Englishen

Các làng nghề ven biển miền Trung

Thứ hai, 22/11/2021, 14:12 GMT+7

9x Lê Hoàng Mến tìm hiểu các làng nghề từ đánh cá ở phá Tam Giang, hấp cá Quy Nhơn hay làm muối Sa Huỳnh.

Làng nghề đánh cá thôn Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế. Đầm Quảng Lợi thuộc phá Tam Giang, nơi diễn ra các hoạt động đánh bắt và họp chợ vào lúc rạng đông.

1_56

Bức ảnh nằm trong bộ ảnh “Sắc màu các làng nghề ven biển miền Trung” của Lê Hoàng Mến (29 tuổi), quê ở Đồng Nai, hiện làm việc tại một công ty truyền thông ở TP HCM. Mến đến với nhiếp ảnh từ năm 2013, đặc biệt mê chụp ảnh nhịp sống đời thường, làng nghề dọc các tỉnh ven biển miền Trung. Hiện Mến đã chụp được 11 bộ ảnh làng nghề truyền thống tại Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên và Quảng Ngãi.

 

2_53

Người dân vạn đò coi ghe thuyền vừa là nhà ở, vừa là phương tiện sinh sống. Nhờ sự giao thương, buôn bán thuận lợi nên cuộc sống ở Ngư Mỹ Thạnh ngày một khá hơn. Người dân mong được thuận canh, thuận cư để lên bờ nhưng vẫn có thể duy trì được nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản.

 

4_37

Chợ cá thôn Hà Lộc, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, cách TP Tam Kỳ khoảng 15 km thường hoạt động nửa đêm về sáng, nhộn nhịp trong hơn 15 năm qua. Chợ được xem là vựa cung cấp hải sản cho Quảng Nam và các tỉnh lân cận.

 

4_38

Trời vừa hửng sáng là tấp nập thuyền đánh cá cập bến, việc mua bán hải sản diễn ra ngay trên bãi biển với đủ các loại cá, mực trứng, tôm, cua, ghẹ tươi ngon. Mỗi thuyền đánh cá có khoảng 3-4 người và sau một chuyến ra khơi đánh bắt sau khi trừ các chi phí thu được 5-6 triệu đồng.

 

5_30

Phú Yên có nhiều làng nghề truyền thống ven biển như chế biển hải sản, nước mắm, dệt chiếu, làm bánh tráng hay làm thúng chai...Trong ảnh là công đoạn bủa lưới vây kéo cá cơm tại ở Hòn Yến thuộc thôn Nhơn Hội, An Hòa, Tuy An, nhìn từ trên cao lưới bung như “bông hoa tỏa tròn”.

 

6_26

“Trong lúc đi chụp dải ngân hà cùng các anh em ở Hòn Yến thì bắt gặp được cảnh lò hấp cá cơm đang hoạt động, lúc đó là khoảng gần nửa đêm, tôi thấy người dân đang hấp cá và xin vào đó để chụp lại các khoảnh khắc. Bộ ảnh mang đến cho tôi nhiều trải nghiệm thú vị, có nhiều kỷ niệm đẹp, người Phú Yên mến khách”, Mến chia sẻ.

 

7_28

Các công đoạn đánh bắt và chế biến cá cơm cực nhọc nhưng người dân cố gắng giữ được nghề truyền thống này. Cá sau khi lên bờ được đưa đến các lò hấp sấy thủ công để sơ chế qua ba giai đoạn là lựa, hấp và phơi. Mỗi lò sấy giải quyết việc làm cho trên 20 lao động. Cá sau khi sơ chế được các thương lái, doanh nghiệp trong ngoài tỉnh mua để chế biến xuất khẩu. Ngoài ra còn dùng cá cơm để làm nước mắm.

Các bức ảnh trong lò hấp cá thuộc bộ ảnh “Phú Yên phát triển làng nghề truyền thống ven biển” của Mến từng giành giải nhất cuộc thi ảnh Vẻ đẹp Việt Nam chủ đề Nghề truyền thống hồi tháng 5/2021 do Truyền hình nhân dân tổ chức.

 

8_21

Làng nghề hấp cá Quy Nhơn, Bình Định là một trong những làng nghề truyền thống lâu đời mang đậm dấu ấn của miền Trung. Nghề hấp cá này ra đời từ cách đây hơn nửa thế kỷ tại chợ cá nằm ven bến Hàm Tử, thường được gọi là “xóm hấp cá”.

 

9_16

Các thuyền chở cá tươi từ biển về được các lò hấp thu mua, thường là các loại như mực, cá nục, cá cơm, cá sọc dưa hay cá ngừ. Sau đó đến các công đoạn sơ chế như đánh vảy, bỏ ruột, cắt mang và xếp ngăn nắp vào các rổ tre để chờ cho vào lò hấp. Nước hấp được pha theo công thức riêng để đảm bảo vị đậm đà của cá biển. Mến nói người dân làm việc đêm khuya rất cực, đòi hòi phải có sức khỏe tốt và kiên trì với nghề.

 

10_15

Du khách đến Quảng Ngãi sẽ được trải nghiệm làng nghề làm muối Sa Huỳnh ở Phổ Thạnh, Đức Phổ, cách trung tâm thành phố 60 km. Đây là vựa muối lớn của miền Trung, có diện tích hơn 110 ha. Từ tháng 3-8 hàng năm, khung cảnh người dân tất bật làm việc dưới cái nắng gắt.

 

11_10

Công việc làm muối chủ yếu thủ công, dựa theo con nước thủy triều lên, diêm dân dẫn nước từ kênh, mương, đưa vào bọng chứa nước rồi cho vào ruộng, đợi nắng lên đủ độ kết tinh tạo thành muối. Trong ảnh là các phụ nữ thu hoạch muối mặc trang phục che kín mặt và đeo găng tay chống chọi với nắng gắt. Muối cào xong được đổ lên xe đẩy và vận chuyển đến nơi tập kết.

Vựa muối có từ thế kỷ 19, là một trong những dấu tích văn hóa còn sót lại trong không gian văn hóa Sa Huỳnh, hiện cách làm muối của diêm dân nơi đây vẫn giữ truyền thống như lúc ban sơ. Năm 2011, muối Sa Huỳnh đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận nhãn hiệu độc quyền.

 

12_6

“Bộ ảnh các làng nghề ven biển miền Trung này khắc họa vẻ đẹp muôn màu của người lao động trong nhịp sống mưu sinh, lột tả giá trị nhân văn và văn hóa người Việt. Trải nghiệm sáng tác làng nghề còn là sự kết nối yêu thương với con người tại nơi tôi đã đi qua”, Mến chia sẻ.

(Nguồn: Huỳnh Phương (Ảnh: Lê Hoàng Mến), Chủ nhật, 21/11/2021, 03:11 (GMT+7))