Englishen

'Tây Nguyên thu nhỏ' bên hồ Xuân Hương

Thứ bảy, 12/11/2022, 08:46 GMT+7

Một không gian Tây Nguyên với nhà dài, nhà rông, cồng chiêng, nhà mồ, sản vật... được tái hiện bên hồ Xuân Hương, TP Đà Lạt.

Ngày 11/11, mô hình Không gian Tây Nguyên được dựng bên hồ Xuân Hương. Ngoài các mô hình nhà truyền thống của các dân tộc bản địa thì Không gian Tây Nguyên còn trưng bày nhiều bộ sưu tập Nguyễn Minh Tâm (TP Đà Lạt).

"Thiên đường Tây Nguyên" có khoảng 5.000 hiện vật sưu tầm về Tây Nguyên, được chia thành nhiều nhóm khác nhau như: nhạc cụ, công cụ phục vụ sản xuất và đời sống, dụng cụ săn bắn, trang phục thổ cẩm truyền thống, cùng những món đồ về văn hóa tín ngưỡng, nghi thức và lễ hội của các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên.

Những bức tượng nhà mồ miêu tả cuộc sống, sinh hoạt, văn hóa của người dân các dân tộc Tây Nguyên.

Dàn trống da trâu được trưng bày trong không gian Thiên đường Tây Nguyên. Đây là trống để người dân Tây Nguyên sử dụng trong các lễ hội, lễ nghi... truyền thống.

Mô hình Nhà dài của người dân tộc Ê Đê được phục dựng. Đây là dân tộc bản địa phân bổ chủ yếu ở các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông và Gia Lai.

Ngoài Nhà dài của người Ê Đê, tại không gian Thiên đường Tây Nguyên có bốn ngôi nhà khác gồm: nhà sinh hoạt hàng ngày của người Cil, ngôi nhà rông Rơngao của dân tộc Xê Đăng, nhà rông của dân tộc Ba Na và nhà dệt của dân tộc Ba Na.

Các nghệ nhân dân tộc Ba Na dệt những tấm chiếu từ lá rừng, một nghề thủ công truyền thống có từ lâu đời vẫn được người dân lưu giữ cho đến nay.

Một số sản vật đặc trưng núi rừng Tây Nguyên cũng được trưng bày để du khách tham quan như cà phê, khoai lang, bơ...

Các dụng cụ đánh bắt cá ở sông, suối của người Tây Nguyên.

Nhiều vật dụng sinh hoạt đời thường được nhà sưu tập Nguyễn Minh Tâm dày công tìm kiếm, lưu giữ hàng chục năm nay được trưng bày cho khách thưởng lãm.

Cồng chiêng Tây Nguyên, một nhạc cụ nổi tiếng của người dân tộc vùng Tây Nguyên. Cồng chiêng được sử dụng trong các lễ hội, lễ nghi truyền thống như: lễ hội đâm trâu, mừng lúa mới, ma chay...


Các loại nhạc cụ như cồng chiêng, kèn bầu, đàn Chapi hay dụng cụ phục vụ sinh hoạt, sản xuất, săn bắn được trưng bày tại không gian Thiên đường Tây Nguyên.

Đặc biệt, lần đầu tiên chiếc ghế độc nhất vô nhị của "vua voi" được trưng bày giới thiệu trước công chúng.

Không gian hoạt động từ nay cho đến hết Festival Đà Lạt 2022.

(Nguồn: Khánh Hương - Phước Tuấn, VnExpress, Thứ bảy, 12/11/2022, 04:08 (GMT+7))