Englishen

Trải nghiệm xe lôi ở Hà Tiên

Thứ sáu, 15/04/2022, 14:12 GMT+7

Nhiều gia đình đi du lịch Hà Tiên thường sử dụng dịch vụ không khói bụi và tiếng ồn để đến các danh thắng của thành phố biển.

Tháng tư năm nay, người dân Nam Bộ liên tục đi du lịch vào lễ Thanh Minh và giỗ Tổ Hùng Vương. Ngày 14-16/4, đồng bào dân tộc Khmer tiếp tục đón Tết cổ tuyền Chôl Chnăm Thmây trong bối cảnh dịch Covid-19 được các tỉnh, thành kiểm soát tốt.

Chị Sơn Thị Hồng (28 tuổi, ở huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng) cho biết kỳ nghỉ lễ giỗ Tổ, gia đình gồm 8 người đã đến Hà Tiên du lịch hai ngày một đêm. Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây này, các con của chị Hồng được nghỉ học một ngày nên gia đình tiếp tục quay lại Hà Tiên vui chơi.

“Xe vua” giá rẻ

Theo chị Sơn Thị Hồng, Hà Tiên có nhiều điểm để gia đình check-in nhưng dịp giỗ Tổ đi quá gấp nên mọi người chưa trải nghiệm hết. Chuyến du lịch quay lại thành phố biển trong một ngày tới, gia đình chị Hồng sẽ tham quan chùa Phật Đà (còn gọi là chùa Lò Gạch), đầm Đông Hồ, thuê tàu đi đảo Hải Tặc.

“Đến Hà Tiên, gia đình tôi ai cũng thích đi xe lôi để tham quan các danh thắng về đêm vì không khói, không tiếng ồn. Xe này còn lọi là ‘xe vua’, một chiếc chở 4 người đi tham quan không giới hạn thời gian và địa điểm nhưng giá chỉ 50.000 đồng/người. Người chạy xe cũng am hiểu về du lịch địa phương nên hướng dẫn rất nhiệt tình”, chị Hồng nói.

TSTtourist-trai-nghiem-xe-loi-o-ha-tien-1Tài xế xe lôi Trịnh Thanh Phong giới thiệu với du khách các danh thắng của TP Hà Tiên

Ban ngày, Hà Tiên ít xe lôi chạy ngoài đường vì trời nắng. Từ khoảng 17h, gần 100 chiếc xe lôi có gắn đèn trang trí đậu chờ khách ở các điểm du lịch và cơ sở lưu trú. Những người chạy xe lôi không chèo kéo khách, tận tình đưa đón và giá dịch vụ chở đi tham quan của các xe được thống nhất với nhau.

Tài xế Trịnh Thanh Phong cho biết anh chạy xe lôi được 4 năm, thu nhập cao điểm có lúc hơn một triệu đồng/đêm. Những đêm vắng khách do trời mưa, tài xế hơn 30 tuổi này chỉ thu được khoảng 200.000 đồng.

Theo anh Phong, vài năm trước ngành du lịch ở Hà Tiên chưa phát triển nên chỉ có vài chiếc xe lôi đậu ở chợ hải sản để chở cá, tôm ra ôtô giúp du khách. Hiện, Hà Tiên là điểm đến lý tưởng cho du khách vào mỗi dịp lễ và cuối tuần nên xe lôi phát triển được gần 100 chiếc để phục vụ cho ngành du lịch.

“Ban đêm tôi chạy xe lôi, ban ngày làm phụ hồ hoặc vò cá viên chiên. Tuổi còn trẻ nên chúng tôi phải bươn chải để có thêm thu nhập, vừa giới thiệu hình ảnh du lịch của Hà Tiên đến với du khách”, anh Phong chia sẻ.

TSTtourist-trai-nghiem-xe-loi-o-ha-tien-2Du khách thích trải nghiệm xe lôi tại TP Hà Tiên

Một lái xe khác là Nguyễn Thanh Sang (28 tuổi) cho biết trước đây xe lôi chạy tự phát. Để phục vụ du khách một cách “bài bản”, chính quyền địa phương đã thành lập hợp tác xã xe lôi du lịch để bảo vệ quyền lợi cho các xã viên.

“Hàng ngày tôi làm phụ hồ, tối chạy xe lôi chở khách du lịch nên thu nhập khá ổn định. Một chiếc xe lôi chúng tôi đầu tư khoảng 20 triệu đồng”, anh Sang nói.

Qua quan sát, phóng viên thấy xe lôi du lịch ở Hà Tiên có nhiều kiểu dáng khác nhau, mỗi chiếc chở được 4 người lớn, 2 trẻ em (chưa kể tài xế). Những chiếc xe lôi thiết kế theo kiểu truyền thống phía sau có một băng ghế nệm để khách ngồi tựa lưng như "vua"; 2 người phía trước ngồi trên thùng xe bằng inox, quay mặt về phía trước để ngắm cảnh.

Một số xe lôi được thiết kế cầu kỳ hơn để gây sự chú ý đối với du khách. Đó là những chiếc xe có thùng phía sau được thiết kế theo hình tròn như quả bí, có 2 ghế nệm, chở được 4 người lớn và 2 trẻ nhỏ. Ngoài ra, trên xe còn gắn thiết bị âm thanh phát ra những bài hát về quê hương Kiên Giang để du khách vừa thưởng thức âm nhạc vừa ngắm cảnh dọc theo hai bên đường.

Nâng cấp hạ tầng du lịch Hà Tiên

Ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, cho biết không chỉ khách nội địa mà khách Tây cũng thích trải nghiệm xe lôi ở Hà Tiên vì được chở đi dạo quanh thành phố biển trong không khí trong lành, thoáng mát về đêm.

Theo ông Thái, ngoài xe lôi, ngành du lịch sẽ cùng địa phương phát triển thêm xe điện để một chiếc chở cùng lúc được nhiều du khách.

Lãnh đạo ngành du lịch Kiên Giang cũng nói rằng trong tương lai Hà Tiên có thêm một cây cầu, xây tại vị trí cầu nổi cũ để phá thế độc đạo của cầu Tô Châu nằm cạnh Pháo Đài hiện nay.

“Trong chuyến làm việc với tỉnh Kiên Giang đầu tháng 3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đồng ý cho địa phương xây thêm cầu tại Hà Tiên. Cầu này có vốn khoảng 500 tỷ đồng, Trung ương hỗ trợ 50%, còn lại của tỉnh. Cơ quan chức năng đang xúc tiến các thủ tục xây cầu nhằm tạo sự thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, phát triển hạ tầng du lịch và phục vụ cho an ninh quốc phòng”, ông Bùi Quốc Thái khẳng định.

Đối với tuyến quốc lộ 80 từ Rạch Giá đi Hà Tiên, hiện có nhiều đoạn xuống cấp, gây khó khăn cho du khách. Tỉnh Kiên Giang đã đề xuất Trung ương giao quyền quản lý cho tỉnh Kiên Giang để sớm được nâng cấp, sửa chữa.

“Tuyến đường này do Bộ GTVT quản lý nên mỗi lần sửa chữa, làm văn bản gửi đi và chờ phản hồi nên chậm. Thủ tướng đã đồng ý giao cho tỉnh quản lý nên việc nâng cấp sẽ nhanh. Tỉnh xuất ngân sách để làm đường phục vụ hạ tầng du lịch, đường ra Mũi Nai cũng đang được nâng cấp. Hà Tiên sắp tới sẽ phát triển vì có khu lấn biển”, lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang chia sẻ.

TSTtourist-trai-nghiem-xe-loi-o-ha-tien-3TP Hà Tiên về đêm với chiếc cầu độc đáo Tô Châu hiện nay

Cùng với việc phát triển hạ tầng du lịch tại Hà Tiên, cửa khẩu quốc tế của địa phương này cũng được cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang đầu tư đúng chuẩn, hợp mỹ quan, tạo điều kiện phát triển du lịch song phương và thông thương hàng hóa giữa Việt Nam - Campuchia.

Theo kế hoạch của ngành du lịch tỉnh Kiên Giang, năm nay địa phương dự kiến thu hút 5,2 triệu lượt khách, trong đó có 200.000 khách quốc tế. Ngành du lịch tiếp tục bám sát Nghị quyết số 3 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch, phấn đấu đến năm 2030 sẽ hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ du lịch (kể cả đường bộ, đường thủy, đường hàng không), thu hút 1,667 triệu lượt khách quốc tế và 22 triệu lượt khách nội địa, đóng góp trên 17,5% GRDP của tỉnh, đạt 4.900 triệu USD, tương đương 105.000 tỷ đồng.

Để đạt được mục tiêu trên, nghị quyết đề ra 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch; cơ cấu lại ngành du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển du lịch; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển du lịch; nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; phát triển đa dạng hóa sản phẩm và loại hình du lịch; tăng cường năng lực và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch.

(Nguồn: Việt Tường, Zing news, Thứ năm, 14/4/2022, 17:11 (GMT+7))