Englishen

Nét xưa nơi làng cổ Phước Tích

Thứ hai, 21/03/2022, 15:49 GMT+7

Làng cổ cách trung tâm thành phố khoảng 40 km, được dòng Ô Lâu uốn lượn, ôm trọn, như một hòn đảo xanh.

Làng cổ Phước Tích còn được gọi là xứ Cồn Dương, thuở trước là đất người Chăm đến khi vua Chế Mân dâng tặng châu Ô và châu Lý cho Đại Việt vào năm 1306 làm quà cưới Huyền Trân công chúa. Thế nên chỉ cần đi một vòng quanh làng, du khách sẽ bắt gặp những di tích Chăm còn sót lại như miếu Quảng Tế với tượng yoni cổ, miếu Cây Thị thờ nữ thần Po Nagar nằm sát cây thị 500 năm tuổi, một bức phù điêu lá nhĩ bằng đá sa thạch nằm ở gốc cây bàng cổ thụ bến sông...

Phước Tích có lẽ là ngôi làng nhỏ có nhiều bến sông nhất vùng. Cả làng có 12 bến sông tượng trưng cho 12 dòng họ đầu tiên đến khai canh trên xứ Cồn Dương. Mặc dù nhà nào cũng có nước máy, vẫn có người dân giặt quần áo ở bến sông vì có lẽ gần sông vẫn trong xanh và vì thói quen lâu ngày khó bỏ.

Hoàng Minh Hùng là vị khai canh của làng, từng dừng chân nơi đây sau hành trình theo vua Lê Thánh Tông chinh phục Chiêm Thành vào năm 1470. Hơn 500 năm sau con dân trong làng vẫn giữ mảnh đất cha ông dựng nghiệp và sinh sống trong những ngôi nhà rường trên 100 năm tuổi.

TSTtourist-net-xua-noi-lang-co-phuoc-tich-1Làng Phước Tích bên dòng sông Ô Lâu. "Hương xưa làng cổ" là tên gọi lễ hội tổ chức mỗi hai năm ở làng Phước Tích trong khuôn khổ Festival Huế. Cái tên này lần đầu được giới thiệu vào Festival Huế 2006.

Những ngôi nhà rường ba gian hai chái cổ kính và các miếu thờ linh thiêng nằm yên ắng bao quanh là vườn xanh mát mà những hàng chè tàu cắt tỉa gọn gàng bao quanh. Khung cảnh khiến bạn như đang đi ngược về quá khứ, nơi thời gian ngưng đọng như dòng Ô Lâu hiền hòa bao đời nay. Nhà nào cũng có một chiếc cổng xinh xắn đến nỗi khách phải rút điện thoại ra chụp vài tấm làm kỷ niệm.

Thăm thú trong làng, du khách dễ nhận ra đâu đâu cũng có mảnh sành và đất nung vương vãi trên đất, dưới mỗi nếp nhà xưa còn lưu giữ những sản phẩm gia dụng bằng gốm như đôộc (hũ không có vành miệng đặc trưng của làng), lu, cối, om, trách... Không lạ bởi Phước Tích xưa là làng gốm nức tiếng một thời. Những ngôi nhà rường sang trọng một thời được xây lên nhờ nghề gốm và nghề làm dầu chuồng thịnh đạt. Gốm Phước Tích là mặt hàng gia dụng được bán đi khắp vùng. Làng còn là nơi cung cấp om đất nấu cơm cho các vua triều Nguyễn. Om đất đơn sơ, mộc mạc được thợ lành nghề chuốt nên từ thứ đất sét tốt nhất được gọi với cái tên mỹ miều là "ngọc oa ngự dụng".

Phước Tích từng có nghề gốm thịnh hành là thế, trên bến dưới thuyền buôn bán tấp nập là thế mà giờ đây cả làng chỉ còn một xưởng gốm. Xưởng nằm cạnh lò gốm cũ đối diện bến Lò do ông Lương Thanh Hiền (50 tuổi) tái lập. Ông Hiền vì duyên nợ với nghề gốm mà sau bao năm bôn ba ở xứ người đã về quê, quyết chí học, giữ và truyền nghề.

TSTtourist-net-xua-noi-lang-co-phuoc-tich-2Xưởng gốm của ông Lương Thanh Hiền

TSTtourist-net-xua-noi-lang-co-phuoc-tich-3Du khách tìm hiểu nghề gốm Phước Tích

TSTtourist-net-xua-noi-lang-co-phuoc-tich-4Ông Lê Trọng Diễn kể về hiện vật và bộ sưu tập gốm

TSTtourist-net-xua-noi-lang-co-phuoc-tich-5Chái bếp để những vật dụng gốm xưa của ông Diễn

TSTtourist-net-xua-noi-lang-co-phuoc-tich-6Lối vào bằng chè tàu của một ngôi nhà ở Phước Tích

TSTtourist-net-xua-noi-lang-co-phuoc-tich-7Miếu Cây Thị dưới tán cây thị 500 tuổi đã được công nhận là cây di sản

TSTtourist-net-xua-noi-lang-co-phuoc-tich-8Nhà rường cổ ở Phước Tích

Gốm Phước Tích truyền thống chủ yếu có mẫu mã đơn điệu không còn phù hợp với thị hiếu của khách hiện nay. Thế nên để duy trì nghề, ông Hiền phải học kinh nghiệm và công nghệ của các làng gốm khác trong nước và học mỹ thuật để bổ sung mẫu mới, biến gốm gia dụng thành gốm mỹ nghệ phục vụ khách du lịch. Đến xưởng của ông, du khách không chỉ được ngắm, mua sắm gốm và nghe ông kể chuyện nghề chuyện làng mà còn được sờ nắn đất sét, trải nghiệm cách làm gốm.

Nếu du khách vẫn muốn xem nhiều hơn về đồ gốm Phước Tích xưa, hãy ghé nhà ông Lê Trọng Diễn, một thợ gốm lão làng năm nay đã 73 tuổi. Dưới mái nhà rường cổ được ông nội ông Diễn xây vào năm 1908, những món đồ gốm đơn sơ của làng được ông giữ gìn và trưng bày trên kệ gỗ. Hiện vật nào cũng kèm bảng tên, bởi không phải ai cũng biết và gọi đúng tên. Nào là đôộc, hũ gác ang, bườn trèn, om vụ, thóng mạc ngài... Ông không nề hà câu hỏi của khách, càng hỏi ông càng hào hứng giải thích và chia sẻ. Ngoài bộ sưu tập gốm, ông còn dựng một chái nhà trang sát bên nhà rường để trưng bày dụng cụ làm gốm truyền thống, các lò gốm đất và cả góc bếp nấu bằng củi với nhiều vật dụng gốm xưa như bình vôi, hũ mắm, âu, vại...

Khi đã no nê với những kiến thức hay ho về gốm cổ Phước Tích, du khách có thể tiếp tục đi về phía sau làng ngắm hồ Hà Trì với những lũy tre xanh và tháp nhà thờ cao vút của làng Phú Xuân kế bên. Hè đến, sen trắng nở thơm ngát ở hồ Hà Trì. Đây là giống sen trắng trong Hoàng thành Huế được Nguyễn Thị Huệ, một phụ nữ Huế yêu làng Phước Tích tha thiết, xin đưa về đây trồng cho đẹp cảnh quan và cũng để làm trà, rượu sen.

TSTtourist-net-xua-noi-lang-co-phuoc-tich-9Bánh su sê, một trong những đặc sản của làng

Dạo hết vòng làng, có lẽ du khách dễ thấy sự tĩnh lặng ở đây bởi hầu hết người trẻ đi học và làm ăn xa, ở làng còn lại hầu như các ông già, bà lão và trẻ nhỏ. Trước khi ra về, bạn đừng quên thưởng thức ẩm thực dân dã chốn này vì các o, mệ làng Phước Tích đặc biệt nấu ăn ngon và làm bánh giỏi. Cả làng hầu như không có quán sá gì nên nếu muốn dùng bữa thì nên đặt trước với Ban quản lý làng cổ Phước Tích. Đây cũng là đơn vị cung cấp thông tin về làng, các dịch vụ hướng dẫn, tham quan, thuê xe đạp, thuê thuyền, trải nghiệm làm gốm, làm bánh.

(Nguồn: Lan Huế, VN Express, Thứ hai, 21/3/2022, 13:45 (GMT+7))