Englishen

Đom đóm trong rừng Cúc Phương

Thứ hai, 18/10/2021, 07:21 GMT+7

Nghệ sĩ trẻ Nguyễn Hữu Thông chụp vũ điệu ánh sáng của đàn đom đóm trong màn đêm ở vườn quốc gia Cúc Phương.

TSTtourist-dom-dom-trong-rung-cuc-phuong-1

Du khách không cần đi quá xa như Trung Quốc, Nhật Bản, Bulgaria, Mexico, New Zealand hay miền đông nước Mỹ để ngắm đom đóm, mà có thể đến VQG Cúc Phương. Vào mùa hè, khi mặt trời dần khuất sau những tán cây rừng và màn đêm buông xuống cũng là lúc đom đóm bắt đầu màn khiêu vũ.

Anh Nguyễn Hữu Thông (sinh năm 1987), quê tại Tiên Sơn, Việt Yên, Bắc Giang là người chuyên chụp về nhịp sống vùng cao miền Bắc và dành được trên 40 giải thưởng lớn nhỏ trong và ngoài nước. Ngoài ảnh đời thường, anh còn chụp chân dung và phong cảnh. Trong nhiều bộ ảnh thiên nhiên cá nhân anh ấn tượng với bộ ảnh đom đóm đêm ở Cúc Phương.

TSTtourist-dom-dom-trong-rung-cuc-phuong-2

Nằm cách Hà Nội 120 km về phía nam, VQG Cúc Phương được thành lập 1962, thuộc địa phận ba tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa, có tổng diện tích 22.408 ha nằm sâu trong lòng dãy núi Tam Điệp. Với nhiều giá trị về cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học nên từ lâu Cúc Phương đã trở thành điểm du lịch sinh thái lý tưởng cho du khách.

Vào mùa hè từ tháng 4-8 là thời tiết đẹp, có nắng, ít mưa bão là thích hợp để quan sát côn trùng. Góc rừng xóm Bống, cách cổng vườn 20 km, là điểm để ngắm và chụp ảnh đom đóm.

TSTtourist-dom-dom-trong-rung-cuc-phuong-3

Ánh sáng lung linh của đàn đom đóm bên gốc cây sấu cổ thụ. Anh Thông rất tâm huyết thực hiện bộ ảnh này với sự hỗ trợ của các nhiếp ảnh gia đến từ Nhật Bản và Bulgaria.

“Năm 2020, tôi cùng các anh em đi khảo sát địa điểm chụp. Năm 2021, tôi đi chụp 3 đợt, nhưng đợt 1 chụp không ưng ý, đợt 2 gặp mưa không chụp được và đợt 3 mới hoàn thiện được bộ ảnh”, anh Thông chia sẻ.

TSTtourist-dom-dom-trong-rung-cuc-phuong-4

Ánh sáng ma mị ở một góc rừng. “Những ngôi sao bay” này khi lập lòe mang đến không gian mê hoặc, như lạc vào một lễ hội ánh sáng hay trong một khu rừng cổ tích.

TSTtourist-dom-dom-trong-rung-cuc-phuong-5

Đom đóm “nhảy múa” gần các vũng nước trong rừng, nơi có những gốc cây khô còn sót lại.

“Khó khăn thực hiện bộ ảnh là phải hiểu được tập tính của đom đóm. Chúng thường xuất hiện ở những nơi vắng và tách biệt với nơi sinh sống của con người”, nhiếp ảnh gia trẻ nói.

TSTtourist-dom-dom-trong-rung-cuc-phuong-6

Đom đóm là côn trùng có màu nâu, thân mềm, cánh thường cứng hơn các loại bọ cánh cứng khác, có khả năng phát ánh sáng vàng xanh là do có phản ứng hóa học chuyên biệt nằm dưới bụng. Mục tiêu phát ánh sáng của chúng là để dụ bắt con mồi và quan trọng là thu hút bạn tình trong mùa sinh sản.

TSTtourist-dom-dom-trong-rung-cuc-phuong-7

Trong lúc khám phá mùa đom đóm của rừng Cúc Phương, các nhiếp ảnh gia cũng có thể chụp được dải ngân hà vào những ngày trời trong và không có trăng.

TSTtourist-dom-dom-trong-rung-cuc-phuong-8

Sự chuyển động của dải ngân hà trên bầu trời kết hợp ánh sáng của đom đóm dưới đám cỏ rừng.

Đến nơi trú ngụ của loài này, du khách phải tuân thủ các quy tắc cơ bản như không mở nhạc, không dùng thuốc chống côn trùng, không bật đèn và hoàn toàn không sử dụng điện thoại di động. Bất kỳ ánh sáng nhân tạo nào cũng sẽ làm ảnh hưởng đến “màn trình diễn ánh sáng” của chúng.

TSTtourist-dom-dom-trong-rung-cuc-phuong-9

Để chụp loài này, cần phải trang bị chân máy, máy ảnh có ống kính góc rộng, điều chỉnh khẩu độ lớn và nắm kỹ thuật chụp phơi sáng. Hiện nay, do ảnh hưởng bởi thuốc trừ sâu, tốc độ đô thị hóa nhanh đã tác động đến môi trường sống, tập tính làm số lượng đom đóm ở Việt Nam giảm mạnh.

“Qua bộ ảnh này, tôi muốn giới thiệu vẻ đẹp phát sáng kỳ diệu của loài đom đóm, qua đó nâng cao ý thức bảo bệ môi trường, nhiên nhiên xung quanh”, anh Thông nói.

(Nguồn: Huỳnh Phương, VnExpress, Thứ hai, 18/10/2021, 02:11 (GMT+7))