Englishen

Ninh Thuận phát huy tiềm năng vùng đất 'ít mưa, thừa nắng'

Thứ ba, 29/03/2022, 08:46 GMT+7

Với định hướng lấy du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, 30 năm qua, cùng với quá trình đổi mới của tỉnh Ninh Thuận, ngành du lịch có những bước phát triển mạnh mẽ trong việc khai thác, bảo tồn các giá lịch sử, văn hóa và thiên nhiên đặc thù để thu hút du khách, nâng cao thu nhập cho người dân.

TSTtourist-ninh-thuan-phat-huy-tiem-nang-vung-dat-it-mua-thua-nang-1Ninh Thuận đẩy mạnh đầu tư, phát triển khu đô thị du lịch ven biển tại thành phố Phan Rang – Tháp Chàm.

Thế mạnh vùng đất “ít mưa, thừa nắng”

Đề cập đến tiềm năng du lịch của địa phương, ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận cho biết, Ninh Thuận là địa phương có núi, biển, đồng bằng, bán sa mạc với nhiều lợi thế để tỉnh khai thác, phát triển các loại hình du lịch hấp dẫn. Tỉnh có đường bờ biển dài hơn 105km với những bãi tắm có phong cảnh đẹp hoang sơ, hệ sinh thái biển đa dạng cùng thời tiết nắng ấm quanh năm. Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh đẩy mạnh khai thác, phát triển sản phẩm du lịch tham quan, nghỉ dưỡng.

Ninh Thuận có nhiều lợi thế khi sở hữu Vườn Quốc gia Phước Bình và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa với các vùng sinh thái đặc thù. Trong đó, Vườn Quốc gia Phước Bình là nơi bảo tồn sự đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng, biển Nam Trung Bộ. Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa đang là điểm thu hút khách du lịch, nhà khoa học tới tham quan, nghiên cứu, đặc biệt là người yêu thiên nhiên muốn khám phá bí ẩn hệ sinh thái rừng khô hạn độc đáo nhất Việt Nam.

Ngoài cảnh quan đa dạng, trầm tích văn hóa bản địa cũng tạo nên chiều sâu cho mỗi hành trình khám phá Ninh Thuận của du khách. Các lễ hội Katê của đồng bào Chăm theo đạo Bà la môn, Tết Ramưwan của đồng bào Chăm theo đạo Bà ni, lễ hội đua thuyền, lễ cầu ngư, lễ mừng lúa mới, đàn Chapi của đồng bào Raglai... thu hút đông đảo du khách thập phương.

Đặc biệt, đến Ninh Thuận du khách có dịp được chiêm ngưỡng các tháp Chăm với nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc độc đáo còn tồn tại tương đối nguyên vẹn thuộc loại đẹp nhất của các đền tháp Chăm ở Việt Nam hiện nay. Cùng với đó, du khách còn được thưởng thức nét văn hóa ẩm thực bản địa, tham quan làng nghề gốm, dệt thổ cẩm với lịch sử tồn tại hàng trăm năm...

TSTtourist-ninh-thuan-phat-huy-tiem-nang-vung-dat-it-mua-thua-nang-2 Khách du lịch tham quan làng nho Thái An (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải). 
Điều kiện khí hậu “ít mưa, thừa nắng” cũng tạo cho Ninh Thuận những sản phẩm nông nghiệp đặc thù như nho, táo, hành, tỏi, măng tây xanh, cây nha đam, dê, cừu... Với lợi thế này, tỉnh đã tập trung phát triển nhiều mô hình du lịch nông nghiệp như: Tour tham quan vườn nho ở làng nho Thái An (huyện Ninh Hải); trang trại nho, táo (huyện Ninh Phước); vườn trái cây sinh thái Lâm Sơn (huyện Ninh Sơn); cánh đồng chăn cừu (huyện Ninh Hải, Bác Ái)...

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận, để phát triển du lịch, những năm qua, tỉnh tập trung quy hoạch, đầu tư phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng, đến nay đã hình thành các khu du lịch biển Bình Sơn - Ninh Chữ, Cà Ná, đang đầu tư Khu du lịch Bình Tiên và Vĩnh Hy.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 266/QĐ-TTg về việc phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Ninh Chữ đến năm 2045 với quy mô 35.138 ha. Khu du lịch Quốc gia Ninh Chữ sẽ cùng các khu, điểm du lịch quốc gia khác trong vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ hình thành tuyến du lịch mang tính liên kết, phát huy lợi thế theo hướng bền vững.

Thông qua hoạt động du lịch đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Riêng giai đoạn 2016-2020, tuy chịu tác động của đại dịch COVID-19 nhưng ngành du lịch vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng, lượt khách tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 9,7%, thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch tăng bình quân 3,9%/năm, ngành du lịch chiếm tỷ trọng 8% GRDP toàn tỉnh.

TSTtourist-ninh-thuan-phat-huy-tiem-nang-vung-dat-it-mua-thua-nang-3 Du khách tham quan Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia đặc biệt tháp Po Klong Garai (phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm).

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, ngành du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ du lịch còn hạn chế, thiếu sản phẩm du lịch mang tính độc đáo, đặc sắc, còn ít các dịch vụ vui chơi, giải trí để thu hút khách lưu trú dài ngày. Nguồn nhân lực phục vụ du lịch chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Sự liên kết với các doanh nghiệp ngoài tỉnh để hình thành tour, tuyến du lịch liên vùng còn hạn chế… Đây là những khó khăn, hạn chế cần sớm được giải quyết, tháo gỡ.

Phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Ninh Thuận đã ban hành nhiều Nghị quyết, kế hoạch để phát triển du lịch. Theo đó, Tỉnh ủy Ninh Thuận đã ban hành Nghị quyết số 04/NQ-TU, mới đây, UBND tỉnh ban hành Đề án về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Đề án có tổng vốn đầu tư cho phát triển du lịch ước tính trên 75.538 tỷ đồng, trong đó 49.287 tỷ đồng là vốn đầu tư mới; vốn ngân sách đầu tư khoảng 79 tỷ đồng và phần còn lại nguồn vốn xã hội hóa. Ninh Thuận đặt mục tiêu từng bước xây dựng trở thành trọng điểm du lịch của cả nước và khu vực Đông Nam Á với nhiều loại hình du lịch độc đáo mang chất lượng dịch vụ tốt nhất, sản phẩm du lịch đa dạng.

TSTtourist-ninh-thuan-phat-huy-tiem-nang-vung-dat-it-mua-thua-nang-4Biển Bình Sơn – Ninh Chữ (thành phố Phan Rang – Tháp Chàm), một trong những địa điểm hấp dẫn thu hút khách du lịch.
Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu đón 3,5 triệu lượt khách, trong đó có 455.000 lượt khách quốc tế. Đến năm 2030, đón 6 triệu lượt khách, trong đó có 900.000 lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu từ khách du lịch đến năm 2025 đạt 2.900 tỷ đồng, đến năm 2030 đạt 5.900 tỷ đồng, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh với đóng góp khoảng 15% GRDP.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận cho biết, tỉnh tập trung phát triển 4 sản phẩm du lịch đặc thù gồm: Du lịch nghỉ dưỡng trải nghiệm biển; du lịch văn hóa (đặc biệt di sản văn hóa Chăm); nông nghiệp công nghệ cao; du lịch sinh thái gắn với Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa. Ngoài ra, Ninh Thuận phát triển 4 sản phẩm du lịch mới lạ: Khám phá và vui chơi giải trí cát-muối; săn bắn bán hoang dã; du lịch trải nghiệm đường sắt; điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe; xây dựng 4 sản phẩm bổ trợ: du lịch cộng đồng; vui chơi giải trí và ẩm thực; tham quan sản xuất năng lượng tái tạo và thương mại du lịch.

Để thu hút nhà đầu tư, tỉnh khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách cho các nhà đầu tư khi thực hiện dự án du lịch. Đến đầu năm 2022, toàn tỉnh đã có 57 dự án du lịch được UBND tỉnh quyết định chủ trương, giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn gần 30.000 tỷ đồng. Nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực trong lĩnh vực du lịch quan tâm nghiên cứu, đề xuất lập quy hoạch các phân khu chức năng, quy hoạch chi tiết khu đô thị du lịch, dự án du lịch quy mô lớn, trọng điểm tại Ninh Thuận như: Công ty Cổ phần Mũi Dinh Ecopark, Công ty Cổ phần Đầu tư và Du lịch Bình Tiên, Công ty Cổ phần Ninh Chữ Bay, Công ty Cổ phần Nam Núi Chúa, Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Syrena Việt Nam…

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, thời gian qua, Ninh Thuận kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh đặc biệt về du lịch. Các nhà đầu tư chiến lược đã đến với tỉnh, bước đầu có những sản phẩm du lịch rất độc đáo. Tỉnh mong muốn những nhà đầu tư chiến lược này tiếp tục đầu tư một cách mạnh mẽ, tâm huyết và trách nhiệm để khai thác tiềm năng của Ninh Thuận nhằm tiếp tục cho ra đời những sản phẩm du lịch mới hấp dẫn du khách.

Cùng với thu hút đầu tư cho du lịch, Ninh Thuận đang đẩy mạnh công tác thông tin quảng bá, xúc tiến du lịch thông qua nhiều hình thức nhằm giới thiệu đến người dân, du khách trong nước, quốc tế về các điểm đến du lịch của tỉnh an toàn, hấp dẫn, chương trình, tour du lịch, gói kích cầu du lịch của cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn.

Ninh Thuận tăng cường vận động, hỗ trợ cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn; tu sửa, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu phục vụ du khách; đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, các tỉnh Tây Nguyên để xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch, hình thành tour, tuyến du lịch hấp dẫn. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục tăng cường phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật viễn thông, điện, công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong ngành du lịch, hướng tới hình thành và phát triển hệ thống du lịch thông minh.

Trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế cùng các chủ trương, chính sách phát triển du lịch đang được triển khai đồng bộ sẽ tạo động lực góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch của tỉnh phát triển, đưa Ninh Thuận trở thành điểm đến hấp dẫn trong bản đồ du lịch Việt Nam và khu vực châu Á.

(Nguồn: Nguyễn Thành (TTXVN), Thứ Ba, 29/03/2022, 06:29)