Englishen

Du lịch sinh thái sẽ ra sao sau đại dịch?

Thứ năm, 09/09/2021, 08:23 GMT+7

Trước sự chuyển dịch về nhu cầu và hành vi của du khách, du lịch sinh thái được dự báo là sản phẩm phù hợp để phát triển trong và sau đại dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Du lịch sinh thái vốn là 1 trong 4 dòng sản phẩm chủ đạo tại Việt Nam, cùng với du lịch biển đảo, du lịch đô thị và du lịch văn hóa. Trên thế giới, du lịch sinh thái đã phát triển từ những năm 1980, thế nhưng theo TS. Đỗ Thị Thanh Hoa – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, du lịch sinh thái ở Việt Nam mới đi những chặng đường đầu tiên. 

TSTtourist-du-lich-sinh-thai-se-ra-sao-sau-dai-dich-1Tham quan Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát (Tây Ninh). Ảnh: Ngô Trần Hải An
Lựa chọn tối ưu để thích ứng với đại dịch

Trước Covid-19, tỷ lệ khách quốc tế tham gia vào các tour du lịch sinh thái chỉ chiếm khoảng từ 5 – 8% tổng số khách quốc tế đến Việt Nam. Lượng khách nội địa tham gia vào hoạt động du lịch sinh thái đa phần là các nhà nghiên cứu, học sinh, sinh viên với mục đích nghiên cứu, tham quan, học tập kết hợp giải trí. Nhìn chung, khách nội địa có thời gian lưu trú ngắn, thường đi về trong ngày, mức chi trả dịch vụ không cao.

Tuy nhiên, một công bố mới đây của Booking.com cho thấy đại dịch Covid-19 đã góp phần nâng cao nhận thức của du khách về bảo tồn thiên nhiên, văn hóa; gián tiếp thúc đẩy các loại hình du lịch bền vững, trong đó có du lịch sinh thái. Không riêng ở Việt Nam, du khách toàn cầu ngày càng ủng hộ những hành động bảo vệ thiên nhiên và cộng đồng địa phương. Báo cáo này cho biết, 97% du khách Việt cho rằng du lịch bền vững là rất quan trọng và 88% cho biết đại dịch Covid-19 đã khiến họ muốn đi du lịch một cách bền vững hơn trong tương lai. Nhiều du khách Việt Nam sẽ chấp nhận tránh các điểm đến phổ biến để không gây thêm áp lực lên những nơi đã quá đông đúc.

TSTtourist-du-lich-sinh-thai-se-ra-sao-sau-dai-dich-2Du khách Việt Nam ngày càng hướng đến thiên nhiên và tránh những nơi đông đúc.
Trước sự chuyển dịch nhu cầu của du khách, PGS.TS Phạm Hồng Long (Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) cho rằng du lịch sinh thái là sản phẩm phù hợp để phát triển trong và sau đại dịch Covid-19. Loại hình này ngày càng được ưa chuộng, thu hút dòng khách chi tiêu cao sẽ góp nguồn lực quan trọng cho bảo tồn cũng như phát triển cộng đồng địa phương.

Tại tọa đàm "Phát triển du lịch sinh thái như một xu hướng du lịch trong và sau đại dịch Covid-19", PGS.TS Phạm Hồng Long cho biết: "Từ trước đến nay, các điểm du lịch sinh thái, nhất là sinh thái rừng chưa được khám phá nhiều so với các bãi biển hay đô thị. Các khu sinh thái ẩn chứa rất nhiều yếu tố độc, lạ; đáp ứng đầy đủ các nhu cầu và hành vi du lịch mới sau đại dịch, như đi về nơi ít người, biệt lập hay xu hướng du lịch chậm, trải nghiệm văn hóa sâu sắc hơn. Du khách cũng muốn tìm về các khu vực thiên nhiên với sự yên tĩnh, không khí trong lành để đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, rèn luyện sức khỏe, chữa bệnh".

Không chỉ để phục vụ du khách, phát triển du lịch sinh thái cũng là cách thức để bảo tồn, gìn giữ các giá trị tự nhiên và văn hóa. Theo TS. Đỗ Thị Thanh Hoa, nhiều vườn quốc gia, khu bảo tồn, các miệt vườn, hệ sinh thái nông nghiệp… đã thu hút rất đông khách du lịch. Điều này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn có tác động tích cực trong công tác bảo vệ môi trường, mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương và góp phần bảo tồn tài nguyên du lịch của đất nước.

Cần sản phẩm khác biệt cho du lịch sinh thái

TSTtourist-du-lich-sinh-thai-se-ra-sao-sau-dai-dich-3Du khách tham quan Vườn quốc gia Cúc Phương. Nguồn: Phạm Hồng Long
Trong những năm qua, nhiều mô hình du lịch sinh thái đã được phát triển trên cả nước, như tìm hiểu hệ sinh thái, đa dạng sinh học rừng nhiệt đới (trung du, miền núi Bắc Bộ); tham quan hệ sinh thái núi đá vôi khu dự trữ sinh quyển thế giới (đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc); thám hiểm hệ sinh thái núi đá vôi, hang động (Bắc Trung Bộ) du lịch hệ sinh thái biển (Nam Trung Bộ); du lịch hệ sinh thái đất ngập nước, rừng ngập mặn, hệ thống sông, kênh rạch (Nam Bộ)…

TS. Đỗ Thị Thanh Hoa cho rằng, trước đại dịch Covid-19, hoạt động du lịch đến các khu tự nhiên của Việt Nam còn mang tính đại chúng, chưa đích thực là du lịch sinh thái. Du lịch với số đông thường gây nên những tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên và văn hoá, đặc biệt là những khu vực nhạy cảm. Đầu tư phát triển du lịch sinh thái chưa cao, phần lớn là các dự án hỗ trợ từ tổ chức quốc tế, mang tính chất bảo tồn và nâng cao năng lực cộng đồng làm du lịch tại một số vườn quốc gia và khu bảo tồn.

PGS.TS Phạm Hồng Long nhận định, để du lịch sinh thái hấp dẫn hơn, các doanh nghiệp phải sáng tạo ra các sản phẩm khác biệt dành cho từng phân khúc khách hàng; với trụ cột vẫn là giáo dục nhận thức về sinh thái, cảm nhận tình yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường… Bằng cách diễn giải ý nghĩa của hệ sinh thái hoặc các câu chuyện văn hóa bản địa, du khách sẽ thấy yêu và cảm nhận được giá trị của tự nhiên.

TSTtourist-du-lich-sinh-thai-se-ra-sao-sau-dai-dich-4 Anh Trương Cảm được mệnh danh là "người gọi chim" vì có thể giả tiếng hàng trăm loài chim.
PGS.TS Phạm Hồng Long cho biết: "Rất nhiều nơi du lịch sinh thái thành công vì cách dẫn dắt và câu chuyện hấp dẫn. Ví dụ như người Hà Nhì ở Y Tý (Lào Cai) có lễ hội mở cửa rừng, tục thờ rừng thiêng; tài năng của 'người gọi chim' Trương Cảm tại Vườn quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) hay câu chuyện về 'lâm tặc' Hồ Khanh – người đã góp công tìm ra hang Sơn Đoòng (Quảng Bình) và đang là hướng dẫn viên có tiếng tại địa phương. Câu chuyện về những cá thể voi cuối cùng ở Tây Nguyên, hay con báo hoa mai bị lạc mẹ ở Vườn Quốc gia Cát Tiên cũng khiến du khách xúc động và ấn tượng". 

Theo PGS.TS Phạm Hồng Long, các doanh nghiệp có thể lồng ghép thêm nhiều hoạt động như thăm động vật hoang dã, chụp ảnh, cắm trại, chăm sóc sức khỏe, thể thao mạo hiểm hoặc văn hóa tâm linh. Tuy nhiên, du lịch sinh thái cũng phải phát triển có chừng mực và theo hướng bền vững. 

"Du lịch sinh thái có thể sẽ là nạn nhân từ chính sự phát triển của nó. Chúng ta có thể dự báo được rằng sự thành công và du lịch quá mức sẽ khiến các khu sinh thái mất đi giá trị vốn có, tính nguyên vẹn và tài nguyên ban đầu của nó. Ví dụ như nhờ có cáp treo, du khách có thể ồ ạt kéo lên một đỉnh núi. Ở một nơi đông đúc, du khách sẽ khó cảm nhận đầy đủ được những giá trị của hệ sinh thái tự nhiên".

(Nguồn: Hải Nam, VOV, Thứ Năm, 06:30, 09/09/2021)