Kính vạn hoa, Cổng mặt trời, Thứ ba học trò,... không chỉ là một bộ phim, mà đó còn là một phần ký ức của thế hệ 8X, 9X. Những ngôi trường xuất hiện với tần suất dày đặc không kém cạnh vai chính, nhưng thông tin về chúng thì còn khá ít trên các diễn đàn thông tin. Hôm nay, cùng TST tourist ôn lại chút kỷ niệm xưa bằng cách điểm lại những cái tên đã góp mặt trong các bộ phim học đường Việt Nam từng khuynh đảo màn ảnh nhỏ một thời.
Kính vạn hoa - “huyền thoại tuổi thơ”
Kính vạn hoa - bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh - được xem là một "huyền thoại tuổi thơ". Với những câu chuyện vui buồn về lứa tuổi học trò, những trò nghịch ngợm, quậy phá nhưng lồng ghép khéo léo những bài học cuộc sống về tình bạn, tình thầy trò, tình cảm gia đình,... bộ ba nhỏ Hạnh, Quý Ròm, Tiểu Long cùng "đồng bọn" đã mang đến những tràng cười sảng khoái cho khán giả.
Phim Kính vạn hoa có 3 phần, kéo dài từ năm 2004 đến 2008, tạo nên cơn sốt màn ảnh ngay từ khi ra mắt. Ngọc Trai, Vũ Long và Anh Đào đã giúp những nhân vật trong truyện như từ trang sách bước ra, thể hiện thành công đến mức Quý Ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh cũng trở thành vai diễn để đời của họ. Tuyến nhân vật phụ của bộ phim còn có sự góp mặt của nhiều ca sĩ, diễn viên như Angela Phương Trinh, Noo Phước Thịnh, Hoàng Phi,... khiến những câu chuyện về Kính vạn hoa còn được bàn tán mãi cho đến tận bây giờ.
Lễ chào cờ đầu tuần tại Trường THCS Lê Quý Đôn xuất hiện ngay trong tập 1 phim Kính vạn hoa
Trường THCS Lê Quý Đôn (Quận 11, TP.HCM) xuất hiện ngay từ tập 1 của bộ phim, là mái trường cấp 2 mà bộ ba Quý Ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh theo học. Bảng tên trường, phù hiệu, logo trên đồng phục của các diễn viên... đều được cho lên phim, nên dù không phải một "thánh soi" bạn cũng biết bối cảnh chính là Trường THCS Lê Quý Đôn.
Được biết, Trường THCS Lê Quý Đôn (Quận 11, TP.HCM) là trường đạt chuẩn Quốc gia, có diện tích trên 13.000m2 với hơn 40 phòng học, ngoài ra còn trang bị đầy đủ các phòng chức năng, thí nghiệm, vi tính, phòng lab, thư viện, sân chơi ngoài trời,... đáp ứng đa dạng nhu cầu học tập, vui chơi, giải trí của học sinh.
Thứ ba học trò - bộ phim học đường “quốc dân” của Việt Nam
Phần hậu kỳ cuối mỗi tập phim Thứ ba học trò có gửi lời tri ân của đoàn làm phim đến Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Quận Bình Thạnh, TP.HCM). Đây cũng là “diễn viên trường học” góp mặt trong bộ phim Thứ ba học trò phát sóng năm 2009.
Phim kể về câu chuyện của lớp 12A1 với 40 học sinh là một lớp cá biệt trong trường vì quy tụ những thành phần quá ngang bướng, chuyên chọc phá thầy cô, bạn bè. Sau khi giáo viên chủ nhiệm phải tạm nghỉ, thầy Nghiêm Tuấn (Đan Trường thủ vai) đến nhận lớp. Từ đây, hành trình "uốn nắn" lại lớp học cá biệt này của thầy chủ nhiệm "hiền nhưng không lành" đã mở ra nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười.
Bằng tình yêu thương, sự cảm hóa và tinh thần đoàn kết nội bộ, tập thể lớp 12A1 bắt đầu chuyên tâm học hành và đạt những thành tích đáng nể. Phim kết thúc bằng đám cưới giữa thầy Nghiêm Tuấn và cô Thư Cầm (Nguyệt Ánh thủ vai), với dàn bê tráp “hùng hậu” là các học sinh lớp 12A1.
Mái trường THPT Hoàng Hoa Thám hiện lên thân thương với những hàng cây, ghế đá, sân trường; với bảng đen, phấn trắng, thầy cô, đám bạn,... nhất là thầy giám thị "khó tính" do Công Ninh thủ vai.
Không chỉ thành công “lăng xê” ngôi trường, bộ đồng phục của Trường THPT Hoàng Hoa Thám còn “thơm lây” nhờ thiết kế đẹp mắt
Trường THPT Hoàng Hoa Thám tọa lạc trên khuôn viên 11.544m2 với hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư hiện đại. Ngoài các trang thiết bị dạy và học như máy chiếu, điều hòa,... trường còn bố trí các phòng chuyên biệt như phòng máy tính, phòng thí nghiệm, thư viện,... để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập, sáng tạo của thầy và trò.
Đồng phục xuất hiện trong phim Thứ ba học trò cũng là đồng phục chính thức của học sinh trường này. Dù đơn giản nhưng với thiết kế bắt mắt nên ngoài Thứ ba học trò, đồng phục này cũng xuất hiện trong nhiều bộ phim, MV ca nhạc, giúp Trường THPT Hoàng Hoa Thám vô tình trở nên nổi tiếng.
"Trình làng" năm 2010, bộ phim Cổng mặt trời cũng lập tức "gây bão" màn ảnh khi khai thác những vấn đề, khó khăn xoay quanh những cô cậu sinh viên chập chững từ quê lên thành phố học tập.
Đây cũng là tác phẩm đưa tên tuổi của dàn diễn viên chính như Lương Thế Thành, Nguyệt Ánh, Kha Ly, Lê Bê La, Tú Vi, Hòa Hiệp, Ngọc Lan,... đến gần với công chúng.
Các diễn viên diện trang phục tốt nghiệp của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (TP.HCM) trong phim Cổng mặt trời
Thêm một sự thật thú vị là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM là ngôi trường mà đa phần nữ chính trong phim theo học. Bộ đồng phục tốt nghiệp, tấm bìa của bằng cử nhân,... được mô tả chân thực "đến từng cen ti mét" trong phim.
Giao diện mới cập nhật năm 2023 của bộ lễ phục tốt nghiệp cử nhân Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (TP.HCM)
Mãi đến đầu năm 2023, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (TP.HCM) mới có những thay đổi với bộ đồng phục tốt nghiệp, chiếc nón cử nhân từ đen chuyển thành màu cam cùng màu với áo, sau lưng áo được thêm logo USSH thêu chữ nổi màu cam.
Trường Đại học Sư phạm Huế được thiết kế bởi chính kiến trúc sư Ngô Viết Thụ
Trường Đại học Sư phạm Huế tọa lạc trên đường Lê Lợi nằm bên dòng sông Hương thơ mộng. Từ khi thành lập năm 1957 đến năm 1975, trường là cơ sở đào tạo giáo viên trung học duy nhất cho các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Sau ngày 30/04/1975, trường chính thức có tên gọi đầy đủ là Trường Đại học Sư phạm thuộc Đại học Huế.
Chiếc cầu thang hình xoắn ốc xuất hiện trong phim Mắt biếc
Đây là công trình do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế. Ông là một trong những kiến trúc sư nổi tiếng nhất thế kỷ 20, từng thiết kế nhiều công trình như Dinh Độc Lập, nhà thờ Phủ Cam, chợ Đà Lạt... Kiến trúc ngôi trường có nhiều điểm nhấn đặc sắc như 2 dãy giảng đường chính được thiết kế hình chữ Y hay chiếc cầu thang hình xoắn ốc.
Giai đoạn năm 1964 đến năm 1977, trường được sử dụng làm nơi giảng dạy cho Trường Trung học Kiểu mẫu Huế. Và cái tên này cũng xuất hiện trong phim Mắt biếc - nơi nhân vật Hà Lan và Hồng theo học sau khi rời làng Đo Đo.
Ngạn đợi Hà Lan trước cổng trường là một trong những phân cảnh khiến con dân “lịm tim” trong Mắt biếc
Mắt biếc là bộ phim vô cùng "mát tay" trong việc quảng bá các điểm tham quan. Từ thành công của bộ phim, những nơi xuất hiện trong phim trở thành điểm check-in "sốt xình xịch" trong giới trẻ, từ Đồi Vọng Cảnh, Lăng Khải Định, Cây cô đơn, Làng Đo Đo, quán cà phê Mắt Biếc cho đến Trường Đại học Sư phạm Huế,...
Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Lâm Đồng trong phim Tháng năm rực rỡ
Đây là ngôi trường mà nhóm Ngựa hoang trong Tháng năm rực rỡ theo học. Trường có thiết kế phổ thông như rất nhiều ngôi trường khác trên cả nước, với mái ngói đỏ, bức tường vàng phủ rêu phong,... Tuy nhiên, do nằm ở thành phố Đà Lạt mộng mơ và được biết đến rộng rãi sau bộ phim, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Lâm Đồng trở thành điểm check-in không thể thiếu, bên cạnh nhiều địa điểm ghi hình cũng “gây sốt” không kém cạnh như phim trường Secret Garden, Dốc Nhà Bò, Khu nhà hát Hòa Bình, nhà ga Trại Mát,...
Gần phân nửa thời lượng phim Em chưa 18 được quay tại Trường Phổ thông Song ngữ Liên cấp Wellspring Saigon
Xuất hiện trong phim Em chưa 18, Trường Phổ thông Song ngữ Liên cấp Wellspring Saigon - nơi theo học của nữ chính Linh Đan (Kaity Nguyễn thủ vai) - ngay lập tức gây choáng vì cơ sở hạ tầng khang trang với hệ thống phòng ốc, thiết bị hiện đại.
Lớp học
Sân bóng đá
Sân chơi bóng rổ
Trường Quốc tế Song ngữ Liên cấp Wellspring Saigon thành lập trên tinh thần giúp học sinh hoàn thiện cả về tư duy lẫn thể chất, tạo điều kiện để các bạn năng động sáng tạo, tham gia nhiều lĩnh vực khác nhau như thể thao, nghệ thuật và vui chơi giải trí.
Cơ sở vật chất của trường mới mẻ và trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại như thư viện, lớp học có điều hòa, phòng máy tính, vườn ươm thực vật, hồ bơi trong nhà, nhà thi đấu đa năng, sân bóng đá, những phòng riêng biệt như phòng âm nhạc, phòng vẽ, phòng học ngôn ngữ,... để học sinh thỏa sức thể hiện năng khiếu và tài năng nghệ thuật, ngôn ngữ.
Những “diễn viên trường học” này vô tình trở nên nổi tiếng nhờ sức hút của các bộ phim đình đám. Nhưng cũng như bao mái trường thân thương khác, ý nghĩa cốt lõi của chúng vẫn là nơi nuôi dưỡng ước mơ, ươm mầm hoài bão cho những thế hệ học trò. Có phần ký ức nào lâu rồi không nhắc nhớ, những tưởng đã lãng quên nhờ những hoài niệm này từ TST tourist mà bỗng chốc “sống lại” trong bạn? Nếu có thì hãy trân trọng và lưu giữ thật kỹ nhé, vì ký ức là một phần tạo nên chúng ta của hôm nay. TST tourist không những cung cấp các tour du lịch, mang đến cho du khách cơ hội tham quan nhiều nơi, trải nghiệm nhiều nền văn hóa, mà còn là nơi bổ sung nhiều thông tin thú vị khác nữa đó nha.