Englishen

Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế: Luồng sinh khí mới cho ngành khách sạn

Thứ hai, 21/03/2022, 14:29 GMT+7

Việt Nam đã chính thức mở cửa đón khách quốc tế từ 15/3, với những điều kiện thuận tiện và đầy tính cạnh tranh so với khu vực. Điều này đã tiếp thêm sức sống cho ngành khách sạn Việt Nam từng bước phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19.

Sẵn sàng bắt nhịp với thị trường quốc tế

Các khách sạn tại Hà Nội rất tích cực chuẩn bị cho thời điểm Việt Nam mở cửa du lịch, vì Hà Nội là trung tâm nhận khách quốc tế hàng đầu cả nước. Nhiều đơn vị đã chủ động và hoàn thành tuyển dụng, đào tạo từ trước ngày 15/3 để sẵn sàng đón khách. Ông Anthony Slewka - Giám đốc Sales & Marketing, khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội cho biết việc mở cửa ngày 15/3 là “thông tin tuyệt vời”, sớm hơn thời điểm cuối quý 2 như đơn vị dự báo trước đó. Đơn vị này kỳ vọng khách hàng doanh nghiệp sẽ quay trở lại trước tiên, sau đó là các thị trường Âu - Mỹ - Úc vào cuối năm nay.

Ông Anthony Slewka cho biết: “Chúng tôi đã bắt đầu liên hệ với đối tác quốc tế từ đầu tháng 12 năm ngoái, gồm đơn vị đặt phòng quốc tế, đơn vị cung ứng dịch vụ nhằm đảm bảo mối liên hệ, để khi cần thiết sẽ có hợp đồng với mức giá phù hợp. Chúng tôi đã hoàn thành việc này vào cuối tháng 1/2022. Chúng tôi cũng chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch tuyển dụng và đào tạo để có thể tăng cường nhân lực khi hoạt động bình thường trở lại”.

Meliá Ba Vi Mountain Retreat (Hà Nội) cũng đang tăng cường đào tạo nhân viên, tập trung vào tính chuyên nghiệp, tiêu chuẩn vệ sinh và dịch vụ được cá nhân hóa; nâng cấp và cải tạo cơ sở vật chất để sẵn sàng cho các hoạt động đón khách quốc tế. “Chúng tôi đã và đang quảng bá khu nghỉ dưỡng thông qua các đối tác B2B cùng các nền tảng số; tập trung vào thị trường châu Âu & châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản…Với việc du lịch mở cửa hoàn toàn, chúng tôi sẽ tung ra các chương trình khuyến mãi cạnh tranh để thu hút khách; nhưng cũng giới thiệu gói lưu trú kèm với các dịch vụ một cách cẩn thận, bổ sung thêm nhiều lợi ích cho khách thay vì giảm giá phòng để duy trì chất lượng và thương hiệu” - bà Noemi Perez, Giám đốc điều hành Meliá Ba Vi Mountain Retreat nói.

TSTtourist-viet-nam-mo-cua-don-khach-quoc-te-luong-sinh-khi-moi-cho-nganh-khach-san-1Du khách tham gia hoạt động thể thao, dã ngoại tại Quảng Nam - Nguồn: TUI BLUE Nam Hoi An

Tận dụng cơ hội Quảng Nam đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2022, khách sạn TUI BLUE Nam Hoi An đang chuẩn bị mọi thứ tại khu nghỉ dưỡng để chuẩn bị đón khách quốc tế. Từ việc bảo dưỡng, bảo trì cơ sở hạ tầng cho tới việc duy trì số lượng nhân viên cốt cán và đào tạo nhân sự. Các khu vực đều được nâng cấp và hoàn thiện trong thời gian qua để sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu nghỉ dưỡng đa dạng của khách nước ngoài, như chăm sóc sức khỏe và trị liệu chuyên biệt, các hoạt động thể thao, các chương trình dã ngoại, ẩm thực…

Ông Dieter Schenk - Giám đốc điều hành khách sạn TUI BLUE Nam Hoi An cho biết rất mong muốn được đón khách quốc tế, để khu nghỉ có thể “bận rộn” trở lại: “Chúng tôi rất vui mừng với quyết định mở cửa hoàn toàn du lịch vào ngày 15/3 với những thay đổi tích cực liên quan đến quy trình visa cũng như yêu cầu đối với khách du lịch. Nhờ đó, chúng ta có thể đón nhận sự hưởng ứng của khách quốc tế - những người cũng đang có nhu cầu đi du lịch rất lớn sau một thời gian dài hạn chế. Với việc mở cửa của Việt Nam, du khách sẽ bắt đầu tìm kiếm về du lịch Việt Nam trở lại và lên kế hoạch cho những chuyến đi của mình”.

Không bỏ qua thị trường nội địa

Dự báo nguồn khách quốc tế chưa thể tăng mạnh, nhiều đơn vị vẫn tập trung vào thị trường nội địa để từng bước phục hồi hoạt động. Tại Lâm Đồng, khu nghỉ dưỡng Ana Mandara Villas Dalat vẫn duy trì hoạt động tốt từ tháng 10/2021 nhờ tận dụng nguồn khách nội địa. “Đà Lạt dễ hút khách nội địa, vì vậy từ tháng 10 năm ngoái đến nay, lượng khách nội tại Ana Mandara Villas Dalat tăng nhanh theo từng tháng. Đặc biệt khu nghỉ đã kín phòng trong tháng 2 vừa qua, với lượng đặt chỗ tăng mạnh từ đầu tháng 1/2022. Hiện chúng tôi tích cực tổ chức các hoạt động nghệ thuật, gói chơi golf kết hợp nghỉ dưỡng và nâng cấp các biệt thự để thu hút khách hàng” - ông Lưu Trương Hoài Nghiêm – Quản lý Tiếp thị và Truyền thông của khu nghỉ cho biết.

Tại Kiên Giang, ông Nguyễn Mạnh Duy - Giám đốc Kinh doanh và tiếp thị Sunset Beach Resort & Spa cho biết sau khi Việt Nam mở cửa, đơn vị hướng đến thị trường Hàn Quốc và Nga, vốn là tệp khách hàng quen thuộc của Phú Quốc và cũng là đối tượng khách chi tiêu nhiều cho các dịch vụ ăn uống, giải trí về đêm. Khách sạn đã kết nối với các đối tác lữ hành inbound, tuyển lại nhân sự nói tiếng Nga, tiếng Hàn Quốc cho bộ phận F&B, đồng thời nâng cấp dịch vụ phù hợp với khách nước ngoài.

Tuy nhiên, phía Sunset Beach Resort & Spa nhận định khách nội địa vẫn là tệp khách chính lưu trú tại khách sạn, còn với tệp khách ngoại sẽ hướng tới sử dụng dịch vụ tại nhà hàng và quán bar trong khu nghỉ. “Để phát triển song song hai thị trường, chúng tôi đã mở rộng các điểm kinh doanh, nâng cấp chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng tốt hơn; đồng thời có những ưu đãi riêng theo nhu cầu của từng tệp khách hàng cụ thể” - ông Nguyễn Mạnh Duy cho biết.

TSTtourist-viet-nam-mo-cua-don-khach-quoc-te-luong-sinh-khi-moi-cho-nganh-khach-san-2Phú Quốc là điểm đến hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế

Tại Phú Yên, Zannier Hotels Bãi San Hô đã thay đổi chiến lược và đang quảng bá rất mạnh vào thị trường nội địa, trong lúc chờ đón khách quốc tế trở lại vào quý 3 hoặc quý 4 năm nay. Đơn vị này liên tục tự làm mới bằng các dịch vụ như tuần trăng mặt đặc biệt, các sự kiện ẩm thực với đầu bếp nổi tiếng hoặc những gói nghỉ ngơi cuối tuần được cá nhân hóa… Ông David Ashworth - Tổng quản lý Zannier Hotels Bãi San Hô đánh giá: “Người dân Việt Nam là thị trường tuyệt vời tại Đông Nam Á, họ luôn yêu thích du lịch và đặc biệt là trải nghiệm những khu nghỉ dưỡng mới, khác biệt… Ngày càng nhiều người Việt Nam tìm đến những khu nghỉ dưỡng biệt lập. Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy xu hướng này và đây là cơ hội để chúng tôi được biết đến nhiều hơn”.

Tại Khánh Hòa, đại diện Alma Resort Cam Ranh khẳng định khách trong nước và quốc tế đều rất quan trọng với khu nghỉ dưỡng. Trong đó, thị trường nội địa rất rộng lớn, luôn mạnh mẽ và sẽ phù hợp với tính chất sản phẩm tại khu nghỉ này. Ông Herbert Laubichler-Pichler, Giám đốc điều hành khu nghỉ chia sẻ: “Alma Resort Cam Ranh tập trung vào cả khách trong nước và quốc tế, vì họ đều rất quan trọng với chúng tôi. Có thể Hàn Quốc sẽ là thị trường quốc tế đầu tiên phục hồi nhanh chóng, tiếp theo là các thị trường gần như Malaysia, Thái Lan, Indonesia và hy vọng là Singapore; sau đó có thể đón khách Australia từ khoảng tháng 6, còn khách Âu và Mỹ vào cuối năm 2022... Chúng tôi tin rằng du lịch Việt Nam sẽ phục hồi nhanh chóng khi mở cửa trở lại, bất chấp những khó khăn mà đại dịch COVID-19 đã gây ra trong 2 năm qua”.

Mới đây, việc tập đoàn khách sạn Meliá Hotels International tuyên bố sẽ tiếp quản 12 khách sạn và khu nghỉ dưỡng trên khắp Việt Nam trong năm 2022 là một tín hiệu rất khởi sắc, giúp nâng tầm Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới. Ông Ignacio Martin - Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á của Meliá Hotels International chia sẻ: “Chúng tôi nhận thấy tiềm năng phát triển rất lớn ở Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực khách sạn hạng sang. Mặc dù COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến ngành du lịch, chúng tôi luôn tin rằng trong tương lai Việt Nam sẽ chứng kiến sự tăng trưởng mạnh thị trường du lịch quốc tế và nội địa”.

Nhìn chung các khách sạn trên cả nước, nhất là phân khúc cao cấp đã xác định được lộ trình rõ ràng sau khi Việt Nam công bố mở cửa du lịch quốc tế, với các điều kiện cho du khách được đánh giá là thuận tiện hàng đầu Đông Nam Á. Có lẽ không đơn vị nào muốn ở lại sân ga khi “chuyến tàu phục hồi” của du lịch Việt Nam đã bắt đầu lăn bánh.

(Nguồn: Hải Nam, VOV, Thứ Hai, 21/03/2022, 06:16 (GMT+7))