Englishen

Bảy Núi mùa khô

Thứ sáu, 01/04/2022, 14:52 GMT+7

Sang tháng 4, nắng vẫn gay gắt thiêu đốt đất trời và màu xanh chưa thể phủ hết những cánh đồng cát trắng ở vùng Bảy Núi. Tuy nhiên, miền đất này vẫn luôn mang những nét đặc thù riêng, dù đang trong mùa nắng cháy.

Núi Phú Cường (xã An Nông, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) thời điểm này đã bắt đầu lún phún chồi non của lá. Những cơn mưa trái mùa đến rồi đi, để lại chút xanh tươi cho khung cảnh núi rừng. Mấy tán bằng lăng rừng được tưới tắm bỗng bừng tỉnh giấc, điểm xuyết màu tím miên man vào khung cảnh khô khốc trên triền dốc xa xa.

Nheo mắt nhìn lên núi Phú Cường, ông Nguyễn Văn Hai (người dân địa phương) gật gù: “Năm nay mưa sớm, nên mùa khô đỡ khốc liệt hơn. Mấy năm trước, vào tháng này cây cối còn trụi lá, chứ không đâm đọt như bây giờ. Theo tui biết, Phú Cường là một trong những núi khô nhất ở huyện Tịnh Biên, nên cứ sau Tết Nguyên đán là người ta lại lo tới chuyện giữ rừng. Có mưa sớm, người dân cũng được nhờ vì có thể xuống giống trồng cây ngắn ngày, trước khi bước vào mùa sản xuất chính trong năm khi họ tận dụng nguồn nước trời trong thời điểm mưa già”.

TSTtourist-bay-nui-mua-kho-1Nông dân Khmer thu hoạch lúa ruộng trên giữa mùa khô ở vùng Bảy Núi

Dọc theo Tỉnh lộ 949 (đoạn từ thị trấn Tịnh Biên đến xã An Cư), những ô ruộng thấp đã bắt đầu xanh màu lá mạ. Trên những tán cây cao, tiếng ve ra rả gọi hè về mang đến cảm giác nao lòng. Về Bảy Núi mùa khô, người ta mới cảm nhận hết cái đặc thù của nơi này. Đó là sức nóng của đất trời và sức sống của con người đã gắn bó với mảnh đất anh hùng bao qua thế hệ. Giữa nắng nóng, trồi lên trên nền cát trắng là chồi xanh của những cây khoai mì công nghiệp. Đây là cây trồng đã được nông dân Tịnh Biên canh tác nhiều năm qua và cho giá trị kinh tế khá.

Không chỉ phụ thuộc vào nguồn nước trời, nông dân Tịnh Biên với sự giúp sức của các công trình thủy lợi vùng cao đã có thể trồng lúa ngay trong mùa nắng đổ. Cánh đồng ấp Vĩnh Thượng (xã An Cư) những ngày này đã nghe tiếng máy gặt đập liên hợp tất bật thu hoạch lúa ruộng trên. Vào mùa lúa, cả người lớn và trẻ em Khmer đều có mặt ngoài đồng, bởi nó mang đến cho họ niềm phấn khởi khi có cái ăn từ mảnh ruộng mà trước đây chỉ canh tác được mỗi năm vài tháng.

Nhanh tay vuốt mồ hôi trên trán, ông Chau Ty (người dân ấp Vĩnh Thượng) cười hiền khi được hỏi về giá lúa. “Tui cân lúa cho bạn hàng với mức 5.000 đồng/kg thì cũng coi là có giá. Chỉ ngặt là lúa ruộng trên không trúng như ở đồng bằng nên mình cũng đủ ăn thôi. Mỗi công kiếm được 8 - 9 bao lúa là mừng lắm rồi! Hồi trước, mùa khô ở vùng này không trồng được cây gì, nhờ có trạm bơm nên nông dân có lúa để ăn, nếu dư ra thì đem bán. Năm nay mưa sớm, nên tui tranh thủ sạ mùa tiếp theo để kiếm thêm thu nhập trong mấy tháng tới” - Chau Ty thiệt tình.

TSTtourist-bay-nui-mua-kho-2

Vào mùa khô, những nông dân như ông Chau Ty lại leo thốt nốt kiếm nước về nấu đường trong lúc nông nhàn. Với họ, mùa khô Bảy Núi dù có khắc nghiệt nhưng lại không triệt hết đường sống của con người. Gia đình nào không có đất ruộng sẽ trông chờ vào nghề nấu đường thốt nốt để có đồng vô nuôi sống gia đình. Những cây thốt nốt già nua có tuổi đời trải dài 2-3 thế hệ người, vẫn hiên ngang giữa cái nắng, cái gió, cái khô khốc của đất trời để mang đến vị ngọt cho đời.

Bên cạnh sự đặc thù của khí hậu, mùa khô ở Bảy Núi còn là mùa hành hương, mùa của hoạt động tín ngưỡng tâm linh đã làm nên sự linh thiêng cho vùng đất này. Ngoài du khách phương xa, người dân trong tỉnh cũng hay tổ chức những đoàn hành hương dài ngày đến các điểm tín ngưỡng linh thiêng ở vùng Bảy Núi. Họ thường đến các vồ, điện, động trên núi hoặc đến các chùa, miếu linh thiêng để chiêm bái, cầu mong những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Anh Lê Gia Giang (người dân sống trên núi Cấm, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên) cho biết: “Du khách tới núi Cấm chủ yếu vào mùa khô nên thời tiết có nắng nóng nhưng dân trên núi vẫn kiếm sống được. Nhiều người thích lên núi Cấm trong thời điểm này bởi khí hậu mát mẻ làm họ cảm thấy dễ chịu, nó tạo nên cảm giác khác biệt so với phần còn lại của vùng Bảy Núi. Riêng tui vẫn thích mùa khô bởi nó là “mùa làm ăn” của dân trên núi, giúp họ có nguồn thu nuôi sống gia đình. Tới mùa mưa, Bảy Núi sẽ đẹp hơn nhưng có chút gì đó đượm buồn!”.

Dù có khắc nghiệt nhưng mùa khô Bảy Núi vẫn mang những nét đặc thù riêng. Nó đã trở thành “đặc sản” để du khách phương xa luôn nhớ mãi cái nắng, cái gió của vùng bán sơn dã này. Và khi những cơn mưa đầu mùa kéo đến, Bảy Núi sẽ khoác lên mình chiếc áo mới non tơi với màu xanh mát của núi rừng, cùng với đó những mùa lúa ruộng trên đầy ắp niềm phấn khởi.

(Nguồn: THANH TIẾN, An Giang Online, Thứ sáu, 01/04/2022, 06:50 (GMT+7))