Englishen

Sắc tím thàn mát phủ các tuyến đường trên bán đảo Sơn Trà

Thứ năm, 16/02/2023, 08:21 GMT+7

Những ngày gần đây, thời tiết tại TP.Đà Nẵng có mưa, thuận lợi cho sự phát triển của cây thàn mát được trồng xuống bán đảo Sơn Trà.

Lãnh đạo TP.Đà Nẵng cùng đông đảo cán bộ, đoàn viên thanh niên vừa phát động Tết Trồng cây tại P.Thọ Quang (Q.Sơn Trà). Theo đó, 900 cây thàn mát trên đường lên bán đảo Sơn Trà với chiều dài khoảng hơn 5 km (tính từ khu vực hồ Xanh lên hướng chùa Linh Ứng) đã được trồng kể từ ngày 14.2.

Thàn mát tím, còn có tên gọi khác là mác bát, thăn mút )tên khoa học là Millettia nigrescens Gagn), thường trổ tại nhiều cánh rừng nguyên sinh trên bán đảo Sơn Trà.

Chuỗi hoa thàn mát tím ngắt nở rộ trên bán đảo Sơn Trà (ảnh: NGUYỄN TRÌNH)

Theo các nhà chuyên môn, cây thàn mát được đánh giá cao về khả năng sinh trưởng, cho hoa đẹp, có thể trồng trên một số tuyến đường TP.Đà Nẵng để trở thành điểm nhấn đặc sắc cho du khách đến thưởng ngoạn trong khoảng tháng 4 đầu tháng 5.

Vào tháng 6.2022, tại cuộc họp về cây xanh, lãnh đạo TP.Đà Năng cho rằng, cần chọn một số loài cây bản địa phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng để trồng trên các tuyến đường thuộc khu vực bán đảo Sơn Trà. Sơn Trà được mệnh danh là "lá phổi xanh" của thành phố biển Đà Nẵng nên cần được quan tâm bảo vệ, gìn giữ môi trường sinh thái.

Với màu tím đặc sắc, hoa thàn mát cũng góp phần phát huy những giá trị cảnh quan thiên nhiên, tạo nên nét đẹp bản sắc, làm điểm nhấn cho thành phố.

Tuy nhiên, hoa thàn mát chỉ nở rộ trong một thời gian ngắn khoảng 15 ngày. Vì vậy, có nhiều ý kiến cho rằng nên trồng xen kẽ cây hoa bằng lăng tím để kéo dài thời gian nở hoa tại các tuyến đường trên bán đảo.

Năm 2022, đề tài khoa học "Nghiên cứu quần thể loài thực vật bản địa đặc trưng của bán đảo Sơn Trà và khả năng di thực trồng tại công viên, đường phố trên địa bàn Q.Sơn Trà" do Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng thực hiện đã đưa ra được danh sách 27 loài thực vật bản địa đặc trưng của bán đảo Sơn Trà đáp ứng tiêu chí cây xanh đô thị.

Cây thàn mát là cây đặc trưng của bán đảo Sơn Trà (ảnh: NGUYỄN TRÌNH).

Trên cơ sở đó, TS Nguyễn Quyết, Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng - chủ nhiệm đề tài thực hiện các thí nghiệm nhân giống và đánh giá khả năng sinh trưởng tại vườn ươm.

Kết quả bước đầu đã đề xuất 4 loài thực vật bản địa triển vọng để nghiên cứu trồng ngoài thực địa, bao gồm: thàn mát tím (Millettia nigrescens Gagn), găng cao (Rothmannia eucodon), thành ngạnh (Cratoxylum maingayi Dyer) và dành dành Trung bộ (Gardenia annamensis Pit).

Hoa thàn mát có màu tím như hoa bằng lăng (ảnh: NGUYỄN TRÌNH)

Được biết, đến nay. Trung tâm Công nghệ sinh học TP.Đà Nẵng đã nhân giống được 4 loài hoa đã nêu nhằm tạo cảnh quan cho các tuyến đường. Thàn mát, găng cao và thành ngạnh đã được trồng thực nghiệm tại một số công viên.

Riêng cây thàn mát được chọn trồng tại đường lên Sơn Trà vào 14.2 vừa qua nhằm tạo ra con đường hoa đặc trưng đầu tiên của Đà Nẵng.


Nhằm phát huy những giá trị cảnh quan thiên nhiên, tạo nên nét đẹp bản sắc của bán đảo Sơn Trà, làm điểm nhấn cho TP, năm 2022, UBND TP.Đà Nẵng cũng đã ban hành kế hoạch trồng cây xanh tạo đặc trưng trên báo đảo Sơn Trà với kinh phí 8 tỉ đồng.

Hoa thàn mát hứa hẹn sẽ giúp bán đảo Sơn Trà thêm thu hút (ảnh: NGUYỄN TRÌNH)

Việc trồng cây xanh tạo đặc trưng trên báo đảo Sơn Trà được thực hiện theo lộ trình từ năm 2022 - 2025. Trong đó, tổng chiều dài các tuyến được trồng cây là hơn 13 km, gồm: tuyến Tiên Sa - đỉnh Bàn Cờ (hơn 5,6 km); tuyến 2 trạm DRT - chòi Vọng Cảnh (2 km); tuyến 3 Hồ Xanh - Bãi Bắc (hơn 5,4 km). Cùng với đó, 0,1 ha tại khu vực đỉnh Bàn Cờ được trồng tập trung.

Các loại cây được trồng gồm thàn mát và bằng lăng tím. Các cây sẽ được trồng dọc các tuyến đường trên bán đảo Sơn Trà, cứ 1 cây thàn mát đến 1 cây bằng lăng tím, mỗi cây cách nhau 5 m. Điểm trồng tập trung tại đỉnh Bàn Cờ trồng thuần cây thàn mát, cây cách cây, hàng cách hàng 5mx5m.'
(Nguồn: Hoàng Sơn, Thanh Niên, 16/02/2023, 08:05 (GMT+7))