Englishen

Khám phá vẻ đẹp thiên nhiên và cuộc sống ở đầm Cầu Hai

Thứ ba, 17/08/2021, 13:54 GMT+7

Được mệnh danh là kiệt tác của thiên nhiên, đầm Cầu Hai không chỉ mang vẻ đẹp hoang sơ, khoáng đạt của tự nhiên mà còn gây ấn tượng bởi cuộc sống bình dị của con người nơi đây.

1_31

Đầm Cầu Hai là một đầm nước lớn thuộc hệ thống đầm phá Tam Giang – Cầu Hai thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Toàn bộ hệ thống có 3 đầm phá hợp thành là phá Tam Giang, đầm Thủy Tú và đầm Cầu Hai.

 

2_27_1

Đầm Cầu Hai thuộc huyện Phú Lộc, cách thành phố Huế khoảng 40 km. Đầm Cầu Hai thông với biển Đông qua cửa Tư Hiền, thuộc xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc. Phía đông đầm được bao bọc bởi những dãy núi ngăn cách với biển, phía tây là đồng bằng - quần cư của những làng chài.

 

3_23

Đầm Cầu Hai sở hữu vẻ đẹp của thiên nhiên bao la rộng lớn, với núi non, sóng nước, trời mây; cùng với cuộc sống bình dị của con người. Những người dân nơi đây ngoài làm nông nghiệp thì phần lớn theo nghề chài lưới cùng những con thuyền trên đầm. Do nằm ở đoạn cuối của hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai nên đa phần thủy sản vùng nước lợ nơi đây được mệnh danh là ''ngon nhất'' Việt Nam dưới thời vua chúa nhà Nguyễn.

 

4_21

Bên ngoài cửa biển Tư Hiền, phía trái (theo hướng nước đổ ra biển) là bãi biển Vinh Hiền. Đây là một bãi biển đẹp với bờ thoải, nước trong, cát trắng và mịn; phù hợp để tắm biển.

 

5_19

Hiện tại, bãi biển Vinh Hiền vẫn còn rất vắng vẻ, hoang sơ, hầu như chưa được đầu tư hạ tầng du lịch, chỉ có một số cơ sở nghỉ ngơi ăn uống trong ngày. Tuy nhiên đây là một điểm đến đầy tiềm năng trong tương lai.

 

6_18

Những người dân làm nghề chài lưới có cuộc sống gắn liền với con thuyền trên sóng nước. Thời gian đánh bắt thủy sản thường diễn ra vào ban đêm. Từ cuối buổi chiều là ngư dân lên thuyền, thường họ đi cả gia đình và thuyền cũng như một ngôi nhà nhỏ di động. Những con thuyền đánh bắt thủy sản là thuyền máy lớn có mui, neo cách bờ xa; để tới đó người ta dùng những con thuyền nhỏ chống sào hay chèo tay.

 

14_2_1

Hoàng hôn buông trên đầm Cầu Hai. Đây là một trong những thời khắc đẹp nhất trong ngày.

 

8_13

Hoàng hôn tắt, bóng tối lan dần. Một không gian yên ả bao trùm, chỉ còn mặt nước tĩnh lặng với một vài con thuyền ngơi nghỉ.

 

9_13

Ngày mới ở Cầu Hai bắt đầu từ khoảng 3 giờ sáng, với phiên chợ cá thường ngày trên bến. Những người nhà của các thuyền chài, tiểu thương có mặt rất sớm để chờ thuyền cá đêm về. Chợ không chỉ mua bán thủy sản mà cũng là nơi cung ứng các mặt hàng thực phẩm, vật dụng thiết yếu cho ngư dân thuyền chài.

 

10_8

Những người đi chợ đa phần là phụ nữ. Thúng, mẹt, chậu, làn… được chuẩn bị sẵn để đón thủy sản trên thuyền về.

 

11_8_1

Và khi cá về, được chuyển lên bờ là chợ bắt đầu nhộn nhịp kẻ bán người mua.

 

12_2

Mặt trời ló rạng trong ánh bình minh ở cửa Tư Hiền.

 

13_2

Đây cũng là thời điểm phần lớn các thuyền đánh bắt nối đuôi nhau về bến.

 

14_2

Trong chốc lát bến thuyền đông vui tấp nập. Một ngày mới thực sự bắt đầu trong ánh nắng ban mai.

 

15

Những con thuyền nhỏ ra cập vào thuyền lớn để lấy thủy sản đem lên chợ.

 

16

Chuyển hàng lên bờ và phiên chợ thứ hai lại bắt đầu cho tới hết buổi sáng.

 

17

Khoảnh khắc bình yên của hai cha con ngư dân, sau đêm lao động trên đầm.

 

18

Những giờ phút nghỉ ngơi ngay trên sóng nước. Cuộc sống của ngư dân đầm Cầu Hai vất vả nhưng toát lên vẻ đẹp bình dị. 

 

19

Cách chợ cá Vinh Hiền về phía tây khoảng 2 km là núi Túy Vân, cao 60m. Trên núi có một ngôi cổ tự là chùa Thánh Duyên. Chùa được khởi dựng từ thế kỷ 17 dưới thời các chúa Nguyễn. Tới thế kỷ 19, thời Minh Mạng triều Nguyễn, nhà vua cho xây dựng lại quy mô như hiện tại và phong làm Quốc tự. Đến thời Thiệu Trị, vị vua thi sĩ sau nhiều lần du ngoạn đã "xếp hạng" núi Tuý Vân là cảnh sắc thứ 9 trong số 20 cảnh đẹp đất kinh kỳ, qua bài thơ “Vân Sơn thắng tích”.

 

20

Một góc đầm Cầu Hai nhìn từ chùa Thánh Duyên, trên núi Túy Vân. Cảnh sắc đầm Cầu Hai luôn đẹp trong mỗi góc nhìn, mỗi khoảnh khắc, để lại những ấn tượng khó phai cho bất kỳ ai từng đến nơi đây.

(Nguồn: Hà Thành, VOV, Thứ Ba, 17/08/2021, 08:08 (GMT+7))