Englishen

Mùa lúa chín ở bắc Tây Nguyên

Thứ hai, 07/11/2022, 10:43 GMT+7

Cuối tháng 10 đến đầu tháng 11, các thửa ruộng bên sườn núi ở huyện Tu Mơ Rông đang mùa chín rộ, vàng rực cả cao nguyên.

Xã Măng Ri được xem là vựa lúa lớn nhất huyện Tu Mơ Rông với 148 ha. Vùng đất nằm phía bắc tỉnh Kon Tum, thủ phủ sâm Ngọc Linh và nhiều dược liệu quý như sâm dây, nấm linh chi…

Xã Măng Ri có 6 thôn, làng (gần 500 hộ) với gần 100% dân số là đồng bào dân tộc Xê Đăng. Họ canh tác quanh sườn đồi tạo thành những ruộng bậc thang và tận dụng nguồn nước mạch từ núi chảy ra để thâm canh lúa nước. Ngoài ra, mỗi hộ gia đình đều tham gia bảo vệ và trồng sâm Ngọc Linh.

Trước mùa thu hoạch, người dân ở Tây Nguyên sẽ tổ chức lễ mừng lúa mới để cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu và gia đình sung túc.

Người dân Xê Đăng ở xã Măng Ri thu hoạch lúa thủ công. Lúa cắt xong được đặt lên tấm bạt trải nơi cao ráo ở gần ruộng lúa, sau đó mọi người dùng những thanh cây nứa đập vào gié để tách hạt.

Người dân gùi lúa về đổ vào kho cao ráo, tránh ẩm móc, để có thể dùng đến mùa thu hoạch lúa năm sau.

Huyện Tu Mơ Rông có địa hình phức tạp, bị chia cắt nhiều bởi các sông suối, hợp thủy và núi cao, độ cao trung bình 800-1.000 m, phân bổ ở phía Bắc và Đông của huyện, có nhiều thung lũng hẹp và sâu.

Nhiệt độ trung bình năm khoảng 20 độ C. Do đặc điểm địa hình nên ở những nơi thung lũng hẹp khuất gió nhiệt độ tăng cao về ban ngày và thấp về ban đêm. Khí hậu quanh năm mát mẻ.

Ruộng bậc thang đoạn qua xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông chín vàng rực.

Một góc xã Văn Lem, huyện Đăk Tô ngày đầu tháng 11.
(Nguồn: Nguyễn Ban, VnExpress, Thứ hai, 7/11/2022, 10:53 (GMT+7))