Englishen

"Lạ lùng" hội vật làng Sình

Thứ tư, 01/02/2023, 09:19 GMT+7

Ở hội vật làng Sình bất kỳ khán giả nào cũng có thể đăng ký tham gia. Các đô vật dự đấu không nhất thiết phải là người địa phương mà bất kỳ khán giả nào cũng có thể được lên sới đấu vật.

Sáng 31-1 nhằm ngày mùng 10 tháng Giêng, hội vật làng Sình ở xã Phú Mậu, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế đã diễn ra và thu hút rất đông các đô vật cũng như du khách.

Đây là một hoạt động văn hóa truyền thống, giàu tinh thần thượng võ của người dân địa phương; là một sân chơi đầu xuân đầy ý nghĩa, thu hút khách du lịch. Hội vật truyền thống làng Sình từ lâu đã trở thành một ngày hội lớn, một nét văn hóa đậm bản sắc riêng, ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân làng Sình.

Từ sớm đã có đông người dự khán

Hội vật làng Sình chỉ diễn ra trong một ngày và có hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức khá tôn nghiêm tại đình làng Lại Ân. Tại đây, các cụ cao niên trong làng sẽ làm nghi lễ vái tạ thành hoàng của trưởng tộc ở đình làng. Sau đó phần hội chính thức được bắt đầu.

Hội vật làng Sình về cơ bản áp dụng nguyên tắc của luật thi đấu vật dân tộc là phải đánh ngã đối thủ ở tư thế "lấm lưng trắng bụng", đồng thời giữ hoặc đè được đối thủ trong vòng 3 giây là thắng.

Những pha gay cấn

Nét đặc trưng của hội vật làng Sình là bất kỳ khán giả nào cũng có thể đăng ký tham gia. Lệ làng quy định, các đô vật dự đấu không nhất thiết phải là người địa phương mà bất kỳ khán giả nào cũng có thể được lên sới đấu vật. Về phần thưởng, ngoài giải Cạn dành cho chức vô địch, làng còn trao thưởng cho tất cả những đô vật tham gia tranh tài. Bên cạnh đó, vì rất chú trọng tinh thần thượng võ nên tại hội vật những đòn nguy hiểm như bẻ, vặn khóa trái khớp, tấn công vào hạ bộ, yết hầu, mắt… hoàn toàn bị cấm.

Rất đông khán giả tham dự

Có thể do điều kiện dự hội khá đơn giản, không đề cao việc thắng thua mà chỉ đơn thuần là "thử sức" nên cứ đến ngày làng mở hội vật là người dân khắp nơi theo nhau về làng Sình. Đây chính là hình thức gìn giữ nét văn hóa truyền thống vô cùng hiệu quả, bởi chính người dân là chủ thể tham gia bảo tồn lễ hội.

Một đối thủ bị hạ
Pha giằng co (Nguồn: Quang Nhật, Người lao động, 31-01-2023 - 15:56)