Loy Krathong (Hoa đăng) và Yi Peng (Thiên đăng) là hai lễ hội lớn và quan trọng bậc nhất Thái Lan, chỉ xếp sau lễ hội mừng năm mới Songkran. Cùng là thả đèn cầu nguyện nhưng một cái là thả lên trời, còn một cái là thả đèn xuôi theo dòng nước. Ý nghĩa của từng lễ hội là gì, đâu là nơi tổ chức hoành tráng nhất hay có những hoạt động đặc sắc diễn ra trong hai ngày lễ? Cùng TSTtourist tìm hiểu thông tin chi tiết của lễ hội thả đèn Loy Krathong và Yi Peng ở Thái Lan ngay trong bài viết dưới đây.
Trong tiếng Thái, Loy Krathong nghĩa là "thân cây chuối nổi". Theo truyền thống, người Thái sẽ thả trôi krathong trên sông. Lễ hội này là dịp để người Thái bày tỏ sự tôn kính, biết ơn tới thần nước Phra Mae Khongkha vì đã cung cấp nguồn nước dồi dào cho nhân dân, họ tin rằng luôn có thần ở bên che chở và ban phước lành cho cuộc sống của họ.
Trong khi đó, Yi Peng hay Yee Peng là lễ hội truyền thống của người Lanna phía Bắc Thái Lan. "Yi" nghĩa là "số hai", "Peng" là ngày rằm. Yi Peng mang nghĩa là "ngày Rằm của tháng Hai" theo lịch của người Lanna cổ. Đó cũng là ngày tổ chức của lễ hội thả đèn trời Yi Peng Thái Lan.
Lễ hội thiên đăng Yi Peng
Lễ hội thả đèn Yi Peng ở Thái Lan là dịp để du khách chiêm ngưỡng hàng nghìn chiếc đèn lồng giấy được thả lên trời. Đèn được gọi là “khom loi”, chứa bên trong là những lời cầu nguyện và chúc phúc. Từng chiếc đèn lồng được thắp sáng và thả lên trời cao chứa đựng niềm mong cầu bình an, thoát khỏi mọi nỗi bất hạnh và nhận công đức từ Đức Phật. Phật giáo quan niệm rằng: nếu chiếc đèn lồng bay lên cao và biến mất, thì người thả đèn sẽ gặp được nhiều may mắn và lời cầu nguyện đã được Đức Phật chấp thuận. Còn nếu chiếc đèn lồng đó bị cháy giữa chừng khi đang bay, đó là dấu hiệu cảnh báo điều không tốt sẽ xảy ra.
Lễ hội hoa đăng Loy Krathong
Còn với lễ hội Loy Krathong, những chiếc đèn hoa đăng có hình hoa sen nở, đường kính khoảng 20cm, đế đèn được làm bằng lá và thân cây chuối với nhiều kiểu dáng và hình thù khác nhau. Khi thả đèn, người ta sẽ cho vào đó đồ ăn, trầu cau, hoa, nhang, nến và tiền xu để dâng lên thần sông. Theo truyền thống, người dân Thái Lan khi thả đèn hoa đăng trên nước sẽ đứng nhìn nó trôi xa dần, điều đó đồng nghĩa với những muộn phiền, bất hạnh theo đó đi mất.
Loy Krathong được tổ chức vào Rằm tháng 12 âm theo Phật lịch, thường rơi vào tháng 11 hàng năm theo lịch dương. Lễ hội này thường được tổ chức khoảng một vài ngày trước và sau ngày trăng tròn.
Lễ hội Yi Peng diễn ra vào đêm trăng tròn tháng thứ 2 theo lịch của người Lanna nên ngày tổ chức không cố định, thường rơi vào tháng 11 dương lịch.
Năm 2023, ngày diễn ra lễ hội thả đèn Yi Peng và Loy Krathong rơi vào ngày 27 - 28/11.
Chiang Mai là nơi tổ chức cả hai lễ hội cùng một lúc
Lễ hội Loy Krathong diễn ra trên khắp đất nước Thái Lan, lớn nhất ở bốn tỉnh Sukhothai, Chiang Mai, Phukhet và Bangkok. Lễ hội ánh sáng Yi Peng được tổ chức hoành tráng nhất ở Chiang Mai.
Dưới đây là những địa điểm cụ thể diễn ra lễ hội hoa đăng Loy Krathong và lễ hội thiên đăng Yi Peng ở Thái Lan.
Bangkok: Có rất nhiều nơi ở thủ đô Bangkok diễn ra lễ hội hoa đăng Loy Krathong. Người dân địa phương và du khách có thể tham gia lễ hội dọc theo sông Chao Phraya; tại một số khách sạn ven sông như Anantara Riverside Bangkok, Mandarin Oriental Bangkok, The Peninsula, Shangri La Hotel Bangkok hay tại một số công viên như công viên Lumpini, Benjasiri hoặc Benjakitti.
Chiang Mai: Đây là địa điểm lý tưởng để đến Thái Lan vào tháng 11 dương lịch này vì là nơi du khách có thể hòa mình vào cả hai lễ hội thả đèn là Yi Peng và Loy Krathong. Du khách có thể trải nghiệm thả hoa đăng dọc theo bờ sông Ping, ghé thăm ngôi đền Wat Phan Tao được trang trí với những chiếc đèn và đèn lồng lộng lẫy hay tham dự lễ khai mạc The Lighting Candle Tray.
Sukhothai được cho là nơi khai sinh của lễ hội thả hoa đăng Loy Krathong
Sukhothai: Chính là nơi khai sinh của lễ hội hoa đăng Loy Krathong, được xem là địa điểm tốt nhất để thưởng thức lễ hội đặc sắc này. Tại Sukhothai, Loy Krathong diễn ra trong 5 ngày, với các sự kiện được tổ chức chủ yếu ở công viên lịch sử Sukhothai. Ngoài tự tay thả những chiếc đèn hoa đăng mang ý nghĩa tôn kính và cầu phúc, du khách còn có cơ hội hòa mình vào vô số sự kiện diễn ra trong khuôn khổ lễ hội như cuộc thi sắc đẹp, các buổi diễu hành, biểu diễn âm nhạc dân gian, những đêm nhạc hội âm thanh và ánh sáng hoành tráng tại thành phố Sukhothai.
Phuket: Lễ hội được tổ chức trên tất cả các tuyến đường thủy và bãi biển, tiêu biểu nhất là biển Patong và biển Nai Harn. Du khách cũng có thể đến biển Kata, biển Karon, công viên Saphan Hin hay công viên Suan Luang ở thị trấn Phuket để tham dự ngày hội với hầu hết người dân địa phương, hòa trong không khí rộn ràng của phong tục thả đèn và ăn mừng lễ hội.
Từng chiếc đèn thả lên trời mang theo niềm tin to lớn của người dân vào Đức Phật
Chiang Mai được xem là "thánh địa" của lễ hội thả đèn trời Yi Peng, vốn là một lễ hội truyền thống của người dân ở vương quốc Lanna cổ. Vào tối ngày diễn ra lễ hội, cả bầu trời Chiang Mai tràn ngập trong ánh sáng rực rỡ của hàng ngàn chiếc đèn lồng được thả lên trời cao, mang theo vô số lời cầu chúc về bình an, sức khỏe, gia đạo, sự nghiệp,... Trong đó, những nơi tập trung thả đèn hoành tráng nhất là:
- Yee Peng Lanna Dhutanka (gần Đại học Maejo): Là nơi tổ chức lâu đời và thu hút số lượng lớn người tham dự. Trước khi bắt đầu thả đèn, bạn sẽ có cơ hội được chứng kiến các nghi thức như bái lễ, ngồi thiền,...
Giá vé: 7.388 - 11.000 baht, khoảng 4.5 - 7 triệu đồng (đã bao gồm đèn trời, ăn buffet tối)
Số lượng vé: 3.000 - 4.000 vé
- Doi Saket Hot Springs: Nằm cách trung tâm Chiang Mai khoảng 30km. Khi mua vé, ngoài được tham gia vào lễ hội thả đèn trời, du khách có thể thưởng thức các màn trình diễn đặc sắc, tham gia chợ phiên và thưởng thức các đặc sản truyền thống của địa phương.
Giá vé: 3.500 - 4.500 baht, khoảng 2.5 - 3.4 triệu đồng (đã bao gồm đèn trời, ăn tối)
Số lượng vé: 2.500
- Cowboy Army Riding Club: Bao gồm hoạt động chính là thả đèn, ngoài ra còn có các tiết mục biểu diễn, các nghi lễ và chợ phiên - nơi du khách có thể tham quan và mua về những đặc sản làm quà.
Giá vé: 4.500 - 6.300 baht, khoảng 3.4 - 4.7 triệu đồng (đã bao gồm ăn thức ăn, nước uống và đèn trời)
Số lượng vé: 5.000 vé
- Northern Study Center: Cũng như các nơi khác, ngoài lễ hội ánh sáng được tạo nên từ những chiếc đèn trời lung linh, còn có các màn trình diễn đặc sắc kết hợp các nghi lễ cúng bái theo phong tục địa phương.
Giá vé: 4.000 - 5.000 baht, khoảng 3 - 4.5 triệu đồng (đã bao gồm ăn tối và đèn trời)
Số lượng vé: 4.000 vé
Ngoài những địa điểm phổ biến ở trên, lễ hội thả đèn Yi Peng Thái Lan ở khu vực Chiang Mai còn nhiều điểm đến cho bạn trải nghiệm, với giá “mềm” hơn. Ví dụ như cầu Nawat bắt qua sông Ping, giá vé chỉ khoảng 30 - 50 baht (tương đương 20.000 đến 35.000 đồng). Ngoài ra còn có khu vực tượng đài Ba Vua hay cổng Tha Phae - nơi diễn ra các hoạt động của lễ hội như diễu hành, thắp nến và cả thả đèn trời.
* Lưu ý: Giá vé và số lượng vé tham gia lễ hội thả đèn trời Yi Peng Chiang Mai nêu trên chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu mua vé, quý khách nên liên hệ đến những điểm bán vé uy tín hoặc đặt tour trải nghiệm lễ hội thả đèn Yi Peng kết hợp du lịch Chiang Mai tại các công ty du lịch lữ hành để có mức giá tốt nhất và yên tâm về tỷ lệ đặt vé thành công nhất.
Du lịch Thái Lan mùa lễ hội, bạn cần “giắt túi” thật kỹ kinh nghiệm để những trải nghiệm được trọn vẹn nhất
Vào những ngày diễn ra lễ hội, vì lượng khách đổ về các nơi tổ chức vô cùng lớn nên bạn cần lên kế hoạch từ sớm, đặt vé máy bay cũng như phòng khách sạn sớm để tránh tình trạng hết vé. Bạn có thể liên hệ TSTtourist để nhờ đặt các dịch vụ như máy bay, phòng khách sạn, vé tham gia lễ hội thả đèn,... và tích hợp tour du lịch Chiang Mai - Chiang Rai để tham quan thêm nhiều điểm đến hấp dẫn khác;
Nên đến sớm, tốt nhất từ 2-3 tiếng trước thời điểm diễn ra lễ hội để có thể chọn địa điểm ngắm đèn, thả đèn gần và đẹp nhất;
Ăn mặc kín đáo, lịch sự, bảo quản tư trang cẩn thận khi tham gia vào lễ hội;
Không nên mua vé tham dự lễ hội ở bên ngoài ban tổ chức để đảm bảo an toàn, tránh trường hợp bị lừa đảo;
Nếu bạn có tinh thần yêu môi trường, bảo vệ thiên nhiên thì chỉ nên mua và thả 1 chiếc đèn thôi nhé!
Nếu có ăn uống thì nhớ đừng xả rác, cũng như thu nhặt rác sạch sẽ trước khi ra về;
Tôn trọng văn hóa bản địa, tìm hiểu kỹ thông tin về lễ hội mà mình tham gia, dù có là lễ hội thả đèn trời Yi Peng hay lễ hội hoa đăng Loy Krathong thì bạn cũng cần biết ý nghĩa, các hoạt động diễn ra trong lễ hội để tuân thủ đúng, đồng thời không bỏ lỡ bất kỳ trải nghiệm đặc sắc nào diễn ra trong lễ hội.
Lễ hội thả đèn trời Yi Peng và lễ hội Loy Krathong ở Thái Lan là dịp lễ lớn, được cả người bản xứ và đông đảo du khách quan tâm. TSTtourist hy vọng rằng qua những thông tin từ bài viết, bạn sẽ có được sự chuẩn bị tốt nhất, chu đáo nhất cho chuyến du lịch Thái Lan của mình, nhất là trong tháng 11 tới đây khi ngày tổ chức lễ hội đã gần kề. Chúc bạn có một chuyến đi vui và lưu giữ được thật nhiều bức ảnh lung linh nhé!