Để đạt hiệu quả trong đón khách, ngành du lịch Thủ đô tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch an toàn, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ để đảm bảo việc mở cửa du lịch diễn ra đồng bộ, thống nhất.
Sở Du lịch Hà Nội cho biết thành phố đã xây dựng phương án đón khách du lịch quốc tế trong điều kiện bình thường mới đảm bảo an toàn, hiệu quả góp phần phục hồi và phát triển ngành Du lịch Thủ đô.
Thành phố xây dựng phương án đón khách du lịch quốc tế đăng ký theo chương trình du lịch và khách không đăng ký theo chương trình du lịch.
Với khách đăng ký theo chương trình du lịch, doanh nghiệp lữ hành thông báo cho khách du lịch về các thủ tục cần thiết khi đăng ký.
Trước khi nhập cảnh vào Việt Nam, doanh nghiệp lữ hành quốc tế cần khuyến cáo khách du lịch theo dõi sức khỏe, cân nhắc hủy hoặc hoãn chuyến đi nếu tại thời điểm thực hiện chuyến đi có các triệu chứng nghi mắc COVID-19 hoặc được xác định có tiếp xúc gần với trường hợp nhiễm COVID-19.
Đồng thời, thủ tục cấp thị thực, cấp chứng nhận tạm trú, thực hiện quy trình nhập xuất cảnh tuân thủ theo quy định chung. Theo đó, phương án xử lý các tình huống y tế phát sinh cũng được xây dựng cụ thể đảm bảo an toàn cho khách và những người xung quanh.
Về hướng thị trường khách quốc tế, trước mắt thành phố tích cực quảng bá, thu hút khách du lịch tại các thị trường trọng điểm, có độ an toàn cao về công tác phòng, chống dịch bệnh, gồm thị trường các nước châu Âu, ASEAN, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Australia, Mỹ, Canada. Căn cứ theo tình hình thực tế sẽ mở rộng đối với các thị trường khác.
Để đạt hiệu quả trong đón khách, trước mắt, ngành Du lịch Thủ đô tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch an toàn, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với các ngành, lĩnh vực, các địa phương để đảm bảo việc mở cửa du lịch được diễn ra đồng bộ, thống nhất.
Sở Du lịch Hà Nội phối hợp cùng các sở, ngành liên quan chủ động phối hợp với các cơ quan đại diện ngoại giao, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài và trong các tổ chức quốc tế để tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và xúc tiến du lịch.
Cơ quan này triển khai các hoạt động liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trọng điểm về du lịch, ở khu vực phía Bắc, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, khu vực miền Trung-Tây Nguyên... nhằm xây dựng các chương trình du lịch liên kết thu hút khách quốc tế.
Công tác truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh bằng cách tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm du lịch mới của Thủ đô trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước và kênh CNN quốc tế, các kênh truyền thông quốc tế khác, trang website, các nền tảng mạng xã hội (Youtube, Facebook...) và các hình thức tuyên truyền quảng bá khác phù hợp để tạo sức lan tỏa lớn và thu hút khách đến Hà Nội với thông điệp xuyên suốt "Hà Nội-Đến để yêu" và "Hà Nội-Điểm đến du lịch An toàn, Hấp dẫn."
Ngành du lịch hợp tác với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam và các hãng hàng không tổ chức các chương trình, sự kiện kích cầu, quảng bá du lịch trên địa bàn thành phố ở trong nước và nước ngoài; đón các đoàn phóng viên báo chí và doanh nghiệp lữ hành nước ngoài vào Việt Nam, Hà Nội.
Thời gian tới, thành phố tổ chức các chuỗi hoạt động, sự kiện, lễ hội sôi động, mang đậm bản sắc văn hóa Thủ đô thu hút khách du lịch trước, trong và sau SEA Games 31 như: Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội; Lễ hội Du lịch Hà Nội; Liên hoan ẩm thực và du lịch làng nghề Hà Nội; Liên hoan làng nghề, phố nghề năm 2022; Festival Áo dài Hà Nội, khai trương du lịch Ba Vì, du lịch Gia Lâm...
Việc xây dựng các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của khách du lịch quốc tế được đẩy mạnh. Thành phố tập trung triển khai kế hoạch nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với di sản-di tích, làng nghề tại các quận, huyện, thị xã; chú trọng nâng cấp, phát triển sản phẩm du lịch tại 4 tuyến chính từ trung tâm thành phố đến làng nghề gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm), Hương Sơn (Mỹ Đức), Thạch Thất-Quốc Oai và Sơn Tây-Ba Vì. Các bài thuyết minh đã được chuẩn hóa từ tiếng Việt sang ngôn ngữ nước ngoài bao gồm 5 thứ tiếng: Anh, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Các địa phương đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch đêm như làm mới các hoạt động tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; triển khai tuyến đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây; tuyến phố đi bộ tại khu đô thị Nam vành đai 3, quận Hoàng Mai; không gian đi bộ khu vực hồ Thiền Quang - Công viên Thống Nhất, quận Hai Bà Trưng...
Sở Du lịch cũng phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành, các điểm đến du lịch, đặc biệt là các điểm đến di tích, di sản xây dựng các sản phẩm du lịch đêm, du lịch trải nghiệm trên nền tảng khai thác các giá trị truyền thống.
Cùng đó, thành phố tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình khởi động lại hoạt động kinh doanh; hỗ trợ phục hồi và phát triển nguồn nhân lực du lịch; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch./.
(Nguôn: Đinh Thuận (TTXVN/Vietnam+), 08/04/2022, 05:27 (GMT+7))