Englishen

Mùa mưa hái nấm trong rừng thông Đà Lạt

Thứ sáu, 30/07/2021, 09:08 GMT+7

Dưới những tán thông xanh mát, từng cụm nấm gan bò, trứng gà, kaki vàng, san hô... mọc trên đất chờ người đi rừng thu hoạch.

Mùa mưa Đà Lạt kéo dài từ tháng 5 đến khoảng tháng 10 hàng năm, đây cũng là mùa của nấm rừng sinh sôi sau những cơn mưa dầm. Dịp này như một thói quen của nhiều cư dân phố núi, mọi người vào rừng thông hái nấm về chế biến đủ món ngon bình dị. Du khách có thể liên hệ với những người chuyên đi rừng tại Đà Lạt nếu muốn tham gia hoạt động này.

Người hái nấm thường vào rừng thông lúc sáng sớm, khi nắng vừa lên, thời tiết cũng ấm dần không quá buốt. Mỗi rừng thông ở Đà Lạt đều có nấm mọc tùy số lượng ít hay nhiều, những khu vực như rừng thông hồ Tuyền Lâm, hồ Suối Vàng, rừng Xuân Thọ... được biết đến là nơi nhờ có nhiều loại nấm rừng thơm ngon.

TSTtourist-mua-mua-hai-nam-trong-rung-thong-da-lat-1Nấm san hô dễ nhận diện vì hình dáng và màu sắc không khác gì cây san hô đá.


Mộc An, đang làm việc tại TP Đà Lạt chia sẻ về chuyến đi hái nấm trong rừng thông của cô trên kênh YouTube Những Mùa Sương. An kể lần đầu cô đi hái nấm phải được người địa phương chỉ đường và hướng dẫn cách phân biệt các loại nấm khác nhau. Sau vài lần đi rừng thì cô ghi nhớ và dễ nhận diện các loại nấm rừng. Khu rừng thông An đi là ở Trại Mát, cách trung tâm thành phố khoảng 4 km. Nơi đây có nhiều là nấm gan bò, nấm trứng gà, nấm kaki vàng, nấm san hô...

"Những loại nấm rừng mọc dưới tán thông, tên được đặt theo hình dạng hoặc mùi vị của chúng. Mình thích nhất nấm trứng gà, trứng ngỗng, ăn ngọt béo như lòng đỏ trứng, giòn sần sật. Nấm gan bò thì mùi vị như tên của nó, đắng nhẹ, thơm và dai. Nấm san hô ngon, giòn như rong biển, xào lên vẫn giữ nguyên vị ngọt tự nhiên", An chia sẻ về những loại nấm cô thích.

mua-mua-hai-nam-trong-rung-thong-da-lat-2Chậu nấm được làm sạch đất và rửa kỹ với nước muối, một số loại nấm có nhớt phải trụng qua nước sôi trước khi chế biến món ăn.
Dưới cánh rừng thông mát dịu, người hái nấm cũng khá điệu đà và nhẹ nhàng, như chơi trốn tìm với từng cây nấm. Họ dùng tay cầm nấm xoay theo vòng tròn, hoặc dùng 2 ngón tay nắm chắc nấm rồi đẩy nhẹ nhưng dứt khoát về hẳn một phía để lấy nấm. Nấm rừng thông đặc biệt ngon và có giá trị dinh dưỡng cao, có thể chế biến rất nhiều món ăn cho hương vị ngọt thơm, hấp dẫn như: hấp gà, xào tỏi, nhúng lẩu, nướng muối ớt, nấu canh, nấu cháo, làm bánh xèo...

Mộc An nói với những người lần đầu đi hái nấm trong rừng thông cần có người chuyên đi rừng hướng dẫn chọn nấm ngon, vừa giúp họ phân biệt các loại nấm độc để tránh nguy hiểm, vì có loại chỉ cần chạm vào chúng thì vùng da của chúng ta sẽ bị tổn thương.

"Thông thường những loại nấm nhiều màu sắc mọi người cho là có độc, tuy nhiên nếu được hướng dẫn tìm nấm thì du khách sẽ phát hiện ra nhiều điều thú vị, đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Chẳng hạn có một số loại có thể ăn sống, chấm muối mè ăn tươi ăn rất tuyệt. Tuy nhiên, người lần đầu ăn nấm rừng chưa quen nếu ăn quá nhiều sẽ bị choáng và chóng mặt một tí", Mộc An nhắc nhở.

(Nguồn: Huỳnh Nhi, VnExpress, Thứ năm, 29/7/2021, 07:31 (GMT+7))