Englishen

Chàng trai Pháp cảm nhận cảnh sắc Việt bằng âm nhạc

Thứ tư, 20/10/2021, 08:26 GMT+7

Khi nhớ về Việt Nam, François Bibonne liên tưởng đến âm thanh của xe máy, tiếng ồn ào của quán ăn, tiếng đàn bầu và thanh âm của tiếng Việt.

François Bibonne, sinh năm 1995, sống tại Pháp, mang hai dòng máu Pháp - Việt. Từ bé, anh đã hay được bà nội, một phụ nữ Việt, kể về đất nước Việt Nam, về con người, thiên nhiên và văn hóa hoàn toàn khác biệt với Pháp. Lớn lên trong những câu chuyện của bà, song anh chưa có cơ hội ghé thăm mảnh đất này. Khi bà qua đời cách đây 3 năm, François có chuyến đi tới Việt Nam với gia đình và phải lòng nơi đây. Bởi vậy, khi quay lại Việt Nam lần nữa vào tháng 2/2020, anh quyết định thực hiện một bộ phim tài liệu kể câu chuyện về Việt Nam bằng góc nhìn của mình thông qua âm nhạc cổ điển.

TSTtourist-chang-trai-phap-cam-nhan-canh-sac-viet-bang-am-nhac

Bộ phim ghi lại hành trình của anh tới nhiều tỉnh thành Việt Nam để khám phá nền âm nhạc cổ điển. Hành trình này khiến anh nhớ về người bà của mình, cũng như cảm nhận vẻ đẹp văn hóa và thiên nhiên của Việt Nam. Anh từng hoài nghi "Không biết tại Việt Nam có nhạc cổ điển không, có dàn nhạc không?", song anh thực sự choáng ngợp khi khám phá những nhà hát lớn tại Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM. Từ những nhà hát hoành tráng, máy quay tiếp tục theo bước chân anh về các miền quê để tìm hiểu cả về âm nhạc dân gian. Một người chơi ca trù từng nói với anh rằng, âm nhạc truyền thống Việt Nam và âm nhạc cổ điển phương Tây giống như âm và dương.

Là một chuyên gia âm nhạc, anh cảm nhận cảnh sắc, con người, hay nói đúng hơn là du lịch Việt Nam bằng âm thanh. "Âm thanh luôn chuyển động vì nó được tạo ra khi các vật dao động. Trong âm nhạc, đó là khi ta cất tiếng hát, hay khi ta chơi đàn. Trong cuộc sống, đó là âm thanh của khí hậu, con người, thành phố, xã hội, ngôn ngữ hay thậm chí là giao thông. Tất cả đều chuyển động và âm nhạc phản ánh các bản sắc văn hóa thú vị. Tôi cảm nhận được một Việt Nam đặc trưng qua âm thanh", François cho biết.

Trở về Pháp, khi nghĩ tới Việt Nam, anh nhớ lại tiếng xe máy, tiếng ồn ào của quán ăn nơi anh từng gọi mì. Anh cũng mê mẩn tiếng đàn bầu và thanh âm của tiếng Việt. "Âm thanh khiến tôi cảm nhận được nhịp điệu của đất nước, nhịp đập của cảnh quan. Chúng ta thường biết đến các thành phố lớn của Việt Nam qua tiếng ồn ào xe máy, còn vùng nông thôn lại là sự tĩnh lặng, bình yên. Âm nhạc giúp tôi khám phá Việt Nam với sự tương phản đó, liên kết các thành phố và nông thôn với nhau trong cùng một giai điệu, cho ta thấy sự sôi nổi của xã hội Việt Nam kết hợp với sự dịu dàng".

TSTtourist-chang-trai-phap-cam-nhan-canh-sac-viet-bang-am-nhac-2

Poster cho bộ phim tài liệu của François do Đặng Tuấn thiết kế nhận được nhiều lời khen của cộng đồng mạng nhờ sự sáng tạo. Người tài trợ cho poster này là Thomas Bo Pedersen, yêu ý tưởng của bộ phim kể từ lần đầu François giới thiệu về nó.

Khám phá Việt Nam, François luôn cảm thấy mình như đang sống trong một bộ phim. Anh cho rằng, cảnh sắc Việt Nam mang đậm tính điện ảnh. Cuộc phiêu lưu để quay phim của François dừng tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Yên Bái, Nam Định, TP HCM và Hà Nội. Trong số những điểm mình đã đến, anh thích nhất rừng tre tại Mù Căng Chải. "Cảnh quan giống như phép thuật. Khi ánh sáng tắt, cây tre hóa thành màu cam và tôi như đặt chân đến một vũ trụ khác. Đây là một trong những ấn tượng mạnh nhất khi tôi ở Việt Nam và trong suốt cả cuộc đời mình. Rừng tre còn được bao quanh giữa những ngọn núi, rất tâm linh". François chia sẻ.

Trong chuyến đi đến Bắc Giang, François đến thăm một ngôi làng nhỏ mà anh không nhớ chính xác tên, nơi những người nông dân chơi vĩ cầm. Ngôi làng có những con đường nhỏ trải rơm trên mặt đất và những bức tường gạch hai bên mà như anh mô tả, rất dễ thương. Chuyến đi đến Nam Định cũng gây ấn tượng mạnh với anh khi có nhiều nhà thờ đẹp, hoành tráng ở khắp nơi. Anh có thể thấy chúng từ xa, hiện lên huyền bí giữa lớp sương mù.

François cho biết, du lịch Việt Nam nên tập trung phát triển quảng bá âm nhạc truyền thống nhiều hơn do chúng có những nét rất riêng và đặc biệt. Anh lo ngại rằng người làm du lịch sẽ muốn làm cho du khách phương Tây thoải mái và nghệ sĩ Việt Nam sẽ sử dụng hòa âm của Tây phương để người nước ngoài có thể dễ dàng cảm nhận giai điệu hơn. Anh hy vọng, du lịch sẽ phát triển cùng âm nhạc, thích ứng cùng âm nhạc truyền thống, chứ không biến đổi nó.

Trong tương lai, anh muốn quay trở lại Việt Nam để du lịch Côn Đảo để thăm phòng trưng bày lưu niệm nhạc sĩ Camille Saint Saens tại Di tích Nhà công quán. François cũng muốn thăm Đà Lạt và tìm hiểu âm nhạc cồng chiêng của vùng núi cao nguyên. "Ngoài ra tôi cũng muốn quay thêm dàn nhạc ở Sài Gòn và lặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tôi biết rằng để đến thăm mọi thứ, có lẽ sẽ phải mất 100 lần chết đi sống lại", anh đùa.

Hiện tại, bộ phim tài liệu "Once upon a bridge in Vietnam" về Việt Nam thông qua âm nhạc cổ điển đang được François hoàn tất những bước cuối cùng để ra mắt vào cuối năm nay. Vốn của bộ phim được thực hiện bằng việc kêu gọi quỹ và 10% giá trị của chiến dịch gây quỹ sẽ được đóng góp vào hoạt động trồng tre gây rừng ở Yên Bái.

(Nguồn: Trung Nghĩa, VnExpress, Thứ tư, 20/10/2021, 06:15 (GMT+7))