Englishen

Trình UNESCO công nhận lễ hội vía bà chúa xứ núi Sam là di sản nhân loại

Thứ sáu, 01/04/2022, 13:38 GMT+7

Việt Nam sẽ trình UNESCO xem xét đưa lễ hội vía bà chúa xứ núi Sam (An Giang) vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch được ủy quyền ký hồ sơ trình UNESCO, theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, ngày 31/3. Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam sẽ phối hợp làm thủ tục cần thiết.

TSTtourist-trinh-unesco-cong-nhan-le-hoi-via-ba-chua-xu-nui-sam-la-di-san-nhan-loai-1Bà chúa xứ núi Sam, tỉnh An Giang - Ảnh: Báo An Giang

Lễ hội truyền thống vía bà chúa xứ núi Sam được giữ gìn và thực hành qua nhiều thế hệ tại Châu Đốc, An Giang. Lễ hội mang văn hóa của cư dân vùng Tây Nam Bộ, thể hiện bản sắc và sự kế tục của cộng đồng người Kinh trong tiến trình giao lưu văn hóa với người Hoa, Khmer, Chăm.

Diễn ra vào cuối tháng 4 âm lịch, lễ hội có các nghi thức như rước tượng bà từ đỉnh núi xuống miếu thờ, lễ tắm bà, thỉnh sắc thần ông Thoại Ngọc Hầu và hai phu nhân, lễ túc yết, xây chầu, chánh tế, hồi sắc. Năm 2014, lễ hội được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đến tháng 2, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã ghi danh 14 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Các di sản bao gồm Nhã nhạc cung đình Huế; không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; dân ca quan họ Bắc Ninh; hát ca trù; hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc; tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ; nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ; dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh; nghi lễ và trò chơi kéo co; tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; nghệ thuật bài chòi Trung Bộ; hát xoan; thực hành then của người Tày, Nùng, Thái và mới đây nhất là nghệ thuật Xòe Thái.

(Nguồn: Viết Tuân, VN Express, Thứ năm, 31/3/2022, 20:10 (GMT+7))