Englishen

Hương cốm Cao Bằng

Thứ ba, 19/10/2021, 15:04 GMT+7

Những cơn gió heo may ùa về cũng là lúc người Tày, Nùng ở Cao Bằng làm cốm, lan tỏa hương vị đồng quê như níu chân du khách.

Ngày 11/10, Blogger Hà Cương cùng các anh em đến khu nhà sàn trong khu du lịch sinh thái hồ Thang Hen để quay video "Hương cốm", một sự kiện được khu sinh thái tổ chức để quảng bá du lịch, ẩm thực non nước Cao Bằng.

1_45Tuốt hạt lúa nếp hương bằng tay

Khu sinh thái này thuộc xã Quốc Toản, huyện Quảng Hòa, cách TP Cao Bằng khoảng 30 km, có quần thể 36 hồ nước ngọt tự nhiên trên núi, trong đó hồ Thang Hen được ví như "tuyệt tình cốc" có màu nước xanh ngọc bích, điểm nhấn là những ngôi nhà sàn mái ngói âm dương của dân tộc Tày - Nùng.

Bà Trần Thị Thơm, chủ khu du lịch hồ Thang Hen, là một đầu bếp giỏi, kiêm hướng dẫn viên cho các đoàn khách muốn tự khám phá Cao Bằng không theo chương trình tour sẵn. Bà chia sẻ cốm Cao Bằng không chỉ là thức ăn dân dã mà đã trở thành một sản phẩm mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho người dân.

"Trong một chuyến đi công tác tại huyện Bảo Lâm, Cao Bằng, tôi có mua ít thóc nếp hương và đem về gieo xuống một góc ruộng. Cây lúa sống tốt, trổ bông và cho hạt to, thu hoạch lúa làm hạt giống đợt này và cứ thế nhân rộng cho các vụ sau. Hạt lúa làm cốm hương thơm và gạo nếp ăn ngon, trở thành một thương hiệu, hằng năm chỉ để biếu và không đủ bán", bà Thơm nói về nguồn gốc giống lúa nếp hương trồng tại khu hồ Thang Hen.

Trong video, các phụ nữ Tày diện trang phục truyền thống, lần lượt thực hiện các công đoạn làm cốm. Đầu tiên là chọn hạt lúa nếp hương vẫn còn xanh ngắt, đang độ ngậm sữa, rửa sạch, hong cho ráo nước và tuốt bằng tay. Sau đó, dùng mẹt sảy để loại bỏ những hạt thóc lép rồi cho vào nồi luộc. Khi luộc xong, hạt được vớt ra đem rang, thường thì rang thóc phải dùng củi và rang bằng chảo gang để giữ nhiệt, lưu ý canh lửa vừa phải khi rang, vừa rang vừa đảo thóc trên chảo.

2_37
 
3_34
 
4_23
 
5_18

Khi hạt thóc vừa độ lửa, thì đem đi giã trong cối đá, thông thường có hai người luân phiên dùng chày gỗ to để giã, động tác giã nhịp nhàng, đều tay và ăn ý để tránh va vào nhau. Quy trình sau khi giã xong thì sảy cho bay vỏ trấu và thực hiện trong vài lần cho đến khi bay hết vỏ, chỉ còn lại những hạt cốm dẹp mỏng, dẻo, xanh nguyên màu lúa non. Từ những hạt cốm thơm, người Tày chế biến ra nhiều món ăn khác nhau như xôi, bánh và chả.

"Cốm là thức quà quê bình dân mà tao nhã, sang trọng. Những hạt cốm ngon được giã mỏng mà vẫn giữ được màu xanh. Những hạt tơi, không kết dính vào nhau và khi nắm nhẹ, cảm thấy mềm kết lại trong tay. Mời du khách đến với Cao Bằng quê tôi với hương cốm vẫn luôn nồng nàn mỗi độ thu về", anh Hà Cương nói.

(Nguồn: Huỳnh Phương (Ảnh: Hà Cương), VN Express, Thứ ba, 19/10/2021, 13:04 (GMT+7))