Bên cạnh yếu tố thời tiết không thuận lợi, kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay không ghi nhận sự quá tải tại nhiều điểm đến vốn được cảnh báo từ vài tuần trước. Cửa ngõ đường bộ và đường hàng không về lại các thành phố lớn ngày cuối kỳ nghỉ như Hà Nội và TP HCM không gặp cảnh đông đúc hay ùn tắc, dù lượng người di chuyển vẫn tăng cao.
Có ba lý do khiến nhiều người làm trong lĩnh vực du lịch và du khách đều cảm thấy hài lòng, đồng thời cho thấy một xu hướng mới sau dịch, đó là du khách sắp xếp kỳ nghỉ linh hoạt hơn để né đông đúc.
Đầu tiên là chọn các điểm đến mới hơn sau dịch, thay vì những nơi đông đúc dịp lễ như Đà Lạt, Lâm Đồng; Vũng Tàu, Bà Rịa Vũng Tàu. Theo thống kê, Đà Lạt đón khoảng 101.000 lượt khách, giảm 30,6% so với năm 2021. Khách lưu trú đạt 70.000, giảm 42,6% so với cùng kỳ. Ông Lê Anh Kiệt, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin thành phố, cho biết lượng khách năm nay giảm một phần vì địa phương vừa tổ chức Tuần lễ du lịch trước đó, đã đón hơn 150.000 khách.
Số lượng khách đến Vũng Tàu cũng giảm 20,5% so với năm trước, với 165.000 lượt khách. Các tuyến đường trung tâm như Thùy Vân, Hạ Long, Trần Hưng Đạo... hay bãi biển thông thoáng. Thời tiết có mưa, cũng ảnh hưởng tới nhiều kế hoạch của du khách.
Thay vào đó, các điểm đến như Bình Định đón 192.000 lượt khách, tăng 92% so với cùng kỳ nghỉ năm ngoái. Các khách sạn, khu nghỉ dưỡng kín phòng 75-100%, đặc biệt là các cơ sở 3-5 sao dọc biển. Du khách cũng yêu thích các hoạt động thiên nhiên như hang động ở Quảng Bình. Tỉnh này đón khoảng 115.000 lượt, tăng 4,6% cùng kỳ 2021. Những điểm đến quen thuộc, song có quy mô cơ sở vật chất lớn như Đà Nẵng, Nha Trang, Thanh Hóa, Phú Quốc... cũng thu hút du khách.
Lý do thứ hai, du khách có thể vẫn đến các "điểm nóng" nhưng đã thực hiện chuyến đi sớm hoặc muộn hơn 1-2 ngày. Họ sẽ phải rút ngắn hành trình hoặc xin nghỉ phép thêm nhưng để đổi lại là sự thảnh thơi. Đây là cũng là cách chị Nguyễn Thùy Dương, 28 tuổi, ở Hà Nội, áp dụng cho chuyến đi Đà Lạt và miêu tả bằng từ "hài lòng". Chị tới thành phố vào ngày 1/5 thay vì ngày đầu tiên kỳ nghỉ là 30/4.
Ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing công ty BestPrice Travel cho biết năm nay nhận thấy một lượng khách không nhỏ đặt lệch trong vòng 2 tuần trước hoặc sau kỳ nghỉ lễ. "Điều này giúp du khách tiết kiệm chi phí hơn và tránh được cảnh đông đúc. Song đối tượng khách này phần lớn là các bạn trẻ vì có nhiều thời gian linh hoạt hơn", ông nói.
Lý do cuối cùng, du khách dàn đều kỳ nghỉ trong năm, thay vì tập trung riêng vào kỳ nghỉ lễ, theo ông Nguyễn Vũ Khắc Huy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Kiên Giang. Đây cũng là lý do vì sao Phú Quốc thường kín phòng ở khách sạn 3-5 sao dịp cuối tuần.
"Xu hướng chia chuyến đi vào nhiều thời điểm trong năm, nhiều địa điểm khác nhau để không gặp phải tình trạng mệt mỏi, thiếu thốn dịch vụ. Đây là tín hiệu tốt cho ngành du lịch, khi lượng khách tăng nhưng dịch vụ vẫn được đảm bảo", ông nói.
Trong tháng 4 Việt Nam phục vụ 10,5 triệu lượt khách nội địa, tăng trưởng 16,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khách lưu trú đạt 6,3 triệu lượt. Kỳ nghỉ lễ Giỗ tổ, các điểm đến như Vũng Tàu, Đà Nẵng, Kiên Giang, Khánh Hòa đã đón hàng chục nghìn lượt khách.
(Nguồn: Lan Hương, VnExpress, Thứ tư, 4/5/2022, 06:10 (GMT+7))