Hiện nay, các công ty lữ hành inbound (đón khách quốc tế vào Việt Nam) cho biết lượng đoàn đón được không nhiều.
Đa số nhận xét khách "Tây balo" (chỉ những người du lịch bụi, du lịch tự túc) chiếm phần lớn khách nước ngoài đến Việt Nam từ khi mở cửa. Những đoàn khách lớn vẫn khá ít do chính sách thị thực của Việt Nam chưa thông thoáng.
"Tây balo" cũng tốt
Đó là nhận xét của ông T., đại diện một công ty lữ hành inbound có trụ sở ở Hà Nội. Theo ông T., nhóm khách này chi trả thấp hơn nhưng quan trọng, họ vẫn chọn Việt Nam để du lịch. Trong giai đoạn đầu mở cửa, sự xuất hiện của nhóm khách này cũng quan trọng.
Tuy nhiên, về lâu dài, ông T. cho biết nên tập trung thu hút các đoàn khách lớn từ những thị trường có sức chi tiêu cao. Bởi nhóm khách này sử dụng nhiều dịch vụ hơn, chi tiêu nhiều hơn những người chủ yếu du lịch bụi. Xét về lợi ích kinh tế, họ cũng gián tiếp tạo ra công ăn việc làm cho nhiều nhân sự du lịch Việt Nam.
"Khách cao cấp đặt tour, dịch vụ giá trị hơn. Dù vậy, chính sách visa của Việt Nam lúc này khó thu hút các đoàn khách lớn, muốn ở lâu. Do đó, những khách kiểu 'Tây balo' lưu trú ngắn ngày tìm đến Việt Nam nhiều hơn", ông T. nói.
Về vấn đề này, ông Phạm Hà, CEO Lux Group, nhận xét xu thế người nước ngoài du lịch kiểu "Tây balo" bùng nổ sau dịch. Họ thích đi theo các nhóm nhỏ thay vì đoàn đông như trước kia.
Thực tế, Việt Nam và các nước Đông Nam Á luôn được xem là điểm đến hàng đầu của nhóm "Tây balo". Theo ông Phạm Hà, "Tây balo" không hoàn toàn là những người nghèo. Họ cũng có những khách phân khúc cao cấp nhưng lại thích du lịch kiểu trải nghiệm. Vì thế, việc có nhiều "Tây balo" hơn khách đoàn lúc này không phải chuyện gì quá xấu.
"Chúng ta cần sự đa dạng phân khúc. Có người thích cao cấp, 5 sao nhưng cũng có khách lại muốn trải nghiệm homestay, quán xá vỉa hè... Sự đa dạng là điều cần thiết. Vấn đề tôi thấy lúc này nằm ở chỗ Việt Nam cần định vị lại hình ảnh của mình, thu hút khách chi tiêu cao", ông chia sẻ.
Cần nguồn khách mới
Trao đổi với Zing, ông T. cho biết mình vừa nhận được một yêu cầu đặt tour đến Việt Nam từ một đoàn khách Nam Phi. Tuy nhiên, ông T. đã phải tạm từ chối vì Nam Phi không nằm trong nhóm 80 quốc gia được cấp thị thực điện tử vào Việt Nam. Trước đó, ông cũng đã từ chối một đoàn khách từ Sri Lanka.
"Tôi nói với họ có thể cân nhắc và lùi lịch lại cho đến khi các chính sách dễ dàng hơn. Nhưng tôi cũng chẳng biết họ sẽ lùi hay bỏ luôn nữa", ông T. buồn bã nói.
Đó cũng là vấn đề nhiều đơn vị lữ hành chuyên mảng inbound gặp phải. Sau hơn 2 tháng, từ dấu mốc 15/3, họ vẫn không hiểu lý do gì khiến Việt Nam vẫn giới hạn số nước được cấp visa điện tử.
Trong khi đó, số ngày lưu trú vẫn vỏn vẹn 15 ngày đối với công dân các nước được miễn thị thực, bất chấp việc nhiều chuyên gia trong ngành lẫn Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB) đều đã lên tiếng.
Theo ông T., trong bối cảnh các nước đua nhau mở cửa, du khách sẽ đắn đo chọn điểm đến có chính sách tốt nhất. Những rào cản thị thực lúc này không khác đang "tự bắn vào chân mình".
Trao đổi với Zing, đại diện nhiều đơn vị lữ hành cũng thừa nhận thực tế Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào khách Trung Quốc, Đông Bắc Á. Điều này gây nên sự mất bền vững, thể hiện rõ ở lượng khách quốc tế đến Việt Nam từ khi mở cửa.
"Chúng ta cần đa dạng nguồn khách, tập trung vào khách Tây Âu, Australia, New Zealand, Mỹ và Canada, Nam Phi... Họ là những khách du lịch dài ngày và chi tiêu nhiều hơn. Đây là dịp tốt để Việt Nam nhắm tới chất hơn là lượng và làm mới mình", ông Phạm Hà chia sẻ quan điểm.
Để thu hút khách chi tiêu cao, đại diện Lux Group nhấn mạnh cần định vị lại thương hiệu du lịch Việt Nam. Trước khi xúc tiến du lịch, chúng ta cần hiểu rõ thế mạnh của Việt Nam là gì, đâu là thị trường tiềm năng và những thứ mới mẻ gì sẽ hấp dẫn khách trở lại.
"Tại sao họ phải chọn Việt Nam thay vì các nước trong khu vực? Tôi chưa thấy rõ điều đó trong cách truyền thông của chúng ta. Các chính sách thị thực đến lúc này cũng là quá chậm trễ", ông Hà nói thêm.
Việt Nam không thể mãi "rẻ"
Nếu tìm từ khóa về lý do du lịch Việt Nam trên các website quốc tế, bạn sẽ dễ dàng đọc được những lời "có cánh" về con người thân thiện, thiên nhiên hoang sơ, đồ ăn đường phố ngon... Và quan trọng hơn, Việt Nam rẻ.
Trong bài báo trên tạp chí du lịch nổi tiếng Culture Trip xuất bản tháng 9/2021, tác giả cũng nhấn mạnh Việt Nam là điểm đến có đồ ăn ngon, rẻ. Chỉ 30.000 đồng, du khách đã có thể tìm được món ngon trên phố. Và cũng chỉ 100.000 đồng/đêm, du khách đã có chỗ nghỉ trong những phòng dorm.
Tuyệt nhiên, không có lời giới thiệu nào về những khu nghỉ dưỡng cao cấp, các khu vui chơi hấp dẫn được đầu tư "hàng núi tiền".
Điều này nghe có vẻ khá bất công khi hàng loạt tên tuổi lớn trong ngành du lịch trên thế giới đã xuất hiện ở Việt Nam như Novotel, Four Seasons, InterContinential... Trong nước, những điểm vui chơi cũng được nâng cấp, đổi mới hàng năm như ở Phú Quốc (Kiên Giang), Đà Nẵng hay Nha Trang (Khánh Hòa), Quy Nhơn (Bình Định)...
"Việt Nam phải trở thành điểm đến cao cấp không thể bỏ qua", ông Hà nói.
Và để làm được điều đó, câu chuyện lại trở về với cách truyền thông và đổi mới tập khách hàng. Khi đón được khách chi tiêu cao, Việt Nam sẽ tự thay đổi để tạo ra những sản phẩm đáp ứng họ. Qua đó, cạnh tranh với các nước trong khu vực và đồng thời tạo nên trải nghiệm mới mẻ cho khách trong nước.
Thái Lan vẫn đi trước Việt Nam điểm này. Họ truyền thông mạnh mẽ về những trải nghiệm du lịch, vui chơi đêm, cung cấp nhiều dịch vụ hấp dẫn. Và cũng vì thế, khách đến Thái Lan tiêu nhiều hơn khách tới Việt Nam. Một thống kê cho thấy một khách quốc tế sẽ dành 9 ngày ở Thái Lan và tiêu 1.800 USD. Ở Việt Nam, con số này chỉ là 8,1 ngày và mức chi tiêu chưa tới 1.100 USD.
Việt Nam đặt mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế trong năm 2022. Con số này cho tới tháng 5 mới đạt được 1/10. Tuy nhiên, nó sẽ chẳng còn quan trọng nếu lượng khách đến chỉ bằng 2/3 kỳ vọng nhưng số tiền thu về tương đương. Bởi suy cho cùng, du lịch cũng là một ngành kinh tế.
(Nguồn: Anh Tú, Zing news, Thứ năm, 2/6/2022, 12:05 (GMT+7))