Kuri Kinton) vô cùng nổi tiếng.
Du khách có thể quan sát quá trình làm món bánh xèo Okonomiyaki ngay trên đường phố Nhật Bản
Nếu bánh xèo Việt Nam không thể vắng mặt giá, củ sắn, tôm thịt, nấm... thì bánh xèo Okonomiyaki của Nhật Bản lại mang phong cách đa dạng và thay đổi tùy vào sở thích của người ăn, không chỉ có rau, tôm, thịt mà còn có thể cho thêm trứng gà, cá, mực, bạch tuộc, bắp cải, rong biển... thậm chí là cả mì sợi.
Đây là món ăn đã mê hoặc biết bao du khách mỗi khi đến Nhật Bản thưởng thức ẩm thực đường phố. Món ăn này thường được chế biến ngay trên các hàng quán vỉa hè và được phục vụ ngay khi còn nóng hổi. Khi thưởng thức, hương vị của Okonomiyaki thật sự bùng nổ ngay trong khoang miệng của bạn, đọng lại sự đậm đà và tươi ngon của nguyên liệu.
Khoai lang nướng nóng hổi rất hợp với thời tiết se lạnh của mùa thu
Dạo quanh Nhật Bản trong trời thu se lạnh, du khách sẽ bắt gặp hình ảnh những chiếc xe đầy ắp khoai lang nướng thơm ngon trong màn khói nghi ngút.
Đây là Yaki Imo - món ăn vặt được làm từ Satsuma Imo - một loại khoai lang có vỏ màu tím với thịt trắng, nhưng bên trong sẽ chuyển sang màu vàng tươi khi nướng.
Trong văn hóa ẩm thực đường phố Nhật Bản, Yaki Imo là một bữa ăn nhẹ rất tiện lợi và đủ chất cho bất cứ ai vào bất cứ lúc nào, cũng có thể lót dạ cho những ai đang vội vã với công việc. Tuy nhiên, không vì vậy mà hương vị của khoai lang nướng lại sơ sài mà ngược lại vị ngọt, bùi đặc trưng của món ăn này đã làm không ít du khách phải xao xuyến.
Bánh cá Taiyaki hấp dẫn mọi du khách, mọi lứa tuổi
Taiyaki hay bánh cá nướng là một món ăn quen thuộc mà bạn có thể giới thiệu ngay cho bạn bè khi nói về ẩm thực đường phố Nhật Bản.
Bánh cá Taiyaki có phần vỏ được làm từ bột mì, phần nhân là đậu đỏ Azuki ninh nhừ nghiền nát trộn thật nhiều đường. Các nghệ nhân làm bánh sẽ đổ bột vào chiếc khuôn nóng có hình con cá tráp, sau đó đổ nhân vào. Ngày nay, bánh cá Taiyaki đã có thêm nhiều loại nhân đa dạng như kem trứng, socola, caramen, phô mai, trà xanh…
Cá tráp trong tiếng Nhật đọc là "tai", tượng trưng cho niềm vui và sự thịnh vượng, tên của món bánh Taiyaki cũng bắt nguồn từ đó. Vì thế mà chiếc bánh giản dị hình cá tráp Taiyaki lại trở thành một thức quà vặt đường phố phổ biến nhất nhì Nhật Bản.
Bánh Mitarashi Dango rất được ưa chuộng vào mùa thu ở Nhật Bản
Mitarashi Dango là loại bánh trung thu truyền thống của người Nhật, đồng thời cũng là một món ăn đặc trưng của ẩm thực đường phố Nhật Bản.
Bánh bột gạo có dạng hình tròn được xếp thành tháp hình tam giác hoặc xiên 3 viên vào các que tre rồi phủ nước sốt lên. Để hòa cùng không khí Tết trung thu, bánh Dango còn được tạo hình thành những chú thỏ đáng yêu.
Có rất nhiều cách để biến tấu cho món Mitarashi Dango thêm bắt vị và hấp dẫn như ăn kèm trà xanh đậm, bột đậu nành, rượu sake, kem vani, pudding sữa… Mỗi cách thưởng thức mang đến một trải nghiệm vị giác khác biệt, hứa hẹn sẽ làm du khách không khỏi thích thú.
Những món ngon trên đã tạo nên sự phong phú và dấu ấn đặc trưng cho ẩm thực đường phố Nhật Bản khi vào thu. Thưởng thức những món ăn đậm đà hương vị trong khung cảnh thơ mộng sẽ làm cho chuyến đi cùng TSTtourist đến “xứ sở mặt trời mọc” của du khách thêm hoàn hảo.