Englishen

Điểm đến Việt Nam cho du khách yêu động vật

Thứ ba, 22/03/2022, 15:23 GMT+7

Tham quan khu bảo tồn gấu tại Ninh Bình, du lịch thân thiện với voi ở Vườn quốc gia Yok Don hay hoạt động thả rùa về biển ở Côn Đảo là những trải nghiệm độc đáo, ngày càng được nhiều du khách lựa chọn.

Du lịch thân thiện với voi ở Yok DonTham quan khu bảo tồn gấu tại Ninh Bình, du lịch thân thiện với voi ở Vườn quốc gia Yok Don hay hoạt động thả rùa về biển ở Côn Đảo là những trải nghiệm độc đáo, ngày càng được nhiều du khách lựa chọn.

Du lịch thân thiện với voi ở Yok Don

TSTtourist-diem-den-viet-nam-cho-du-khach-yeu-dong-vat-1Khách du lịch tại Vườn quốc gia Yok Don - Nguồn: Animals Asia

Từ tháng 7/2018, Vườn quốc gia Yok Don (thuộc 2 tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk) đã chấm dứt hoạt động du lịch cưỡi voi và chuyển sang mô hình thân thiện hơn với voi. Đây là mô hình mà cả cộng đồng địa phương, du khách và quan trọng là các cá thể voi đều được hưởng lợi.

Đại diện Tổ chức Động vật châu Á cho biết, hiện nay du khách đến Vườn quốc gia Yok Don có cơ hội tiếp xúc, tìm hiểu với 11 chú voi, trong bối cảnh Việt Nam chỉ còn 100 - 150 cá thể voi sống trong 5 đàn ngoài tự nhiên. Du khách có thể chọn tour trải nghiệm cùng voi trong nửa ngày hoặc cả ngày; đây là những tour du lịch liên quan đến voi có tính nhân văn nhất tại Việt Nam.

Hướng dẫn viên sẽ kể cho du khách về tính cách của các cá thể voi, tiểu sử của chúng và vì sao chúng có mặt ở Yok Don. Đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng có lịch sử huấn luyện và chăm sóc voi từ lâu đời, và hướng dẫn viên cũng sẽ chia sẻ những câu chuyện thú vị họ.

Trong lúc đi bộ, hướng dẫn viên cung cấp thông tin về Vườn quốc gia Yok Don, chỉ cho khách thấy nhiều loài cây và động vật hoang dã sống trong rừng, giới thiệu những cây thuốc mà người đồng bào địa phương sử dụng. Du khách thậm chí còn có thể thấy dấu vết của đàn voi rừng hoang dã sống trong vườn quốc gia này, như dấu chân voi, dấu vết chúng đi tìm kiếm thức ăn hoặc phân voi rừng.

Điều tuyệt vời nhất là khi du khách tận mắt ngắm nhìn voi trong môi trường tự nhiên của chúng. Voi được tự do vui chơi, lang thang tìm kiếm thức ăn, tương tác với các cá thể khác và đơn giản là được sống như những con voi thực thụ. Đó là trải nghiệm không thể tìm thấy ở bất kỳ vườn thú nào.

Thả rùa về biển ở Côn Đảo

TSTtourist-diem-den-viet-nam-cho-du-khach-yeu-dong-vat-2Hoạt động thả rùa về biển ở Côn Đảo - Nguồn: Six Senses Côn Đảo

Mùa rùa hàng năm kéo dài từ tháng 5 đến tháng 12 với hàng loạt ổ trứng được Vườn quốc gia Côn Đảo ấp ủ và chăm sóc, hàng ngàn rùa con đã được trở lại đại dương, có cơ hội trưởng thành, để rồi vài thập kỷ sau, chúng lại trở về nơi đây sinh sản, tạo ra những cuộc đời mới. Six Senses Côn Đảo là khu nghỉ dưỡng duy nhất được trao quyền chăm sóc và bảo tồn loại này tại Côn Đảo. Nhờ vào vị trí tách biệt, không ô nhiễm tiếng ồn, bãi biển nơi đây được cải tạo phù hợp với nhu cầu làm ổ của rùa mẹ. 

Do ảnh hưởng của thủy triều và các loài thú săn mồi khác, tỉ lệ nở của trứng rùa xanh để trong môi trường tự nhiên là chưa đến 50%, và sau khi được đưa về các trại ấp với môi trường sinh thái tốt hơn, tỉ lệ nở tăng lên khoảng 70%. Riêng trong năm 2021, Six Senses Côn Đảo đã nâng tỉ lệ nở lên đến 90% với tổng số 3.247 rùa con được thả về đại dương. Từ khi bắt đầu kết hợp cùng Vườn quốc gia Côn Đảo vào năm 2018, nơi đây đã ấp nở và thả về biển được 11.921 cá thể rùa.

Hoạt động bảo tồn này cũng là một phần trải nghiệm của du khách trong quá trình lưu trú tại Six Senses Côn Đảo. Các buổi nói chuyện về rùa “Turtle Talk” thường xuyên được tổ chức nhằm chia sẻ thông tin về loài động vật này, như tập tính của rùa mẹ, quá trình chăm sóc trứng thu nhặt được và sự phát triển của rùa con… Du khách hiểu thêm về vai trò của rùa xanh đối với môi trường sinh thái và ý thức hơn về việc bảo tồn, duy trì sự bền vững trong quá trình du lịch khám phá. Đặc biệt khi đến đây vào mùa rùa, du khách có thể cùng với nhân viên khu nghỉ dưỡng tham gia thả rùa về biển. Chứng kiến đàn rùa con mong manh nhưng chân bước mãnh liệt về phía đại dương là một trong những ký ức khó phai tại Côn Đảo.

Trung tâm cứu hộ gấu Tam Đảo

TSTtourist-diem-den-viet-nam-cho-du-khach-yeu-dong-vat-3Các đoàn khách trường học sẽ được ưu tiên đón tiếp tại Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam - Nguồn: Animals Asia

Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam thuộc Tổ chức Động vật châu Á nằm ở thung lũng Chắt Dậu tại Vườn Quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là trung tâm đầu tiên có chức năng cứu hộ gấu mang tầm cỡ quốc tế tại Việt Nam, với quy mô 12 ha là nơi chăm sóc trọn đời cho 200 cá thể gấu. Gần 30.000 mét vuông không gian bán hoang dã ngoài trời được thiết kế và trang bị nhằm khuyến khích các hành vi tự nhiên của gấu.

Mặc dù không bán vé du lịch nhưng trung tâm này cũng cung cấp các tour tham quan có hướng dẫn cho các nhóm khách nhỏ có đặt trước, trong những ngày mở cửa miễn phí (2 lần/tháng, thường vào cuối tuần). Chương trình giáo dục cộng đồng gồm các buổi thuyết trình, hội thảo về bảo tồn và nhu cầu quyền lợi của gấu, cũng như quyền lợi động vật nói chung và vấn đề môi trường cho học sinh, sinh viên. Các đoàn khách trường học sẽ được trung tâm ưu tiên đón tiếp.

Du khách sẽ được tìm hiểu các vấn đề bảo tồn và chăm sóc sức khỏe cho loài gấu – từ quá trình tiến hóa, sinh thái cho đến thực trạng hiện nay của gấu trong môi trường hoang dã. Công tác nâng cao và phổ biến kiến thức, nhận thức về những mặt trái của nạn buôn bán mật gấu sẽ giúp công chúng quan tâm nhiều hơn đến việc không nên sử dụng mật gấu, từ đó giảm nhu cầu tiêu thụ trong tương lai.

Những thảo dược có thể thay thế cho mật gấu cũng sẽ là trọng tâm của chương trình giáo dục cộng đồng. Trung tâm đang nuôi trồng một vườn thảo dược gồm những loài cây thuốc và cây hoa truyền thống, đóng vai trò là giải pháp thay thế cho việc sử dụng mật gấu.

Tour "Một ngày chăm sóc gấu" ở Ninh Bình

TSTtourist-diem-den-viet-nam-cho-du-khach-yeu-dong-vat-4Du khách tham gia các hoạt động tại Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình - Ảnh: FOUR PAWS Việt

Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình (xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) thuộc quản lý của FOUR PAWS Viet, thành viên FOUR PAWS International - một tổ chức quốc tế về phúc lợi động vật có trụ sở tại Áo. Tại đây, hiện đang chăm sóc và bảo vệ cho gần 40 cá thể gấu đã từng bị lấy mật hoặc là tang vật của những vụ buôn bán động vật hoang dã trái phép. Ngoài các hoạt động chuyên môn, cơ sở cũng tổ chức đón các đoàn du khách đến tham quan, tìm hiểu, học hỏi về gấu và bảo vệ thiên nhiên, đặc biệt là đối tượng khách học sinh, sinh viên.

Ngoài tham quan các khu vực chăm sóc gấu và môi trường bán hoang dã nơi gấu sinh sống; du khách sẽ được tìm hiểu về loài gấu, về quan hệ giữa các loài trong tự nhiên, đa dạng sinh học và hoạt động bảo vệ gấu tại Việt Nam. Những câu chuyện sâu sắc về từng cá thể gấu với hình ảnh, video trực quan giúp nâng cao nhận thức về bảo vệ gấu, bảo vệ động vật và gìn giữ môi trường thiên nhiên.

Nhiều chương trình trải nghiệm được thiết kế riêng để phù hợp với đối tượng và độ tuổi khách khác nhau, trong đó một số hoạt động được yêu thích là trải nghiệm "một ngày làm nhân viên chăm sóc gấu" với việc chuẩn bị thức ăn, chăm sóc và cọ rửa chuồng gấu…; thử thách chế biến thức ăn và dụng cụ cho gấu; trồng cây xanh tại trại gấu; chơi các trò chơi tập thể và hoạt động thủ công với đề tài đa dạng sinh học, bảo vệ động vật hoang dã và phúc lợi động vật.

(Nguồn: Hải Nam, VOV, Thứ Ba, 22/03/2022, 06:06 (GMT+7))