Englishen

Thị xã Hương Thủy phát triển du lịch cộng đồng thành ngành du lịch chủ đạo

Thứ sáu, 04/03/2022, 08:12 GMT+7

Với những lợi thế sẵn có từ hệ thống di tích đến cảnh quan thiên nhiên, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tích cực triển khai các giải pháp để tạo ra các sản phẩm du lịch cộng đồng có chất lượng, thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương, nhằm đưa du lịch cộng đồng trở thành ngành du lịch chủ đạo. 
 

TSTtourist-thi-xa-huong-thuy-phat-trien-du-lich-cong-dong-thanh-nganh-du-lich-chu-dao-1Tái hiện hoạt cảnh chợ quê.

Là hoạt động tái khởi động các sự kiện văn hóa, thể thao, các điểm đến du lịch cộng đồng ở Thừa Thiên - Huế, chương trình "Chợ quê ngày hội" diễn ra tại điểm du lịch cộng đồng cầu ngói Thanh Toàn, xã Thủy Thanh, Thị xã Hương Thủy cuối tháng 2 đã thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia. Tại đây, du khách được tham gia trải nghiệm các hoạt động xay lúa, giã gạo, đạp nước, cất rớ, nấu rượu gạo, làm bánh, chằm nón; tham gia các trò chơi dân gian, đua ghe câu, hội đua trải; thưởng thức ẩm thực, ca Huế, bài chòi, trình diễn áo dài… trong khung cảnh làng quê yên bình. Với chuỗi các hoạt động văn hóa - thể thao - du lịch hấp dẫn, mỗi ngày "Chợ quê ngày hội" đón từ 700-800 lượt khách tham quan, trải nghiệm, tham gia các trò chơi dân gian…

TSTtourist-thi-xa-huong-thuy-phat-trien-du-lich-cong-dong-thanh-nganh-du-lich-chu-dao-2Trình diễn hoạt động chằm nón trong Lễ hội “Chợ quê ngày hội” năm 2022. 
 Bà Phạm Thị Hằng, ở thành phố Huế cho biết: Cầu ngói Thanh Toàn là một địa điểm nổi tiếng của Thừa Thiên - Huế. Lễ hội "Chợ quê ngày hội" năm nay ở cầu ngói Thanh Toàn có nhiều hoạt động phong phú tái hiện bức tranh đồng quê và du khách có những trải nghiệm thú vị về nét đẹp trong đời sống, sinh hoạt, văn hóa… của người dân miền quê một cách chân thật nhất. Những lễ hội như thế này rất hay, vừa giữ gìn truyền thống của miền quê Cố đô, vừa quảng bá cho du lịch Thừa Thiên - Huế.

 Xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy là nơi hội tụ khá nhiều yếu tố để phát triển loại hình du lịch cộng đồng. Trên địa bàn có 5 di tích lịch sử, trong đó 2 di tích cấp tỉnh là đình làng Thanh Thủy Chánh và đền Văn Thánh; 3 di tích lịch sử cấp quốc gia là phủ thờ Tôn Thất Thuyết, đình làng Vân Thê và cầu ngói Thanh Toàn. Ngoài ra, nơi đây còn có hệ thống cảnh quan thiên nhiên đậm chất làng quê với sông nước, đồng ruộng, vườn cây nông nghiệp, nhiều ngành nghề truyền thống…

Những năm gần đây, chính quyền và người dân Thủy Thanh đã tạo nên những sản phẩm du lịch đặc trưng cùng cách làm du lịch cộng đồng gắn liền với đời sống lao động hàng ngày khá hấp dẫn. Các mô hình trải nghiệm làm vườn tại vườn Văn Thánh, Vân Thê Garden & Homestay, vườn hoa Lạc Dương, cơ sở nón lá Nguyễn Thị Kiềm, vườn trải nghiệm chân quê; đi kèm với các tổ ẩm thực, chèo thuyền, trải nghiệm làm nón lá, gói bánh tét… đã thu hút nhiều người dân và du khách tham quan. Đặc biệt, du khách còn được tham gia có tour trải nghiệm "Một ngày làm nông dân", tham quan chợ đêm cầu ngói Thanh Toàn, chèo thuyền trên sông Như Ý, tham gia trò chơi dân gian hô bài chòi, tham quan vườn cây nông nghiệp, các cơ sở làm nghề truyền thống, trải nghiệm làm các loại bánh…

TSTtourist-thi-xa-huong-thuy-phat-trien-du-lich-cong-dong-thanh-nganh-du-lich-chu-dao-3Hội bài chòi trong khuôn khổ Lễ hội “Chợ quê ngày hội” năm 2022. 
Việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở cầu ngói Thanh Toàn, xã Thủy Thanh cũng được đẩy mạnh, hiện có hơn 150 hộ dân tham gia.  Ông Trần Duy Việt, Chủ tịch UBND xã Thủy Thanh cho biết, chính quyền địa phương đang tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng, chỉnh trang các khu vực di tích để phục vụ phát triển du lịch cộng đồng; kêu gọi người dân cùng chính quyền tạo ra những sản phẩm, mô hình du lịch mới, mang đặc trưng của địa phương. Xã tranh thủ mọi nguồn lực để hỗ trợ người dân xây mới, nâng cấp các nhà vườn, homestay tại các điểm du lịch cộng đồng; phối hợp với Sở Du lịch mở các lớp tập huấn cho thành viên các gia đình tham gia làm du lịch và mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào những nơi có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng. 

 Ngoài các điểm du lịch cộng đồng ở xã Thủy Thanh, xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy cũng là nơi hội tụ các điều kiện để phát triển du lịch cộng đồng. Trên địa bàn xã có nhiều điểm tham quan hấp dẫn như hệ thống các di tích Chợ Kháng Chiến, Bia Chiến khu Dương Hòa, suối thác Đá Dăm, Khe De, lòng hồ Tả Trạch, du lịch Thác Chín Chàng. Tới đây, du khách cũng được trải nghiệm các nghề truyền thống như chẻ tăm hương, đan lát, làm chổi bằng cây lồ ô…

Với những tiềm năng và lợi thế từ cảnh quan thiên nhiên đến hệ thống di tích, trong những năm qua, thị xã Hương Thủy đã có nhiều chủ trương, chính sách tạo môi trường pháp lý thuận lợi để thực hiện công tác quản lý nhà nước, huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, cùng với người dân tạo nên những sản phẩm du lịch đặc trưng. Tuy nhiên, thực tế các hoạt động trải nghiệm vẫn còn sơ sài; hiệu quả từ du lịch dịch vụ chưa trở thành nguồn thu nhập chính của người dân. 

TSTtourist-thi-xa-huong-thuy-phat-trien-du-lich-cong-dong-thanh-nganh-du-lich-chu-dao-4Đua trải trên sông Như Ý. Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy Ngô Thị Ái Hương cho biết, để phát triển du lịch cộng đồng xứng với tiềm năng, thị xã sẽ tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất du lịch; phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng chủ đạo gồm điểm du lịch cộng đồng Cầu ngói Thanh Toàn,  điểm du lịch thôn Buồng Tằm (xã Dương Hòa). Thị xã đổi mới, đẩy mạnh truyền thông, quảng bá xúc tiến du lịch, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng, hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực du lịch, hình thành đội ngũ thuyết minh tại điểm và hướng dẫn viên du lịch người địa phương. Bên cạnh đó, thị xã sẽ xây dựng cơ chế khuyến khích sự tham gia của cộng đồng dân cư vào hoạt động du lịch; đơn giản các thủ tục hành chính, hỗ trợ người dân tham gia làm du lịch, trong đó có hỗ trợ kinh phí để người dân phát triển các mô hình, sản phẩm du lịch, nghề truyền thống…

 Giai đoạn 2022 – 2025, thị xã Hương Thủy đặt mục tiêu tạo ra các sản phẩm du lịch cộng đồng có chất lượng, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương, đưa du lịch cộng đồng trở thành ngành du lịch chủ đạo, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế của thị xã.

Đến năm 2025, ngành du lịch Hương Thủy phấn đấu thu hút khoảng 250.000 lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt gần 400 tỷ đồng; trong đó du lịch cộng đồng thu hút 150.000 lượt khách, với doanh thu gần 200 tỷ đồng. 

TSTtourist-thi-xa-huong-thuy-phat-trien-du-lich-cong-dong-thanh-nganh-du-lich-chu-dao-5Cầu ngói Thanh Toàn thuộc xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế). 
Tại buổi làm việc với thị xã Hương Thủy về tình hình phát triển du lịch cộng đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Thanh Bình đề nghị thị xã cần rà soát quy hoạch chi tiết trong việc nhận diện các vùng, quỹ đất để thu hút đầu tư phát triển du lịch; phát triển hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ du lịch; xây dựng các sản phẩm du lịch cộng đồng đặc thù, có chiều sâu, tạo sản phẩm có thương hiệu của địa phương. Đồng thời, thị xã đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển du lịch cộng đồng dựa trên việc mở rộng các loại hình đào tạo, mở các lớp tập huấn bồi dưỡng về du lịch, kỹ năng nghiệp vụ, thái độ phục vụ khách du lịch, ngoại ngữ… kết hợp với việc phổ biến kinh nghiệm và hỗ trợ cho người dân địa phương phát triển du lịch cộng đồng.

(Nguồn: Tường Vi (TTXVN), Thứ Sáu, 04/03/2022 07:10)