Englishen

Cuối tuần đi hái vải ở Bắc Giang

Thứ sáu, 08/07/2022, 14:11 GMT+7

Nếu là người thích ăn vải, đừng bỏ qua trải nghiệm check-in ngay tại vườn, đang vào mùa trĩu quả ở Lục Ngạn.

Nguyễn Thị Yến (Yến Vi Vu), sinh năm 1999, người Bắc Giang, hiện sống và làm việc tại Hà Nội. Cô về thăm quê đúng mùa vải vào đầu tháng 7 để có những bức hình check-in đẹp. Yến và hai người bạn tới Lục Ngạn bằng xe máy từ Hà Nội, đi hết khoảng 3,5 tiếng.

Theo Yến đây là trải nghiệm thích hợp vào cuối tuần, có thể đi và về trong ngày. Yến tư vấn, hành trình di chuyển từ Hà Nội tới Bắc Giang theo hướng cầu Thanh Trì, cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, đường 293 Tây Yên Tử rẽ vào Lục Nam để tới Lục Ngạn. Lưu ý, đoạn đường Lục Nam sang Lục Ngạn khá nhỏ và xấu, nhiều xe tải nên cần di chuyển chậm và cẩn thận.

Vải thiều là cây trồng chủ lực của tỉnh Bắc Giang, đang vào mùa trĩu quả, thu hoạch đem bán. Đến huyện Lục Ngạn, du khách có thể dễ dàng thấy những đồi vải trập trùng, quy hoạch gọn gàng. Ở Lục Ngạn hiện tại chưa khai thác rõ ràng dịch vụ check-in vườn vải. Yến được giới thiệu và dẫn tới tham quan đồi vải của người chủ tên Hiếu ở thôn Muối, xã Giáp Sơn, miễn phí check-in.

Trong ký ức của một người con Bắc Giang, Yến nhớ hồi xưa đi cứ vài bước chân lại thấy một cây vải. "Tuy vậy, giờ nông thôn mới, nhà cửa sửa sang, cây vải cũng bị bỏ đi bớt rồi", Yến nói.

Nhìn từ xa khó thấy rõ màu đỏ của vải đang chín mọng, song khi đứng sát hơn, những chấm đỏ dần xuất hiện xen giữa màu xanh của lá. "Mình đứng trên đỉnh đồi này nhìn sang đồi bên kia cũng toàn vải là vải. Xa xa chỉ là màu xanh của lá thôi, không thấy đỏ lắm. Đến gần mới thấy rõ màu đỏ. Và mình không nghĩ vải lên hình lại đẹp và bắt mắt như thế!", Yến nhận xét. Cây vải thiều cao khoảng 10-15 m, tán hình mâm xôi.

Yến hào hứng khi leo lên đồi, trầm trồ khi thấy những cành vải đỏ nặng trĩu. Chủ vườn phải lấy gậy để chống lên, nếu không quả vải chạm đất sẽ bị thối, hỏng.

Vải là loại quả mà Yến yêu thích nhưng không dám ăn nhiều vì hồi bé "ăn nhiều quá nên nổi mẩn đỏ cả người". Lần khác, Yến ăn vải lúc đói, lượng đường cơ thể tăng cao đột ngột nên bị choáng, chóng mặt. Từ đó, cô chỉ ăn vải sau bữa ăn, với số lượng vừa phải, song đây là loại quả đặc trưng của quê hương nên Yến vẫn dành tình cảm đặc biệt.

Yến chia sẻ một số kinh nghiệm check-in vườn vải:

- Liên hệ trước với chủ vườn để sắp xếp thời gian tham quan.

- Nên đến vào buổi sáng, trời còn mát và sương còn đọng trên lá.

- Nếu tham quan buổi chiều, nên mang theo mũ đội tránh nắng.

- Nên mang theo nước uống vì leo đồi vải dễ mệt, và "ăn vải ngọt xong uống nước mát rất đã".

Thời điểm hợp lý nhất để tham quan mùa vải là buổi sáng, ngoài chiêm ngưỡng cảnh đẹp trong vườn, bạn có thể bắt gặp cảnh họp chợ, các thương lái từ mọi nơi đổ về mua vải và người dân chở quả ra chào hàng. Nếu muốn trải nghiệm đặc biệt hơn, du khách có thể đến từ tối hôm trước và ngủ lại, đến 1-2h sáng dậy để cùng người dân đi thu hoạch.

"Đêm ở đây vào mùa vải thì cũng sáng như ban ngày. Nào thì bóng đèn, đèn pin, đủ các thiết bị chiếu sáng phục vụ cho công tác thu hoạch. Mình cũng muốn thử trải nghiệm nhưng thời gian không cho phép, mùa vải năm sau sẽ quay lại", Yến chia sẻ.

"Kinh nghiệm là cứ chỗ nào sai quả hoặc có một hàng cây làm đường dẫn thì đứng đó, cười thật tươi, cầm thêm túm vải là sẽ có ảnh đẹp", Yến cười và chia sẻ. Du khách nên mặc quần áo gọn gàng. Lưu ý không tự ý hái vải khi chưa được chủ vườn cho phép. Không leo trèo, tạo dáng phản cảm, tránh làm gãy cành cây.

Thưởng thức vải tại vườn thú vị và "ngon" hơn ăn quả mua từ siêu thị. Quả vải tươi hơn, căng mọng hơn dù vị ngọt vẫn như vậy. Tuy nhiên, cái hay là có thể bóc vỏ và cắn ngập miếng khi quả vẫn theo trên cành. "Tuy nhiên, sau đó mình vẫn sẽ hái cành đó xuống để thưởng thức nốt và tránh gây mất mỹ quan", Yến chia sẻ.

Mùa vải đến và trôi qua nhanh, chỉ khoảng 2-3 tuần. Do đó, bạn phải tranh thủ thời gian, đến Lục Ngạn tham quan sớm. "Mình cập nhật thông tin liên tục từ giữa tháng 6 mà thời điểm đầu tháng 7 thì nửa đồi vải đã được thu hoạch", Yến nói. Đến gần cuối tháng 7, mùa vải sẽ kết thúc.

Bạn có thể mua vải tại vườn, song các vườn thường không bán lẻ, chỉ bán theo số lượng lớn. Loại đẹp giá trên 20.000 đồng một kg, loại thường thì trên 10.000 đồng một kg. Đến cuối vụ, giá vải sẽ tăng. Nếu quý mến, chủ nhà sẽ mời bạn ăn vải tại vườn, thậm chí tặng 1-2 túm vải mang về.

"Mình nhớ có năm được mùa, người ta còn cho nhau vải, không thèm đem đi bán, vì bán cũng không ai mua, hoặc bán với giá quá rẻ chẳng được bao nhiêu. Với mình, vải thiều trở thành một thứ quá quen thuộc", Yến chia sẻ.

(Nguồn: Trung Nghĩa (Ảnh: Yến Vi Vu, Trịnh Quý Long), VN Express, Thứ sáu, 8/7/2022, 11:26 (GMT+7))