Englishen

Bay cao ngắm vẻ đẹp Việt Nam

Thứ tư, 13/07/2022, 09:21 GMT+7

Những bức ảnh phong cảnh, nhịp sống con người dọc đất nước chụp từ trên cao của tác giả Phạm Huy Trung gây được sự chú ý người xem trong và ngoài nước.

Anh Phạm Huy Trung (sinh năm 1979, sống tại TP HCM) tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông tại Đại học Bách Khoa Hà Nội vào năm 2002. Tuy nhiên, con đường sự nghiệp của anh lại có duyên với nhiếp ảnh, theo đuổi đam mê nhiếp ảnh từ năm 2016, chu du trên hành trình chữ S để săn cảnh đẹp, chủ yếu là góc chụp trên cao.

Sau 6 năm, hiện anh Trung sở hữu kho ảnh "Việt Nam từ trên cao" với hàng nghìn ảnh, trong đó có nhiều bức phong cảnh gắn liền với tên
tuổi, chạm đến cảm xúc của người xem và giành được hơn 50 giải thưởng trong nước, quốc tế. Trong đó, đáng chú ý là bức Trang trại tôm hùm ở Phú Yên đoạt giải nhất năm 2017 hạng mục Phong cảnh tại cuộc thi nhiếp ảnh trên không quốc tế SkyPixel; Giữa rừng tràm tại Đồng Tháp đoạt giải nhất ở hạng mục Quốc gia giải thưởng cuộc thi Sony World Photography Awards 2020 hay Đánh cá ở rừng ngập mặn tại phá Tam Giang, Thừa Thiên - Huế đạt giải cao nhất hạng mục Con người tại cuộc thi ảnh quốc tế Drone Photo Awards 2021.

Vẻ đẹp Việt Nam lan tỏa qua các tác phẩm của “nhiếp ảnh gia tự nhận mình tay ngang”, trong đó có bức tranh mùa lúa chín vùng cao Mù Cang Chải, Yên Bái.

"Việt Nam có nhiều điểm đến, phong cảnh đẹp mà không thể tìm thấy ở các nước khác, đặc biệt là cảnh quan nhiều sắc màu, các mùa hoa khoe sắc, đồi núi, hang động và bãi biển. Tôi dùng thiết bị chụp ảnh từ trên cao với ý tưởng thể hiện, chủ thể và góc chụp theo cảm nhận riêng của mình", anh chia sẻ.

Vẻ đẹp non xanh, nước biếc Tràng An, Ninh Bình vào một buổi sớm mờ
sương. Anh Trung tiết lộ từ năm 2016, trung bình mỗi tháng đi hai chuyến săn ảnh, mỗi chuyến kéo dài ba đến bốn ngày. Gần như tỉnh, thành nào ở Việt Nam anh cũng đến chụp, nhưng thích nhất là các tỉnh miền Bắc, TP Huế, Hội An, Bảo Lộc, Đà Lạt vì các nơi này có nhiều cảnh sắc.

Công đoạn người dân Gia Lai cào phơi cà phê phơi cho kịp nắng. Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Gia Lai. Gần 88.000 ha cà phê tập trung ở huyện Chư Prông, Ia Grai, Đăk Đoa, Mang Yang và Chư Sê.

Với cảnh nhịp sống đời thường như phơi cà phê, anh Trung chọn góc chụp trên cao để bức ảnh trông khác biệt và gây ấn tượng hơn.

Mùa xuân Bảo Lộc được nhuộm vàng bởi Phật y, một tên gọi khác của hoa phượng vàng. Bức ảnh được anh Trung ghi lại tại tu viện Bát Nhã thuộc Đam B’ri, Bảo Lộc, xung xanh tu viện là người dân đang thu hoạch chè. Sắc vàng của hoa tương phản với nền xanh đồi chè tạo khung cảnh nên thơ.

“Lúc đầu khi làm quen với thiết bị chụp trên cao, tôi dành thời gian tìm hiểu kỹ thuật chụp mới có được tấm hình ưng ý, cũng từng nếm trải ngậm ngùi khi thiết bị mất sóng, rớt máy”, anh nói.

Trong khi đó, cạnh bên hồ Nam Phương, cách trung tâm TP Bảo Lộc, Lâm Đồng khoảng 2 km là bức tranh lãng mạn mùa hoa hồng phấn (hay hoa kèn hồng). Bức ảnh anh chụp vào tháng 3/2019, với chủ thể sắp đặt là thuyền câu lặng lẽ trên mặt hồ.

“Bố cục, ánh sáng, thời tiết, xử lý hậu kỳ, là các điều kiện hội tụ để có một bức ảnh đẹp nhất góc nhìn cùng với yếu tố may măn", anh chia sẻ.

Hơi thở mùa xuân như lan tỏa khi xem bức ảnh chụp cảnh người dân chăm sóc vụ hoa Tết tại Đồng Nai.

Anh chia sẻ thêm bức ảnh trên chỉ là một lát cắt trong vẻ đẹp đa dạng của
Việt Nam, qua các hình ảnh này, mong muốn du khách quốc tế tiếp tục đến Việt Nam xinh đẹp và mến khách, mở cửa du lịch sau Covid-19, đặc biệt là tận mắt khám phá địa điểm anh chụp ảnh.

Những chiếc thuyền thúng neo ven bờ biển Bình Thuận gây ấn tượng thị
giác. Anh Trung nhớ về những chuyến đi chụp xa tại các vùng biển đảo như Bình Thuận, Phú Yên hay Bình Định, đi săn ảnh càng vất vả nên phải tranh thủ từng phút, ghi lại từng khoảnh khắc nhịp sống trên biển, có khi anh phải đến một địa điểm nhiều lần trong năm để có một tấm hình ưng ý.

Vùng quê yên bình Đức Hòa, Long An như một bức họa thôi miên du khách.

Cô gái rửa hoa súng sau khi thu hoạch trên cánh đồng Mộc Hóa, Long An.

Trong hầu hết các bức ảnh anh Trung chụp, con người đóng một vai trò quan trọng. Họ chia sẻ rằng người dân Việt Nam luôn thân thiện, những
nông dân thật sự vui mừng khi được làm mẫu để chụp ảnh trên vùng quê họ sinh sống.

Bên cạnh yếu tố sắp đặt, thì khoảnh khắc tự nhiên bắt gặp trên hành trình săn ảnh để lại cho anh Trung cảm xúc nhất, như bức những người nông dân thu hoạch cỏ năng ở vùng quê Đồng Tháp.

"Thực tế, chủ thể con người có khi chỉ những chấm nhỏ trên cánh đồng hay trên thuyền trên mặt hồ rộng lớn nhưng sự hiện diện của con người lại mang đến nét chấm phá độc đáo trong bức ảnh”, anh chia sẻ.

Nhộn nhịp chợ nông sản ở Vị Thanh, Hậu Giang cũng là một khoảnh khắc tự nhiên đáng nhớ. Người dân thường gọi là “chợ chồm hổm”, ngồi theo lối, bắt đầu nhóm chợ từ rất sớm, nông dân địa phương mang hàng hóa là chính các sản phẩm của mình nuôi, trồng, đánh bắt ra chợ để bán

“Nhiếp ảnh đối với tôi không chỉ là một nghề nghiêm túc, mà còn là dịp để kết nối bạn bè nhiếp ảnh ba miền, giao lưu với người dân bản địa, giúp người xem ảnh hiểu thêm về cảnh quan, nhịp sống, văn hóa ở các vùng miền khác nhau. Thời gian tới, tôi tiếp các dự án săn ảnh trên cao, lặn biển chụp vẻ đẹp dưới đại dương và tiếp tục đặt chân tới các vùng đất xinh đẹp chưa khám phá
hết ở Việt Nam”, anh bộc bạch.

(Nguồn: Huỳnh Phương, Ảnh: Phạm Huy Trung, VnExpress, Thứ tư, 13/7/2022, 03:08 (GMT+7))