Englishen

Hà Nam không chỉ có chùa Tam Chúc

Thứ hai, 27/06/2022, 10:06 GMT+7

Đến Hà Nam du khách có thể thăm thành phố Phủ Lý, vương cung thánh đường Sở Kiện hay làng nghề kho cá Vũ Đại.

Nguyễn Gia Bảo, sinh năm 1999, yêu thích nhiếp ảnh phong cảnh. Hiện tại Bảo đang học tập ở Hà Nội và mỗi lần về quê Hà Nam, anh lại tranh thủ chụp khung cảnh, nhịp sống quê hương. “Chụp cảnh ở quê mang lại cho tôi nhiều cảm xúc khác lạ”, Gia Bảo nói.

Nhịp sống trên sông Đáy lúc hoàng hôn, quanh cây cầu Đọ, phía xa là dãy núi Thanh Liêm. Cầu Đọ Xá có tên phổ biến là cầu Đọ, thuộc phường Thanh Châu, TP Phủ Lý.

Cầu Đọ được xem như cầu Long Biên của Hà Nam, gắn liền với bao kỷ niệm cuộc sống của người dân nơi đây. Cầu hoạt động từ đầu những năm 1970, trước khi có những cây cầu bê tông khác như cầu Châu Sơn, cầu Hồng Phú bắc ngang sông Đáy. “Cầu Đọ là một điểm chụp tôi rất yêu thích và dành hàng chục lần chụp ở đây trong hai năm qua”, Gia Bảo chia sẻ.

Bén duyên với nhiếp ảnh, Gia Bảo nhận ra quê hương thật đẹp, từ đó thêm yêu và trân trọng nhiều hơn cuộc sống. Trên ảnh là bình minh trên TP Phủ Lý, bên trái ảnh là cầu Hồng Phú bắc ngang sông Đáy.

Toàn cảnh hoàng hôn trên TP Phủ Lý, đô thị loại 2 trực thuộc Hà Nam, điểm nhấn là đoạn đường Lê Hoàn (Quốc lộ 1A) chạy song song sông Đáy. Góc phải là chùa Bầu, còn gọi là Thiên Bảo Tự, ngôi chùa lớn nhất Phủ Lý.

Cầu Châu Giang bắc qua sông Châu Giang, TP Phủ Lý lúc hoàng hôn. Cầu Châu Giang có thiết kế dạng vòm, dài 184,58 m, rộng 20,4 m, nối liền trung tâm văn hoá kinh tế của thành phố và khu đô thị Bắc Châu Giang, tạo điểm nhấn kiến trúc và cảnh quan đô thị.

Nắng chiều trên cầu Châu Sơn bắc qua sông Đáy, nối trung tâm TP Phủ Lý sang Khu công nghiệp Châu Sơn, mỏ đá Kiện Khê.

Sương sớm huyền ảo trên quần thể chùa Tam Chúc. Đây là ngôi chùa Phật giáo lớn nhất Việt Nam, tọa lạc trên nền ngôi chùa cổ cùng tên, hơn 1.000 năm tuổi. Chùa Tam Chúc nằm tại thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, cách trung tâm Hà Nội khoảng 50 km về phía nam.

Chùa sở hữu cảnh quan đa dạng, lưng tựa Núi Thất Tinh, mặt hướng Hồ Tam Chúc với 6 hòn đảo đá nổi lên trên mặt hồ, bao quanh chùa là những dãy núi đá vôi và rừng tự nhiên, mang đến bầu không khí hùng vĩ, thanh bình tựa chốn bồng lai tiên cảnh.

Kiến trúc cổ kính của Vương cung Thánh đường Sở Kiện (còn gọi Nhà thờ Kẻ Sở) là một nhà thờ Công giáo Rôma thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội. Nhà thờ lâu đời nhất Hà Nam này tọa lạc ở thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, cách Hà Nội khoảng 65 km.

Nhà thờ dài 67,2 mét, rộng 31,2 mét, mang tước hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Đây là trung tâm hành hương của giáo phận Hà Nội, từng giữ vai trò là nhà thờ chính tòa của tổng giáo phận từ năm 1882 đến 1936.

Trong khoảng 6.000 nhà thờ trên cả nước, Việt Nam có 4 tiểu Vương cung thánh đường. Các Vương cung thánh đường này được Giáo hoàng tôn vinh đặc biệt dành cho những nhà thờ có kiến trúc lớn, cổ kính, mang ý nghĩa lịch sử và tâm linh quan trọng.

Một thoáng yên bình bên sông Đáy, thấp thoáng bóng núi Thanh Liêm ở ngoại ô phường Thanh Tuyền, TP Phủ Lý.

“Tôi chơi ảnh được hai năm, quan niệm khi đứng chụp một khung cảnh là phải đẹp. Nhiều địa điểm tôi phải chụp đi chụp lại nhiều lần đến khi nào ưng ý mới thôi. Hiện tôi chưa thể chụp hết phong cảnh Hà Nam trong một sớm một chiều, cũng mong đó sẽ là động lực để cố gắng tìm kiếm thêm những góc máy thú vị để chia sẻ đến độc giả, bạn bè”, Gia Bảo chia sẻ.

Bài thơ vịnh cảnh của Hồ Xuân Hương mang tên "Núi Kẽm Trống" nhắc đến ngọn núi thuộc địa phận xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm. Kẽm Trống là một khoảng trống nằm chen giữa hai dãy núi đá vôi do dòng sông Đáy chảy qua. Đây là một di tích thắng cảnh quốc gia được công nhận năm 1962.

Bức ảnh đàn trâu trở về trong ráng hoàng hôn được chụp tại cánh đồng Xã Thanh Thủy, huyện Thanh Liêm. Vùng nông thôn Hà Nam chủ yếu trồng lúa, kết hợp hoa màu, chăn nuôi để phục vụ cuộc sống. Gia Bảo cho rằng những hình ảnh tự nhiên như thế đang dần dần ít đi nên anh rất yêu thích, trân trọng khoảnh khắc này.

Làng nghề kho cá Vũ Đại, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam. Một trong những bí quyết tạo nên thương hiệu làng nghề kho cá này là một nồi cá kho phải trải qua 14 tiếng đun liên tục, khi cạn thì tiếp nước và lửa đun không quá to, nếu không cá sẽ bị cháy.

Qua bộ ảnh, Gia Bảo mong muốn ngày càng nhiều người biết đến Hà Nam hơn, góp phần nhỏ cho du lịch Hà Nam thêm phát triển. “Thật sự Hà Nam còn rất nhiều góc ảnh đẹp đang đợi mọi người cùng khám phá”, Gia Bảo bộc bạch. Chàng trai trẻ hy vọng gặp thêm những người có cùng đam mê nhiếp ảnh để đưa hình ảnh quê hương lan tỏa.

(Nguồn: Huỳnh Phương, ảnh: Nguyễn Gia Bảo, VnExpress, Chủ nhật, 26/6/2022, 03:11 (GMT+7))