Englishen

Dalat Palace - Khách sạn lâu đời bậc nhất thành phố ngàn hoa

Thứ năm, 14/04/2022, 15:04 GMT+7

Khách sạn Dalat Palace là một trong những công trình điển hình cho di sản kiến trúc Pháp ở xứ sở sương mù - nét đặc trưng của Đà Lạt khó tìm thấy ở bất kì đâu. Công trình này còn là chứng tích đánh dấu sự hình thành và phát triển của cao nguyên Lâm Viên, là địa chỉ đỏ gắn với sự ra đời của Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Lâm Viên.

TSTtourist-dalat-palace-khach-san-lau-doi-bac-nhat-thanh-pho-ngan-hoa-1Được xây dựng cách đây tròn 100 năm, Dalat Palace vẫn giữ nguyên giá trị đến ngày nay

Công trình gắn với dự án phát triển cao nguyên Lâm Viên

Dalat Palace là một trong số những khách sạn lâu đời nhất tại xứ sở sương mù. Đây là nơi duy nhất tại Đà Lạt còn lưu giữ những kiến trúc từ thời pháp thuộc.

Cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 320 km về phía Đông Bắc, nằm trên vùng cao nguyên Lâm Viên, TP Đà Lạt là một điểm nghỉ dưỡng lý tưởng từ thời Pháp thuộc, mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa con người Việt Nam. Năm 1893, bác sĩ Alexandre Yersin, hậu duệ của Louis Pasteur, đã quyết định phân tích điều kiện khí hậu và địa chất của khu vực này. Ông đã phác thảo dự án phát triển cho vùng cao nguyên.

Bốn năm sau, Toàn quyền Đông dương chỉ thị, phải xây dựng một viện điều dưỡng tại Đà Lạt. Từ năm 1905, khi quyết định cuối cùng được ban hành để phát triển một khu nghỉ dưỡng hay “Sanatorium” như người Pháp thường gọi, một khách sạn với tất cả các tiện nghi hiện đại lúc bấy giờ được xây dựng, nhìn xuống hồ Xuân Hương. Khách sạn được gọi là Langbian Palace, được đặt theo tên đỉnh núi cao nhất Đà Lạt.

Mặc dù bản thiết kế đã sẵn sàng năm 1913, tuy nhiên do chiến tranh Thế giới lần I và con đường dẫn đến thành phố Đà Lạt vẫn chưa hoàn thành, việc xây dựng chỉ được bắt đầu vào năm 1916. Mất 6 năm để hoàn thành khách sạn với 30 phòng.

TSTtourist-dalat-palace-khach-san-lau-doi-bac-nhat-thanh-pho-ngan-hoa-2Dalat Place là nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Lâm Viên vào tháng 4/1930

TSTtourist-dalat-palace-khach-san-lau-doi-bac-nhat-thanh-pho-ngan-hoa-3Dalat Palace - công trình đậm dấu ấn kiến trúc châu Âu có lịch sử lâu đời bậc nhất ở TP Đà Lạt

Khánh thành từ năm 1922, Langbian Palace đã đón tiếp các nhân vật nổi tiếng và giàu có thời bấy giờ. Họ đến Đà Lạt để săn bắn và tận hưởng khí hậu vùng núi mát mẻ. Giá phòng khách sạn lúc đó bắt buộc ăn ba bữa hàng ngày, hàng tuần hoặc hàng tháng tại khách sạn. Hàng đêm đều có dạ tiệc khiêu vũ, một ban nhạc được thuê trọn thời gian để phục vụ khách.

Năm 1941, khách sạn Langbian Palace được tân trang lại hoàn toàn theo phong cách Art Deco - là trường phái nghệ thuật, trang trí mang tính chiết trung, khởi xướng từ Paris vào thập niên 1920. Kèm với việc xây dựng thêm một số phòng khách sạn, DaLat Palace đã đón tiếp các nhà đàm phán của Hội nghị Fontainebleau năm 1946, giữa Việt Minh và chinh phủ Pháp. Người anh hùng dân tộc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ở tại phòng Suite 101 từ tháng 4 đến tháng 5 năm 1946.

Những vị khách nổi tiếng của khách sạn gồm Thủ tướng Phạm Văn Đồng, diễn viên Robert de Niro, Thị trưởng Luân Đôn, Nữ hoàng và Hoàng Tử Hendrik của Đan Mạch... Khách sạn cũng đón tiếp nhiều quan chức cao cấp của nhà nước, những vị khách cá nhân của Vua Bảo Đại, ngài cũng là cư dân của Đà Lạt với ba dinh thự được xây dựng gần khách sạn.

Qua nhiều lần đổi chủ sở hữu, đến khi chiến tranh thế giới lần II bắt đầu. Từ tháng 3 đến tháng 6/1945, khách sạn Langbian Palace bị đóng cửa do sự chiếm đóng của quân đội Nhật, và được dành làm nơi nghỉ ngơi cho Sĩ quan chỉ huy của quân đội Nhật tại Việt Nam.

Sau chiến tranh, khách sạn được trả lại cho chính quyền Pháp. Đến năm 1958, quyền quản lý khách sạn được trao cho chính quyền miền Nam Việt Nam với tên mới, Dalat Palace Hotel. Sau ngày giải phóng năm 1975, khách sạn do Công ty Du lịch Lâm Đồng quản lý.

Năm 1991, Dalat Resort Incorporation (D.R.I), một công ty liên doanh giữa Công ty Du lịch Lâm Đồng và Công ty Danao International Holdings Limited được thành lập. Hợp đồng liên doanh bao gồm việc trùng tu khách sạn Dalat Palace Hotel, Hotel Du Parc Hotel, 16 biệt thự kiểu Pháp và Dinh Bảo Đại I.

Khách sạn Dalat Palace mở cửa trở lại vào tháng 5/1995 dưới tên Hotel Sofitel Dalat Palace do tập đoàn Accor quản lý. Việc trùng tu vẫn giữ lại phong cách thuộc địa ban đầu của những năm 1920, hòa quyện giữa phong cách Pháp cổ và sự hiếu khách truyền thống của người Việt. Nét sang trọng của công trình trùng tu khiến người ta phải trầm trồ thán phục. Kể từ năm 2016 đến nay, Dalat Palace do công ty cổ phần Hoàng Gia Đà Lạt sở hữu và quản lý.

TSTtourist-dalat-palace-khach-san-lau-doi-bac-nhat-thanh-pho-ngan-hoa-4Nội thất bên trong Dalat Palace cực kỳ lộng lẫy, sang trọng

Dalat Palace- địa chỉ đỏ không thể lãng quên

Không chỉ là công trình độc đáo về kiến trúc, Dalat Palace còn là địa chỉ đỏ ở Đà Lạt, là nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Lâm Viên vào tháng 4/1930.

Ngược dòng lịch sử, những năm đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp chiêu mộ người kinh từ các nơi khác đến Lâm Viên- Đồng Nai Thượng để khai thác kinh tế và xây dựng Đà Lạt thành nơi nghỉ dưỡng. Họ phải làm những công việc nặng nhọc như làm đường bộ, đường sắt, xây dựng nhà máy, khách sạn, khai hoang lập đồn điền…

Người dân đến cao nguyên Lâm Viên đều từ những nơi có truyền thống cách mạng, bị áp bức bóc lột nặng nề nên có tinh thần đoàn kết đấu tranh. Nhờ có mối liên hệ chặt chẽ với quê nhà nên phong trào cách mạng các nơi khác nhanh chóng ảnh hưởng và tác động đến Lâm Đồng.

Từ năm 1925 đến năm 1929, phong trào công nhân và phong trào yêu nước diễn ra sôi nổi khắp cả nước. Phong trào đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu và phong trào để tang cụ Phan Chu Trinh được nhân dân hưởng ứng đã thức tỉnh tinh thần yêu nước của các tầng lớp nhân dân Lâm Đồng.

Chi bộ Đảng Cộng sản ra đời ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng nước ta, chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước và chứng tỏ rằng giai cấp vô sản nước ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng.

TSTtourist-dalat-palace-khach-san-lau-doi-bac-nhat-thanh-pho-ngan-hoa-5

Tháng 4/1930, Liên tỉnh Ngũ Trang tổ chức Hội nghị ở Tân Mỹ (Ninh Thuận) để công bố việc hợp nhất ba tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ở các tỉnh cực Nam. Trong tháng 4/1930, sau khi dự Hội nghị ở Tân Mỹ về, đồng chí Trần Diệm triệu tập Hội nghị để thực hiện quyết định việc giải thể chi bộ Tân Việt và thành lập chi bộ Cộng sản. Hội nghị được tổ chức trên tầng gác căn buồng số 2 nhà xe khách sạn Palace Đà Lạt. Đồng chí Trần Diệm, công nhân lái xe của Khách sạn Palace trở thành Bí thư Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên trên đất Lâm Đồng.

Những đảng viên đầu tiên ấy đã tích cực hoạt động giữa vòng vây của mật thám Pháp. Tuyên truyền, thu hút, kết nạp đảng viên mới, cuối năm 1930, Lâm Đồng đã có 11 đảng viên sinh hoạt tại 2 chi bộ. Chi bộ Palace do đồng chí Trần Diệm làm bí thư, hoạt động trong khách sạn, nhà máy đèn, hỏa xa và Chi bộ Cầu Quẹo, nay nằm tại 221 - 223 đường Phan Đình Phùng, Đà Lạt do đồng chí Nguyễn Sĩ Quế là bí thư, hoạt động trong công nhân xây dựng và thợ may. Hai chi bộ có 8 đảng viên là công nhân nên hoạt động hiệu quả, tuyên truyền giác ngộ cho giai cấp công nhân Đà Lạt thuận lợi.

Bảo tàng Lâm Đồng từng thực hiện nhiều cuộc sưu tầm các kỷ vật cũng như dấu tích về sự ra đời cũng như hoạt động của Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên trên đất Lâm Đồng. Những hiện vật, ký ức ấy đã thể hiện cả một quá khứ hào hùng, sự hy sinh lặng thầm của những người đảng viên cộng sản kiên trung. Nhiều đồng chí đã hy sinh trong cuộc chiến tranh gian khổ chống thực dân đế quốc, nhiều đồng chí vẫn tiếp tục đi cùng hai cuộc kháng chiến, trở thành người chiến sỹ, vững lòng tin suốt dặm dài trường chinh của dân tộc.

Đồng chí Trần Hữu Duyệt, Nguyễn Sĩ Quế, những đảng viên đầu tiên sau này đều trở thành những nhà lãnh đạo xuất sắc của cách mạng Việt Nam. Với Lâm Đồng, dấu son chi bộ Đảng đầu tiên trên mảnh đất cao nguyên như tấm gương để những người cộng sản tiếp tục soi mình, giữ mãi tấm lòng son sắt với lý tưởng cách mạng được Đảng và Nhân dân giao phó.

TSTtourist-dalat-palace-khach-san-lau-doi-bac-nhat-thanh-pho-ngan-hoa-6Nội thất bên trong khách sạn được bài trí một cách nghệ thuật, vừa cổ kính vừa sang trọng

Dalat Palace còn gắn liền với một sự kiện lịch sử khác của dân tộc, đó là Hội nghị trù bị. Theo sử liệu, 7 giờ 45 phút, ngày 16/4/1946, đoàn Việt Nam khởi hành bằng máy bay từ Gia Lâm, Hà Nội. 20 giờ đến Đà Lạt, mọi người về Hotel Du Parc và Hotel Langbian Palace. Hội nghị đại diện 2 chính phủ Việt-Pháp tổ chức tại Hotel LangBian Palace và kết thúc vào ngày 11/5/1946.

Thành viên Hội nghị Hoàng Xuân Hãn kể lại, khi trở về thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận xét: “Hoan nghênh phái bộ Hội nghị trù bị. Tuy kết quả chưa đủ, nhưng phái bộ đã làm cho nước Pháp và ngoại quốc biết rõ rằng người nước ta biết tranh đấu, biết công tác và biết đoàn kết…”. Cuộc đấu tranh trên chính trường này là nền tảng để sau đó Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tạm ước với ngoại trưởng Pháp tại Fontainebleau (Pháp) vào ngày 14/9/1946.

Châu Âu cổ kính giữa lòng phố núi

Có thể coi kiến trúc Pháp nói riêng và kiến trúc châu Âu nói chung là một tượng đài vĩnh cữu, một lối thiết kế dẫn đầu và chẳng bao giờ phai nhạt theo thời gian. Từ những năm 1920, những nhà thiết kế tài ba đã thổi hồn Pháp vào khách sạn Dalat Palace, xây dựng nên một tòa lâu đài cổ tráng lệ với lối kiến trúc độc đáo giữa lòng xứ sở xương mù.

Đến với Dalat Palace, du khách sẽ có cảm giác như được hồi tượng lại một phần lịch sử của Đà Lạt. Nơi đây, hiện trưng bày hơn 2.000 tác phẩm nghệ thuật, công trình điêu khắc, trong các phòng khách và ở những khu vực công cộng.

TSTtourist-dalat-palace-khach-san-lau-doi-bac-nhat-thanh-pho-ngan-hoa-7Du khách check-in không gian châu Âu cổ kính giữa lòng phố núi

Kiến trúc Pháp ăn sâu vào từng chi tiết của Dalat Palace. Khuôn viên của khách sạn rộng đến hơn 40.000m2, xung quanh là vườn hoa, thảm cỏ, rừng thông. Tất cả trang bị thiết bị, đồ dùng trong phòng khách sạn đều được bố trí sang trọng.

Tham quan Dalat Palace, du khách sẽ ngỡ như mình đang ghé thăm một tòa lâu đài cổ thường xuất hiện trong những bộ phim, hay tham quan một công trình kiến trúc độc đáo giữa lòng châu Âu.

Bước từ ngoài vào, du khách sẽ ấn tượng với sảnh chờ rộng rãi, những chùm đèn pha lê sang trọng trên trần, những cột trụ to vững chắc hay những chiếc ghế bành cổ điển mà vẫn hiện đại. Xa xa là cầu thang gỗ, hai bên tường treo những bức tranh đặc sắc dẫn lên khu vực phòng nghỉ lát sàn gỗ với cửa sổ lớn sát đất, được tô điểm bởi những rèm cửa vàng nhạt, hài hòa với màu tường trang nhã.

Langbian Palace được xây dựng từ thời TP Đà Lạt còn sơ khai, là một dự án có quy hoạch dành riêng, nên nó có rất nhiều lợi thế. Trước nhất là về tầm nhìn: Từ khách sạn có thể ngắm hồ Xuân Hương, đồi Cù, ở phía xa là dãy núi Lang Biang xanh thẳm. Khách sạn này có hệ thống bậc thang trải dài theo sườn đồi, từ phía Hồ Xuân Hương đến tận lối vào chính.

Chi tiết này làm cho khách sạn Palace thêm phần uy nghi, duyên dáng mà không khách sạn nào có được. Từ đây, du khách cũng có thể dễ dàng ghé thăm chợ Đêm Đà Lạt, quảng trường Lâm Viên, nhà thờ Con Gà, Dinh II Bảo Đại. Ngoài ra khách sạn Dalat Palace chỉ cách Thung Lũng Tình Yêu 6,3km, cách Thiền Viện Trúc Lâm 4,5km,...

TSTtourist-dalat-palace-khach-san-lau-doi-bac-nhat-thanh-pho-ngan-hoa-8Nơi đây là địa điểm check-in vừa cổ kính vừa sang trọng mà du khách không thể bỏ qua...

Kể từ năm 2014, Dalat Palace Hotel đổi tên thành Dalat Palace Heritage Hotel, do Tập đoàn Hoàn Cầu sở hữu và quản lý. Hiện nay, Dalat Palace Heritage Hotel có 73 phòng, với 43 phòng từ thiết kế nguyên bản và 30 phòng từ khu tôn tạo mới.

Đến khách sạn Palace hành khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt hảo mà còn được chìm đắm trong không gian sang trọng của những căn phòng hạng cao cấp. Mỗi loại phòng tại Dalat Palace Hotel có một phong cách riêng. Hơn nữa với nét đẹp cổ xưa đã mang đến một cảm giác ấm áp, quen thuộc cho hành khách.

Để phù hợp với đa dạng tiêu chí nhu cầu của khách hàng, khách sạn đã thiết kế các phòng theo nhiều phong cách khác nhau như: Phòng Superio, Luxury, Suite, Club,...Mỗi phòng đều là một không gian khác biệt, từ diện tích, hướng nhìn, màu sắc, cơ sở hạ tầng,...

TSTtourist-dalat-palace-khach-san-lau-doi-bac-nhat-thanh-pho-ngan-hoa-9

Kiệt tác giao thoa giữa cổ điển và hiện đại

Được xây dựng năm 1922 nhằm đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của tầng lớp thượng lưu Sài Gòn thời bấy giờ. Khách sạn ban đầu có tên gọi là Langbian Palace, 43 phòng của khách sạn được trang trí lộng lẫy với những tiện nghi 5 sao, thiết bị cao cấp, mang đến một không gian ấm cúng và sang trọng theo phong cách thuộc địa Pháp.

Tháng 12 năm 2017, Dalat Palace Convention được khánh thành như một kiệt tác giao thoa giữa cổ điển và hiện đại. Dalat Palace Convention bao gồm 30 phòng nghỉ sang trọng với kiến trúc Pháp thuộc cổ điển, mang đậm dấu ấn của một thời vàng son đã qua, cùng đầy đủ trang bị tiện nghi bậc nhất. Toàn bộ công trình được thiết kế với không gian sang trọng theo phong cách bán cổ điển, gam màu nhu, tao nhã.

Nổi bật nhất ở Dalat Palace Convention phải kể đến trung tâm hội nghị đẳng cấp quốc tế có sức chứa lên đến 1000 khách với hệ thống âm thanh ánh sáng và màn hình LED tối tân nhất.

Dalat Palace Convention luôn chú trọng đến từng chi tiết của mỗi sự kiện, không ngừng nỗ lực cung cấp các dịch vụ đa dạng với hệ thống âm thanh, ánh sáng, trang thiết bị hiện đại, màn hình Led công nghệ mới nhất tại Việt Nam…

Dalat Palace Convention sẽ giúp tăng thêm độ uy tín và tin tưởng của khách hàng thông qua sự chỉnh chu và hoàn hảo của mỗi sự kiện, ghi dấu sự chuyên nghiệp vượt trội của một trung tâm hội nghị hàng đầu Việt Nam. Đây chính là lựa chọn lý tưởng cho những cuộc gặp gỡ tất niên, dạ tiệc tối hay những sự kiện văn hóa, giải trí đặc biệt của giới thượng lưu.

Chính nhờ uy tín, chất lượng, liên tiếp hai năm 2018, 2019, Dalat Palace được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chứng nhận danh hiệu “top 10” khách sạn 5 sao tốt nhất Việt Nam.

Đầu năm 2022, Khách sạn Dalat Palace vinh dự là một trong 5 khách sạn đại diện cho Việt Nam được trao giải thưởng ASEAN MICE Venue Standard. Đây là giải thưởng tôn vinh và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp, sản phẩm và dịch vụ du lịch chất lượng cao trong khu vực, đánh dấu cho sự phát triển vượt bậc trong tương lai của Dalat Palace, góp phần cho sự phát triển du lịch Việt Nam và tự hào khẳng định thương hiệu khách sạn Việt trên bản đồ du lịch quốc tế.

(Nguồn: Xuân Linh, VTC News, Thứ tư, 13/04/2022, 13:22 (GMT+7))