Englishen

Đà Lạt và hai loài hoa nhung nhớ

Thứ hai, 18/04/2022, 09:16 GMT+7
Đà Lạt được mệnh danh là “thành phố hoa”, “thành phố ngàn thông”. Bên những con đường quanh co lên xuống, men theo những hồ nước, cả nội thành và ngoại thành đều có rất nhiều các loại hoa. Trong đó, hoa mai anh đào và hoa phượng tím được cho là loài hoa gây nhớ. Nếu như mùa mai anh đào nở đã qua, thì những ngày này phượng tím vẫn nở trên những con phố Đà Lạt mộng mơ.
TSTtourist-da-lat-va-hai-loai-hoa-nhung-nho-1Hoa mai anh đào.
Độc đáo hoa mai anh đào

Thường thì mai anh đào Đà Lạt nở rộ khoảng tháng 1 tháng 2 hàng năm. Đây cũng là mùa Đà Lạt, đẹp nhất trong năm. Mai anh đào nở từ trước Tết Nguyên đán rồi kéo dài hơn cả tháng sau Tết, đem màu hồng tươi tắn đến cho thành phố trên cao nguyên.

Nhưng cũng không nhiều người biết “gốc gác” của loài hoa này. Thực ra, nó cũng chỉ mới có ở Đà Lạt chưa tới trăm năm. Nhưng tới nay, ước chừng có tới 80.000 gốc mai anh đào ở dọc theo các cung đường của Đà Lạt. Tới hồ Tuyền Lâm, dốc Đa Quý, đèo Tà Nung, bên hồ Xuân Hương... cứ đến mùa là mai anh đào lại đua nhau khoe sắc.

Mai anh đào Đà Lạt là giống cây bản địa hay được di thực từ một nơi khác đến, vẫn là câu hỏi đến nay chưa có câu trả lời thuyết phục. Tuy nhiên, do vẻ đẹp lộng lẫy của nó, vào khoảng năm 2009 người ta đã lập dự án tạo dựng một không gian mai anh đào kiểu mẫu ở khu du lịch hồ Tuyền Lâm. Cùng đó, những gốc mai anh đào cổ thụ đuợc bứng gốc từ rừng đưa về trồng ven hồ Xuân Hương - trái tim của Đà Lạt - và trên một vài trục đường chính ở khu vực trung tâm thành phố. Không chỉ người dân Phố Núi bị thuyết phục mà người khắp nơi đến Đà Lạt mùa mai anh đào nở cũng ngất ngây.

Mai anh đào Đà Lạt thân có dáng đào mận, nhưng hoa lại thuộc hoa đơn 5 cánh giống như hoa mai. Nó không phải mai cũng chẳng phải đào, nên người ta đã gọi chúng là “mai anh đào”, loài hoa riêng có của Đà Lạt. Có tài liệu cho rằng, mai anh đào Đà Lạt có nguồn gốc từ một loài cây hoang dại sống ở vùng núi cao của Nhật Bản. Vào trước những năm 60, các nhà nông học miền Nam đã liên hệ với cơ quan di truyền Nhật Bản để mang giống cây này về và trồng ở nam Tây Nguyên. Nhưng theo cố kỹ sư nông học Lương Văn Sáu (sinh năm 1942, quê quán: Tịnh Biên, Châu Đốc, An Giang, tốt nghiệp trường Canh nông Versailles, Pháp), một chuyên gia về hoa và lịch sử hoa Đà Lạt, thì mai anh đào Đà Lạt là giống cây bản địa. Ông từng là hội viên Hội hoa hồng nước Pháp, là một trong những người đầu tiên thiết lập nên Công viên hoa Đà Lạt (Vườn hoa Đà Lạt ngày nay).

Tác giả Nguyễn Hữu Tranh trong “Đà Lạt ABC”, cũng khẳng định mai anh đào hiện có mặt ở Đà Lạt là giống cây bản địa và cũng chỉ ở Đà Lạt mới có giống cây “vừa mai, vừa đào” này. Tài liệu cũng cho biết từ năm 1935, người ta đã đem những cây hoa này tại một khu rừng gần ấp Tân Lạc về trồng dọc theo các con phố trung tâm Đà Lạt; cụ thể là từ cầu Ông Đạo lên rạp hát Hòa Bình và rạp chiếu bóng Ngọc Lan...

Những bậc cao niên của Đà Lạt cũng cho rằng trong những năm 60 của thế kỷ XX, trong một khu rừng rộng gần thác Cam Ly cũng có một cánh rừng hoa mà người dân địa phương thường gọi nó là “mai anh đào”. Trong khu rừng đó có những cây mai anh đào thân cũng mốc meo, xù xì, mùa đông trút lá và đơm hoa vào cuối đông, đầu xuân.

Lai lịch của loài hoa phượng tím

Còn loài hoa phượng tím Đà Lạt, nó cũng có “lai lịch” khá đặc biệt.

Không gây tranh cãi về nguồn gốc như mai anh đào, tài liệu còn lưu lại cho biết, phượng tím có ở Đà Lạt từ năm 1962, do kỹ sư nông học Lương Văn Sáu di thực từ châu Âu đem về trồng tại Đà Lạt.

TSTtourist-da-lat-va-hai-loai-hoa-nhung-nho-2Hoa phượng tím.
Hoa phượng tím còn có tên khoa học là Jacaranda Mimosifolia, tán rộng, thân cao từ 10-15m, có nguồn gốc từ Nam Mỹ, được người châu Âu ưa thích. Nhưng đáng tiếc, khi về đến Việt Nam, phượng tím chỉ có thể ra hoa mà không đậu quả.

Với người Việt Nam, sắc tím bao giờ cũng tượng trưng cho sự thơ mộng, lãng mạn, nhẹ nhàng và đức thủy chung. Vì thế, với màu tím phớt, hoa phượng tím Đà Lạt được coi là biểu tượng của tình yêu lứa đôi.

Điểm rất độc đáo ở Đà Lạt là khi những cánh hoa mai anh đào ngọt ngào phớt hồng cuối cùng rơi xuống thì cũng là thời điểm mà những cánh hoa phượng tím khoe sắc. Từ tháng 3 đến cuối tháng 4 là lúc phượng tím nở rợp trời. Không gian thơ mộng bởi mai anh đào lại tiếp tục thơ mộng bởi phượng tím. Người ta nói rằng, mai anh đào đem đến tình yêu nồng nàn thì phượng tím tiếp nối để gợi sự nhớ nhung, nỗi niềm xa xăm của đôi lứa khi phải xa nhau.

Trong Thần thoại Hy Lạp, tháng 4 là tháng của Nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp. Phải chăng thế mà phượng tím nở vào dịp này trên thành phố tuyệt đẹp của cao nguyên Lang Biang?

Kỹ sư nông học Lương Văn Sáu được cho là người đã gieo trồng 4 cây phượng tím đầu tiên ở Đà Lạt. Một cây bên hồ Xuân Hương, một cây ngay bên đường Nguyễn Minh Khai, hai cây còn lại được trồng ở Công viên Đà Lạt. Hiện nay, công nghệ sinh học phát triển nên hoa phượng tím Đà Lạt được nhân giống và trồng rất nhiều, đã có những con đường hoa phượng tím.

Hoa phượng tím Đà Lạt không rực rỡ như mai anh đào, cũng không vàng ươm như hoa dã quỳ. Màu tím của nó khiến tâm hồn dịu lại. Những ngày này tới Đà Lạt, muốn ngắm tận mắt những cây hoa phượng tím, du khách không cần tìm đâu xa vì chúng có ở trên những con dốc quanh co, đó là đường Trần Phú, Lê Đại Hành, Lê Hồng Phong, xung quanh hồ Xuân Hương... Hoa bung nở tạo ra một khung trời tím, khung trời thơ mộng và khung trời của nhớ nhung.

Mai anh đào và phượng tím dù nguồn gốc bản địa hay di thực từ nước ngoài đến, thì tới nay nó đã có vị trí đặc biệt trong muôn vàn loài hoa ở Đà Lạt. Nghĩ về hai loại hoa này, lại nhớ đến kỹ sư nông học Lương Văn Sáu, con người tài hoa nhưng cuối đời bệnh tật, ông sống trong câm lặng. Mọi việc trao đổi qua bút giấy, nhưng ông vẫn miệt mài nghiên cứu nhân giống các loài cây thân gỗ… Ông ra đi trong lặng lẽ nhưng để lại gia tài vô giá là những giống cây quý và lạ cho Đà Lạt, trong đó có loài hoa phượng tím.
(Nguồn: AN HÀ, Đại Đoàn Kết, 07:13, 18/04/2022)