Englishen

Trekking Bình Liêu tháng 12

Thứ hai, 20/12/2021, 07:34 GMT+7

Bình Liêu tháng 12 không chỉ có hoa sở nở trắng rừng, những vạt đồi lau trắng và cỏ cháy mà còn có các phiên chợ sắc màu.

TSTtourist-trekking-binh-lieu-thang-12-1

Bình Liêu là một huyện miền núi phía đông bắc tỉnh Quảng Ninh, có biên giới với Trung Quốc. Những năm gần đây, cái tên Bình Liêu ngày càng được nhiều du khách biết tới là một điểm đến thú vị hấp dẫn các bạn trẻ mê phượt.

Do địa hình đa phần đồi núi nên khí hậu Bình Liêu khác biệt so với toàn tỉnh Quảng Ninh, khi mùa hè mát mẻ hơn còn mùa đông lạnh hơn. Đặc biệt khi đến Bình Liêu tháng 12 này, du khách sẽ được trải nghiệm mùa hoa sở trong tiết trời dễ chịu.

TSTtourist-trekking-binh-lieu-thang-12-2

Hoa sở là giống họ trà, hoa nở to với có cánh trắng nhị vàng nổi bật. Loài hoa mang đặc trưng của Bình Liêu nở rộ vào tháng 12 nên vài năm gần đây, huyện Bình Liêu thường tổ chức Lễ hội hoa Sở tạo sự kiện thu hút du khách cuối năm.

Trước đây hoa sở mọc tự nhiên nhưng nay đã được quy hoạch trồng thành khu riêng, vừa tạo điểm đến cho khách du lịch check-in, vừa để người dân dễ canh tác, sản xuất. Hoa sở không chỉ đẹp mà còn được dân địa phương khai thác lấy hạt ép làm dầu ăn và bán như một đặc sản.

TSTtourist-trekking-binh-lieu-thang-12-3

Cuối năm tiết trời se lạnh rất thích hợp để check-in các cột mốc biên giới ở Bình Liêu như 1305, 1300, 1302 và 1327. Trong đó, con đường lên cột mốc 1305 gây ấn tượng nhiều nhất vì hình dáng khi nhìn từ trên cao rất giống "sống lưng khủng long".

Riêng con đường từ trung tâm Bình Liêu đến cột mốc 1305 đã là một cung đẹp ngoạn mục bởi đây là tuyến đường tuần tra biên giới Việt - Trung. Đường có độ cao trung bình trên 700 m so với mực nước biển, uốn lượn theo sườn núi, bao quanh là cảnh núi non trùng điệp và xanh mướt màu cỏ cây.

TSTtourist-trekking-binh-lieu-thang-12-4

Nếu không đủ sức khỏe vượt khoảng 2.000 bậc thang để lên cột mốc, du khách có thể dừng nghỉ và chụp ảnh ở bất cứ đoạn nào. Tuy nhiên, nếu bạn kiên trì và có một đôi giày đi bộ tốt, gặp thời tiết đẹp, sau 2 tiếng leo là có thể tới đích.

TSTtourist-trekking-binh-lieu-thang-12-5

Ngoài các cột mốc, những du khách mê khám phá thiên nhiên và thích leo núi có thể thử thách bản thân với đỉnh Cao Xiêm, nơi được coi là nóc nhà của tỉnh Quảng Ninh với độ cao 1.429 m. Theo những người dẫn đường là dân địa phương, khách sẽ đi qua rừng hồi, rừng thông... điểm xuyết những cây sau sau đang trổ lá vàng đỏ rực rỡ. Tiếp đó là đồng cỏ hoang sơ, bãi đá tự nhiên, rộng mênh mông như cao nguyên và cuối cùng là các dốc núi dẫn lên đỉnh cao nhất.

Mùa hè đường đi Cao Xiêm nắng nóng dễ làm khách mất sức hơn mùa thu đông. Do đường từ chân núi lên đỉnh không quá dài (khoảng 7km mỗi chiều) nên du khách có thể thong thả đi, nghỉ ngơi cũng như tổ chức dã ngoại ăn uống ngay trong rừng.

TSTtourist-trekking-binh-lieu-thang-12-6

Sau khoảng 2 - 3 tiếng vừa leo vừa nghỉ chân chụp hình, du khách tới đỉnh Cao Xiêm sẽ được phóng tầm mắt ngắm nhìn phong cảnh Bình Liêu, những dãy núi hùng vỹ của cả Trung Quốc và Việt Nam.

Ngoài Cao Xiêm, Bình Liêu còn có Cao Ly, Cao Ba Lanh cũng là những đỉnh núi lý tưởng để trekking, dã ngoại, cắm trại, hay săn mây trong ngày. Cao Ly nằm ở độ cao 1.200 m có nhiều bãi cỏ rộng dễ cắm trại săn mây. Còn đỉnh Cao Ba Lanh cao 1.050 m nổi bật với bãi đá nhiều hình thù khác nhau, bạn có thể gõ như chơi nhạc.

TSTtourist-trekking-binh-lieu-thang-12-7

Bình Liêu có trên 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, phần lớn là người Tày, Dao, Sán Chỉ, Kinh, Hoa... Trong đó, một nhánh dân tộc Dao là đồng bào Dao Thanh Phán (ảnh) luôn nổi bật với trang phục nhiều họa tiết và màu đỏ làm chủ đạo. Du khách tới Bình Liêu sẽ được đắm mình trong văn hóa, bản sắc của người dân nơi đây.

TSTtourist-trekking-binh-lieu-thang-12-8

Cuối tuần ghé Bình Liêu, du khách có cơ hội dạo chơi chợ phiên ở trung tâm thị trấn hay chợ xã Đồng Văn. Chợ họp vào thứ 7, chủ nhật hàng tuần, bà con khắp thôn bản từ những xã huyện lân cận cũng mang hàng hóa, nông lâm sản về chợ trao đổi buôn bán.

Nhiều mặt hàng đặc trưng chỉ có ở chợ phiên như lá tắm, dược liệu chữa bệnh của đồng bào dân tộc, các loại bánh ngải, coóc mò, tài lồng ệp... Người dân tới chợ mua bán, ăn uống từ sáng tới chiều muộn nhưng đông đúc nhất là từ 10h sáng trở đi, xe để kín bãi và hàng hóa bày khắp lối.

(Nguồn: Khánh Trần, VnExpress, Chủ nhật, 19/12/2021, 15:16 (GMT+7))