Đầu xuân, ngoài những chuyến vui chơi, tham quan và trải nghiệm thì du lịch tâm linh cũng là một trong những lựa chọn của nhiều du khách muốn tìm đến sự bình an, tốt lành cho một năm mới.
Chùa Trấn Quốc là ngôi chùa cổ nhất ở Thủ đô được xây từ thế kỷ thứ VI do Hoàng đế Lý Nam Đế trị vì. Trong suốt thời gian tồn tại, ngôi chùa đã được trải qua nhiều đợt trùng tu. Đặc biệt nhất là lần đổi tên từ An Quốc thành Trấn Quốc với ý nghĩa là bảo vệ tổ quốc.
Vào dịp Tết có rất nhiều du khách, tín đồ Phật giáo đến đây để thắp hương, cầu may, cầu bình an cho một năm mới.
Núi Yên Tử hay còn được gọi là núi Tượng Đầu. Ngọn núi này nằm giữa ranh giới của hai tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang. Núi thuộc dãy núi Đông Triều với chiều cao 1068m so với mực nước biển.
Đến với núi Yên Tử du khách sẽ được tham quan các di tích lịch sử, văn hóa gắn liền với sự phát triển của phái thiền Trúc Lâm Yên Tử. Cùng với phong cảnh núi non tuyệt đẹp, khí hậu mát mẻ, thiên nhiên trong lành, đây là điểm du lịch tâm linh rất linh thiêng, thu hút du khách gần xa đến thăm. Du khách có thể chọn đi cáp treo lên đỉnh núi để thăm quan chùa Đồng. Hoặc nếu có sức khỏe, muốn thử thách bản thân thì có thể leo đường bộ men theo núi.
Trong thời gian gần đây, Hà Nam trở nên hấp dẫn nhờ vào khu du lịch chùa Tam Chúc – ngôi chùa lớn nhất thế giới với tổng diện tích là 5.100ha. Chùa Tam Chúc nằm trong khu du lịch Tam Chúc và có vị trí rất đặc biệt, phía sau chùa là núi Thất Tinh, phía trước là hồ Lục Nhạc. Trong hồ có 6 hòn đảo nhỏ theo tương truyền chính là 6 chiếc chuông mà ông trời đã ban cho nơi đây.
Chùa Tam Chúc nổi tiếng với nhiều báu vật nổi tiếng như 1.200 bức tượng bằng dung nham núi lửa, 1.000 cột đá, mỗi cột cao 12m, nặng 200 tấn… được ví như tiên cảnh trần gian và vịnh Hạ Long trên cạn. Bên cạnh đó kiến trúc cổ kính, bề thế đã tạo nên nhiều góc chụp ảnh siêu đẹp, thu hút người dân đến lễ đầu năm, check-in.
Nắm cách Hà Nội khoảng 70km, chùa Địa Tạng Phi Lai Tự là điểm đến thu hút rất nhiều người, trong đó có cả giới trẻ tới thăm quan bởi vẻ đẹp xanh mát, thanh tịnh, bình yên.
Chùa Địa Tạng Phi Lai Tự nằm trên một ngọn đồi thấp với không gian rộng và bằng phẳng. Cả quần thể ngôi chùa nằm gọn giữa rừng thông, tạo nên bầu không khí lúc nào cũng mát lành, yên tĩnh. Không gian chùa hoàn toàn thanh tịnh, hầu như không có âm thanh gì ngoài tiếng lá cây xào xạc, tiếng chuông gió leng keng trong veo. Bước chân vào chùa, tâm hồn như được tách biệt ra khỏi những suy nghĩ bộn bề thường nhật, bỗng nhiên nhẹ bẫng, trong trẻo và bình an.
Mỗi mùa, Địa Tạng Phi Lại Tự lại đem đến cho du khách những cảm nhận, trải nghiệm khác nhau. Đẹp nhất là Mùa xuân với muôn sắc hoa, nhiều không gian mang hình ảnh của Tết cổ truyền. Đây cũng là thời điểm nhiều du khách ghé tới chùa thắp hương, cầu bình an…
Chùa Thiên Mụ, còn được gọi là chùa Linh Mụ, được chúa Nguyễn Hoàng cho xây dựng vào năm 1601. Chùa nằm bên bờ Bắc sông Hương thuộc địa phận xã Hương Long, cách trung tâm thành phố Huế 5km.
Cho đến nay, chùa vẫn xứng danh là “Đệ Nhất Cổ Tự”, không chỉ là chốn tâm linh đơn thuần mà còn là thắng cảnh đẹp Cố Đô. Chùa Thiên Mụ Huế là điểm đến gây thương nhớ cho biết bao du khách thập phương mỗi lần ghé thăm. Nơi đây không chỉ hội tụ vẻ đẹp về kiến trúc, yếu tố lịch sử, phong cách mà còn được tô điểm bởi tính cách con người Huế - trầm mặc và kín đáo. Nơi đây cũng là một điểm linh.
Là một quần thể kiến trúc Phật giáo tọa lạc trên ngọn đồi nằm ở phía Tây Nam của thành phố Pleiku, Minh Thành Tự với diện tích 20.000m2 là địa điểm du lịch tâm linh thu hút đông đảo người dân và khách du lịch bởi vẻ đẹp kiến trúc giao thoa hài hòa giữa Việt Nam, Nhật Bản và Đài Loan.
Với vẻ đẹp độc đáo, riêng biệt, nhiều du khách nhận xét ngôi chùa này là một trong những ngôi chùa đẹp nhất, với hàng nghìn góc ảnh khác nhau.
Giữa những bộn bề, mệt mỏi hay căng thẳng chỉ cần ghé đến chùa, du khách sẽ cảm nhận những giây phút dễ chịu, bình lặng hoàn toàn khác. Đây là địa điểm hoàn hảo để gửi gắm những lời cầu mong bình an, thanh thản đầu năm mới.
(Nguồn: Thùy Chi, Tổng hợp, Vietnamnet, 13/01/2023, 20:00 (GMT+07:00))