Englishen

Đua ngựa không yên ở Festival hoa Đà Lạt

Thứ ba, 13/12/2022, 08:54 GMT+7

Cuộc đua dành cho các vận động viên nghiệp dư là người bản địa, nhân viên các khu du lịch, trong khuôn khổ Festival hoa Đà Lạt.

Trong hai ngày 10 và 11/12, UBND huyện Lạc Dương, TP Đà Lạt tổ chức giải đua ngựa không yên tại xã Đạ Nhim, cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 30 km. Đây là hoạt động chào mừng Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 9 đang diễn ra đến hết 31/12.

Đua ngựa không yên là hoạt động dành cho các tay đua nghiệp dư. Người tham gia sự kiện chủ yếu là thanh niên dân tộc bản địa, các nhân viên của các khu du lịch trên địa bàn tỉnh. Trước mỗi cuộc đua, họ được cưỡi thử ở đường đua cho quen.

Ngựa trong cuộc đua do người dân huyện Lạc Dương nuôi dưỡng, huấn luyện dùng để thồ hàng, chở nông sản, phục vụ du lịch.

Ở vòng loại, 32 con ngựa chia thành 16 lượt đua (4 con một lượt đua) để chọn ra những con chạy nhanh nhất vào vòng chung kết và cuối cùng chọn ra hai con để trao giải.

Nài ngựa phải điều khiển ngựa trên một cung đường đua được thiết kế uốn lượn men theo hồ Đạ Khai, chạy thoai thoải lên sườn đồi dài khoảng hơn 1 km.

Bốn vận động viên so kè từng mét trong cuộc đua.

"Cưỡi ngựa không yên đòi hỏi mình phải hiểu và tập làm quen một thời gian dài, đặc biệt khi điều khiển ngựa chạy theo ý mình", một vận động viên chia sẻ.

Các cú bức tốc cạnh tranh quyết liệt khi về đích.

Một vận động viên về đích sau khi bỏ lại các đối thủ phía sau rất xa.

Cuộc đua thu hút hàng nghìn du khách, người dân đến theo dõi và cổ cũ. "Tôi thấy cuộc đua rất kịch tính, nhiều người hò reo như người thân của mình chiến thắng, rất vui", anh Nguyễn Văn Hùng, ở xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương nói.

Toàn cảnh sân đua ngựa dài chừng 1 km.

Ông Lê Chí Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết, đã từ rất lâu, ngựa Lạc Dương nổi tiếng cả vùng, được người dân bản địa sử dụng nhiều trong đời sống sản xuất, sinh hoạt. "Giải đua ngựa được tổ chức ngoài mục đích đa dạng hoá các loại hình thu hút khách du lịch, còn nhằm khôi phục lại nét văn hoá độc đáo, đặc trưng của người dân địa phương ở đây", ông Minh nói.

(Nguồn: Phước Tuấn - Khánh Hương, VnExpress, Thứ hai, 12/12/2022, 10:33 (GMT+7))