Englishen

Chiêm ngưỡng ngôi chùa có tượng Phật nằm lớn nhất Việt Nam

Thứ năm, 23/02/2023, 09:09 GMT+7

Chùa Som Rong (phường 5, TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) không những nổi tiếng vì có tượng Phật nằm lớn nhất Việt Nam; nơi đây còn khiến nhiều du khách tò mò khi sở hữu cặp đá nặng 4,2kg nổi được trên mặt nước.

Sóc Trăng được biết đến là một vùng đất có rất nhiều ngôi chùa của đồng bào dân tộc Khmer. Chùa là nơi sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng của bà con đồng bào Khmer, đồng thời là điểm đến không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước trong hành trình khám phá vùng này.

Trong số những ngôi đó, không thể không nhắc tới Chùa Som Rong. Chùa Som Rong (có tên gọi khác là chùa Bôtum Vong Sa Som Rong) có diện tích khoảng 5ha bao gồm các công trình như: chánh điện, sala, nhà dành cho sư sãi, thư viện sách với hơn 1.500 quyển, phục vụ cho các em học sinh, người dân và bà con Phật tử tại địa phương.

Toàn bộ chánh điện được nâng đỡ bởi 06 hàng trụ cột, với tầng mái được kết cấu khá đặc biệt gồm 3 hệ thống mái chồng lên nhau theo một khoảng cách nhất định. Ở mỗi gốc của tầng mái được trang trí hình tượng rồng của đồng bào Khmer.

Thượng tọa Lý Đức, trụ trì Chùa Som Rong cho biết: Chùa được xây dựng năm 1785, đã trải qua 12 đời trụ trì. Ban đầu ngôi chùa chỉ bằng tre lá tạm bợ, sau nhiều lần trùng tu đã khang trang như hiện nay. Về tên chùa, trước đây có rất nhiều cây dại có tên gọi là cây Som Rong mọc quanh chùa, từ đó chùa được gọi là chùa Som Rong.

Chùa Som Rong được xây dựng theo kiểu kiến trúc giống như các chùa Khmer khác. Bước vào chùa, du khách đã ấn tượng bởi kiến trúc độc đáo của cổng chùa được trang trí hoa văn với nhiều biểu tượng văn hóa Khmer như rắn thần Naga, chim thần Krud, hoa văn truyền thống… được phủ nhũ vàng.  Phía trên cổng có 5 ngọn tháp, là biểu tượng của núi Meru (tức núi Tu-di), nơi năm vị Phật ở vị lai sẽ thành đạo theo quan niệm Phật giáo và cũng là nơi năm vị thần thường an ngự theo học thuyết Bà-la-môn giáo.

Nét độc đáo ở ngôi bảo tháp của chùa chính là màu sơn, thay vì màu vàng truyền thống thì tháp được sơn bằng màu xám, vừa toát lên vẻ hiện đại lại vừa uy nghi, cổ kính như những kiến trúc bằng đá nguyên khối. Công trình kiến trúc bảo tháp đã trở thành một trong những điểm nhấn độc đáo của chùa Som Rong so với những ngôi chùa Khmer khác trong tỉnh, cũng như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bởi lối kiến trúc và quy mô.

Khuôn viên chùa được chia thành nhiều khu vực khác nhau, nổi bật nhất là ngôi bảo tháp được đặt ngay lối đi vào chùa và song song với ngôi chánh điện. Ngôi bảo tháp có bốn hướng và có bốn lối đi, là đại diện của từ, bi, hỷ, xả. Dọc hai bên lối dẫn lên bảo tháp được trang trí hình tượng rắn thần Naga và mô típ các hoa văn Khmer cổ được chạm khắc rất tinh tế, sắc sảo.

Đặc biệt trong khuôn viên chùa có Tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn với kích thước dài 63 mét, cao 22,5 mét, đặt trên cao khoảng 28 mét so với mặt đất. Tượng được khởi công xây dựng từ tháng 10/2017, đến nay cơ bản đã hoàn thành và đang được nhà chùa tiếp tục hoàn thiện. Tượng có hai màu chủ đạo là trắng và xanh nhạt, tạo nên sự trong trẻo và rất nhã nhặn. Bên dưới là những gian rộng lớn, dự kiến làm nơi sinh hoạt, hội họp, học tập cho hàng trăm tăng sinh.

Đến từ Hà Nội, anh Nguyễn Trí Sơn, cho biết: “Tôi đi du lịch đã nhiều nơi trong nước và cũng đã nghe nói về ngôi chùa này. Khi đến đây, tôi rất ấn tượng bởi vẻ đẹp độc đáo về kiến trúc của chùa; trong đó, điểm nhấn là pho tượng Phật nhập niết bàn được xem là lớn nhất Việt Nam. Thật tuyệt vời với bàn tay khéo léo, tài hoa của các nghệ nhân”.

Đặc biệt trong khuôn viên chùa có Tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn uy nghiêm phúc hậu, được xem là một trong những tượng Phật nằm lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Chị Lê Ngọc Thi (tỉnh An Giang) chia sẻ: “Đây là pho tượng lớn nhất và rất đẹp mà lần đầu tiên tôi được tận mắt chiêm ngưỡng. Nghe đã ấn tượng nhưng đến khi tận mắt chiêm ngưỡng càng ấn tượng hơn. Nhìn từ xa đã thấy pho tượng Phật lớn nằm giữa khoảng trời trong xanh. Khi bước lên đến gần bên pho tượng, tôi bị choáng ngộp bởi sự đồ sộ, tráng lệ của tượng và sắc thái được thể hiện qua từng đường nét khéo léo, thể hiện vẻ mặt uy nghiêm nhưng lại vô cùng hiền từ”.

Đến chùa Som Rong, du khách không chỉ được ngắm vẻ đẹp của lối kiến trúc độc đáo và pho tượng Phật nhập niết bàn lớn nhất Việt Nam mà còn được chiêm ngưỡng hai hòn đá nổi được trên mặt nước, được đặt trang trọng dưới bàn thờ Phật tại gian Sala.

Những công trình kiến trúc bên trong chùa được kết hợp hài hòa, tạo sự liên kết chặt chẽ phát huy bản chất vốn có của nơi mà đời sống phật tử như hòa hợp, gắn kết, phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh tín ngưỡng của dân tộc.

Theo quan sát, hai hòn đá tuy kích thước khác nhau, hòn lớn hòn nhỏ nhưng trọng lượng đều nặng 4,2kg mỗi hòn. Hai hòn đá có hình dạng khác nhau nhưng đều có màu nâu sẫm, trên bề mặt đá không nhẵn mà có rất nhiều lỗ nhỏ li ti trải khắp bề mặt như một miếng xốp.

Nghe giới thiệu hai hòn đá này nổi được trên mặt nước, nhiều du khách đã thử bằng cách dùng tay đè mạnh cho hòn đá chìm sâu xuống đáy thùng nước do nhà chùa đặt sẵn, khi vừa buông tay, những hòn đá này lại từ từ nổi lên trên mặt nước như một miếng xốp.

Cặp đá được trưng bày trang trọng tại chùa.

Theo Thượng tọa Lý Đức, trụ trì Chùa Som Rong, cặp đá này được ông thỉnh từ Campuchia về từ năm 2018. Lúc đó, Thượng tọa Lý Đức đang ở Xiêm Riệp (Campuchia) thì có người phụ nữ Campuchia cho biết bà đang sở hữu một cặp đá rất lạ là không bao giờ chìm trong nước. Nghe xong, Thượng tọa tìm đến nơi xem và hỏi mua nhưng bà này nói không bán mà sẽ cúng dường cho nhà chùa. Ngay lập tức, Thượng tọa Lý Đức quyết định thỉnh hai hòn đá đó về đặt trang trọng giữa ngôi Sala. 

Khi phóng viên hỏi về thông tin đá nổi trong nước, Thượng tọa Lý Đức xác nhận là đúng và cho phóng viên kiểm chứng bằng việc tự thay Thượng tọa bê một hòn đặt vào một thùng nước, nhấn mạnh xuống tận đáy rồi buông tay thì ngay lập tức hòn đá từ từ nổi lên trên mặt nước. Làm đi làm lại mấy lần vẫn vậy, hòn đá không thể chìm.
(Nguồn: Xuân Lương - Hồng Thắm, Kinh tế đô thị, 08:45, 23/02/2023))