Tên gọi "chè lam" khiến nhiều người miền Nam nghĩ đây là món chè ngọt tráng miệng ăn với đá hoặc là món nước nấu từ lá chè (trà).
Lần đầu ra Hà Nội vào tháng 12/2019, Chi Minh (25 tuổi, TP HCM) được bạn mời ăn chè lam. Chưa từng thử món này trước đó nên anh nghĩ đây là tên một loại nước uống được nấu từ lá trà xanh, vì người miền Bắc thường gọi trà là chè. "Mình khá bất ngờ khi biết đây là món bánh, không phải nước uống như mình nghĩ", anh chia sẻ món bánh ăn dẻo như kẹo gôm, có vị bùi, ngọt và thơm mùi gừng.
Còn Thành Chu (24 tuổi, Đồng Nai) thì lại nghĩ chè lam là tên một món chè ngọt tráng miệng ăn chung với đá. Có dịp ghé quê bạn ở Thanh Hóa vào dịp Tết, anh được ăn thử chè lam và biết mình đã nhầm.
Chè lam có mặt ở nhiều tỉnh thành, có những nơi đã trở thành thương hiệu của món ăn này như Thạch Xá ở huyện Thạch Thất, Hà Hội; chè lam ở làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây hay chè lam Phủ Quảng ở huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa.
Theo các bậc cao niên ở Thạch Xá, món bánh ra đời do người dân muốn bày tỏ lòng thành kính dâng lên Đức Phật một sản vật địa phương vào mỗi dịp lễ, Tết. Vào thế kỷ 15, khi nghĩa quân Lam Sơn qua làng, người dân Thạch Xá đã tặng họ những phong chè lam làm lương thực dài ngày. Món bánh tuổi đời trăm năm như một đặc sản của làng quê Bắc Bộ.
Theo cách truyền thống, cho mật mía, mạch nha, gừng, nước lọc vào nồi nấu sôi, sau mới thêm bột gạo nếp, lạc rang vào nồi, chú ý đảo đều, liền tay để bột không bị dính và cháy. Nếu cho quá ít bột, chè lam sẽ dính, còn nhiều bột thì bánh nhanh cứng nên người làm phải canh hỗn hợp đặc, dẻo thì ngưng để bánh có độ mềm khi ăn.
Phần bột nếp rang còn lại trải một lớp dày trắng tinh tươm trên khay, lúc này mẻ chè lam vừa hoàn thành được đổ lên trên để nguội, sau mới dùng dao kéo cắt thành từng thanh nhỏ, vừa cắt vừa xoa lớp bột phủ đều miếng bánh để không bị dính vào nhau.
(Nguồn: Huỳnh Nhi, VnExpress, Thứ năm, 26/8/2021, 15:55 (GMT+7))