Englishen

Ba gợi ý du lịch sinh thái tại Bình Phước

Thứ tư, 20/07/2022, 08:24 GMT+7

Trảng cỏ Bù Lạch, vườn quốc gia Bù Gia Mập, rừng nguyên sinh Tây Cát Tiên... là những địa điểm du lịch hoang sơ, thanh bình, ẩm thực dân giã.

Bình Phước là tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ. Với vị trí địa lý, đặc điểm về tự nhiên khí hậu, thổ nhưỡng và truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương đã tạo nên nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú. Nơi đây ngoài những điểm du lịch tâm linh, tỉnh còn triển khai nhiều tour du lịch trải nghiệm sinh thái rừng nguyên sinh, với nhiều ẩm thực dân giã...

Trảng cỏ Bù Lạch

Bù Lạch là một trảng cỏ hoang sơ, thuộc xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, Bình Phước. Nơi đây gồm 20 trảng cỏ lớn nhỏ khác nhau, diện tích lên đến 500ha. Ở giữa Trảng Cỏ có một hồ nước lớn, bao quanh là cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn. Trảng cỏ như một bức tranh thiên nhiên xanh mát, được dệt bởi 2 loài cỏ chủ đạo là cỏ kim, cỏ chỉ.

Sở dĩ có tên gọi như vậy là do đọc chệch từ tiếng địa phương của người M'Nông. Các già làng giải thích chữ "lạch" trong tiếng M'Nông có nghĩa là "trảng", ở trong trảng lại có một bàu nước nên gọi là Bàu Lạch, đọc lệch đi nên thành Bù Lạch. Đây là địa điểm cắm trại, dã ngoại lý tưởng, thu hút du khách trong và ngoài tỉnh.

Nét đẹp hoang sơ của trảng cỏ Bù Lạch. Ảnh: Đức Viên.

Đường đi Trảng cỏ Bù Lạch không quá khó. Nếu từ Sài Gòn, du khách có thể mua vé xe ở bến xe Miền Đông, giá vé từ 100.000 đồng đến 250.000 đồng. Còn nếu muốn khám phá thiên nhiên và phượt thì có thể di chuyển bằng xe máy. Có hai hướng để đến Bình Phước. Một là từ cầu Bình Triệu đi theo QL 133. Hướng thứ 2 là từ Cầu Sài Gòn ra xa lộ Hà Nội. Thời gian di chuyển là khoảng 2h30 phút.

Tại đây, du khách có thể thỏa sức check-in bên những bãi cỏ xanh mướt, rộng lớn bên bàu nước trong xanh, xung quanh là khu rừng nguyên sinh; hay ghé thăm nhà rông, trải nghiệm cuộc sống người địa phương và thưởng thức món cá lóc nướng, gà rừng, cơm lam lá nhíp xào, rượu cần, canh thụt, thịt nướng đọt mây nướng...

Du khách cũng có thể câu cá, tản bộ ngắm cảnh, chèo thuyền, cắm trại, đá bóng trên nền cỏ... Đặc biệt, bạn có thể mang lều bạt để cắm trại và tổ chức tiệc BBQ.

Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Với hệ thống động, thực vật, sông hồ, thác nước, phong cảnh hoang sơ được thiên nhiên ban tặng mà không phải nơi đâu cũng có, thời gian qua, Vườn quốc gia Bù Gia Mập trở thành điểm đến lý tưởng của nhiều du khách trong và ngoài nước.

Vườn quốc gia Bù Gia Mập (cách TP HCM 200 km) có diện tích gần 26.000 ha. Đây là khu vực có diện tích rừng liền vùng, liền khoảnh lớn nhất của tỉnh Bình Phước. Đến với vườn, du khách sẽ có cơ hội tham gia chuyến hành quân xuyên rừng, dã ngoại và trải nghiệm nhiều điều kỳ thú với thiên nhiên hoang dã, tìm hiểu về hệ sinh thái đầy phong phú và đa dạng nơi đây.

Một thác nước trong vườn quốc gia Bù Gia Mập. Ảnh: vuonquocgiabugiamap.vn

Nhắc đến du lịch vườn là nhắc đến loại hình du lịch khám phá với kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và kiểu rừng kín nửa thường xanh ẩm nhiệt đới cộng với hệ thống ghềnh thác, hồ, suối... đan xen, hòa quyện chập chờn giữa rừng, tạo cho du khách cảm giác thân thiện, đắm đuối như được trở về cùng thiên nhiên hoang sơ.

Đến nay vườn đã hình thành và đưa vào khai thác 10 tuyến du lịch khám phá, trong đó phải kể đến các tuyến lôi cuốn du khách như: Giếng Trời - thác Đắk Bô, đường 14C - thác Đắk Bô, suối Đắk Ka, thác Lưu Ly, suối Đắk Manh, đồi 702 - Đắk Ca, thác Đắk Mai, thác Đắk Dốt, thác Đắk Sam, suối Đắk Mai - Ngầm 79...

Ban ngày băng rừng vượt suối vào trong rừng, du khách sẽ được khám phá cảnh vật thiên nhiên hoang sơ đầy huyền bí. Khí hậu trong vườn vừa mát mẻ, vừa se lạnh rất nên thơ của khí hậu vùng ôn đới hệt như cao nguyên Đà Lạt. Những đàn khỉ, voọc, vượn hàng trăm con, rồi muôn vàn loài chim muông vừa kiếm mồi vừa vẫy gọi, đùa giỡn trên những tán rừng trập trùng tạo cho du khách cảm giác gần gũi, thích thú như được đứng giữa muông thú, cảnh quan.

Thú vị nhất khi đến với vườn là được đắm mình vào những ghềnh thác, con suối. Ở đây du khách được thả mình vào dòng nước mát lạnh giữa rừng, thả sức bơi lội hay lênh đênh trên dòng thác chảy xiết bằng chiếc bè tự chế bằng những cây lồ ô sẵn có trong rừng, gập ghềnh không kém phần mạo hiểm.

Ngoài ra, du khách cũng được tìm hiểu những nét đặc trưng văn hóa bản địa như cồng chiêng, hát, múa, dệt thổ cẩm, đan lát, đặc biệt được thưởng thức các món ăn truyền thống của người S'tiêng bản địa như lá nhíp, đọt mây xào, canh thụt, canh bồi, cơm lam ống tre, heo nướng kiểu đồng bào bản địa, chơi các trò chơi dân gian giữa đám lửa trại...

Rừng nguyên sinh Tây Cát Tiên

Nằm trên địa phận huyện Bù Đăng và Đồng Phú, Tây Cát Tiên là địa danh thuộc quần thể khu dự trữ sinh quyển vườn quốc gia Cát Tiên được công nhận năm 1998. Nơi này còn là khu du lịch sinh thái lý tưởng ở miền Ðông Nam Bộ, vùng đất còn giữ nguyên tính tự nhiên.

Ngoài ra, vườn cũng có nhiều loài sinh vật rất quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam, khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ và còn lưu lại nhiều dấu tích văn hoá cổ xưa.

Cát Tiên là một trong những vườn quốc gia có nguồn tài nguyên, đa dạng sinh học dồi dào và là điểm đến du lịch sinh thái, trải nghiệm quan sát, chụp ảnh động thực vật hoang dã lý tưởng tại Việt Nam.
Cát Tiên là một trong những vườn quốc gia có nguồn tài nguyên, đa dạng sinh học dồi dào và là điểm đến du lịch sinh thái, trải nghiệm quan sát, chụp ảnh động thực vật hoang dã lý tưởng tại Việt Nam. Ảnh: Andy Nguyễn

Vườn quốc gia Cát Tiên có diện tích 71.350 ha, là nơi có một trong 2 khu vực đất ngập nước Ramsar duy nhất của Việt Nam (bàu Sấu), là một trong 8 khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận của Việt Nam. Đến Vườn quốc gia Cát Tiên là cơ hội để hòa mình với thiên nhiên kỳ thú và thưởng thức văn hóa lâu đời của dân tộc Xêtiêng và Mạ.

Nơi đây có 2 cộng đồng dân tộc bản địa là Mạ và Xêtiêng với những nét sinh hoạt còn đậm tính truyền thống và một kho tàng văn hóa đặc trưng như: lễ hội đâm trâu, những truyện cổ, truyền thuyết, huyền thoại độc đáo, những nhạc cụ gắn liền với đời sống văn hóa và tâm linh như bộ cồng chiêng, trống, khèn bầu, tù và sáo trúc 3 lỗ gắn vào trái bầu khô...

Lịch đón tiếp khách tham khảo: Thời gian đón tiếp khách: 6h-19h mỗi ngày. Khi qua lại sông phải mặc áo phao và tuân thủ theo sự hướng dẫn của người điều khiển phương tiện thuỷ nội địa. Không mang theo các phương tiện vận chuyển như: ôtô, môtô, xe gắn máy, xe đạp; không mang theo các loài thú nuôi như: chó, mèo, heo, gà; không mang theo các thiết bị có khả năng phát âm thanh cường độ lớn; không mang theo vũ khí, vật liệu nổ...

(Nguồn: Thế Đan, VnExpress, Thứ ba, 19/7/2022, 15:20 (GMT+7))