Englishen

Theo dấu chân du mục Mông Cổ

Thứ hai, 30/08/2021, 08:01 GMT+7

Mùa đông, những người đàn ông Dukha di chuyển đàn tuần lộc lên những thung lũng gần biên giới Nga, trong khi phụ nữ ở nhà chăm con đi học.

TSTtourist-theo-dau-chan-du-muc-mong-co-1

Régis Defurnaux (45 tuổi) là nhiếp ảnh gia người Bỉ chuyên chụp tư liệu ở nhiều khu vực như châu Á, Trung Đông, bán đảo Balkans châu Âu... Bộ ảnh "Theo dấu chân du mục Mông Cổ cùng đàn tuần lộc" của anh được New York Times giới thiệu trên mục The World Through a Lens (Thế giới qua ống kính máy ảnh).

"Một sáng sớm sương phủ kín thung lũng gần ngôi làng nhỏ Hatgal ở cực nam hồ Khovsgol, bắc miền trung Mông Cổ. Liếc nhìn những sinh vật ở giữa các hàng thông, tôi không thể phân biệt được đâu là bóng của những người du mục và đàn tuần lộc của họ", Régis kể.

Darima Delger (64 tuổi) và chồng bà là Uwugdorj Delger (66 tuổi) đang thu lượm đồ đạc và gỡ chiếc lò gỉ sét. Họ khoác chiếc áo choàng lên vai những đứa cháu đã ngồi sẵn trên lưng tuần lộc. Đàn tuần lộc đã đứng chờ sẵn im lặng như một bức tranh Flemish, tất cả đang chờ tới giờ xuất phát, chuyển nơi cắm lều mới.

TSTtourist-theo-dau-chan-du-muc-mong-co-2

Gia đình bà Darima Delger thuộc một nhóm Dukha (hay Tsaatan) là dân bán du mục làm nghề chăn nuôi tuần lộc. Hiện ở miền bắc Mông Cổ chỉ còn vài trăm người Dukha.

TSTtourist-theo-dau-chan-du-muc-mong-co-3

Cuộc sống của họ gần như chỉ xoay quanh công việc nuôi dưỡng tuần lộc. Chúng chính là nguồn cung cấp da, sữa để làm trà, sữa chua, phomat, và cả phương tiện di chuyển. Ngoài ra, gạc tuần lộc mượt như nhung cũng đc thu hoạch để bán làm thuốc và thực phẩm chức năng.

TSTtourist-theo-dau-chan-du-muc-mong-co-4

Khung cảnh buổi sáng mờ sương ở khu lều trại của nhà Delger.

Quyết định di chuyển đàn động vật và cả gia đình không hề đơn giản. Những năm gần đây, ông Uwugdorj giải thích rằng họ phải chuyển đàn tuần lộc hàng tháng. "Thực tế chúng tôi đang đi theo chúng. Tuần lộc thông minh hơn con người chúng tôi". Nhưng hiện nay, vòng tuần hoàn mưa, tuyết thay đổi, khí hậu ở vùng rừng taiga cận bắc cực ngày càng khó dự đoán. Địa y, thức ăn chính của tuần lộc, đặc biệt dễ bị tổn thương khi thay đổi khí hậu. Hơn nữa, số lượng tuần lộc cũng bị giảm nhiều vì dịch bệnh, quản lý chăm sóc yếu kém và cả bị sói ăn thịt.

"Nếu chúng tôi sai, cả đàn sẽ gặp nguy hiểm", ông Uwugdorj vừa nói vừa kiểm tra các dây đai, yên rồi nhảy lên lưng tuần lộc, thúc cả đàn vượt qua vùng tuyết dày.

"Cưỡi ngựa, tôi hiếm khi đi kịp đàn gia súc. So với tuần lộc, ngựa di chuyển chậm như voi vậy. Mặc cho bị thương ở đầu gối, ông Uwugdoji vẫn băng băng giữa những hàng thông và biến mất khỏi tầm mắt tôi. Đi cùng Darima và con gái bà, tôi liếc nhìn thấy vài con tuần lộc yếu dần do mùa đông tới. Quan sát những ánh mắt của gia đình này, vẻ mặt họ dường như nhận ra sự bất ổn. Darima còn nói với tôi rằng: Nếu mất đàn gia súc, chúng tôi sẽ chẳng còn gì", Régis kể.

TSTtourist-theo-dau-chan-du-muc-mong-co-5

Đoàn người và tuần lộc tới đồng cỏ mới trong lúc trời mưa tầm tã, những chiếc lều ortz của người Dukha được dựng lên rất nhanh chóng. Khoảng 20 gia đình tham gia chuyến đi này. Darima ra ngoài lấy sữa tuần lộc. Sau khi cột chúng vào những chiếc cọc, mọi người quây quần đốt lửa trại. Người Dukha có gốc từ vùng Tuva, Nga trở lên phía bắc.

TSTtourist-theo-dau-chan-du-muc-mong-co-6

Sumya Batbayar (19 tuổi) đang cưỡi tuần lộc băng qua tuyết dày để tới một điểm cắm trại mùa đông.

Nhờ tiền tiết kiệm, vợ chồng ông Uwugdori đã xây được một ngôi nhà ở làng Tsagaannuur, phía tây hồ Khovsgol, để những đứa cháu có thể ở và học hành tử tế hơn.

TSTtourist-theo-dau-chan-du-muc-mong-co-7

Bà Darima chuẩn bị trà cho cả gia đình. Ngoài uống sữa tuần lộc, người Dukha còn làm phomat có thể để khô trên các cọc gỗ hàng tuần liền ở lều.

Nhiếp ảnh gia Bỉ chia sẻ: "Buổi sáng kế tiếp, bước trên thảm rêu và địa y, tôi thấy một bà cụ khoảng 70 tuổi đang vắt sữa từ 6 con tuần lộc. Bà kể tôi nghe về sự phức tạp của cuộc sống đã thay đổi người Dukha thế nào khi ranh giới tới miền bắc lập lại, các gia đình ly tán, những cuộc di cư nguy hiểm hơn. Nhiều người Dukha trở thành dân tị nạn ở Xô Viết và Mông Cổ".

TSTtourist-theo-dau-chan-du-muc-mong-co-8

Magser Batbayar trên đường tới khu trại mùa đông, anh đang tìm kiếm tín hiệu sóng điện thoại để gửi tin nhắn cho vợ. Khi mùa đông tới, những người đàn ông và phụ nữ thường phải xa nhau, đàn ông sống cùng đàn gia súc, phụ nữ ở lại làng để chăm sóc con cái đang đi học.

TSTtourist-theo-dau-chan-du-muc-mong-co-9

Otgon Batbold đang vắt sữa tuần lộc, cô nói "Tuần lộc của chúng tôi nhưng thực tế chúng tôi sống dựa vào chúng".

Mỗi mùa hè tới, rất nhiều du khách từ Trung Quốc, Israel, Mỹ, New Zealand... băng qua rừng taiga để gặp gỡ, trải nghiệm cuộc sống của người du mục nuôi gia súc. Nhưng không phải gia đình Dukha nào cũng có thể kiếm thu nhập từ du khách. Thay vào đó, họ bán gạc, da tuần lộc, thu nhặt hạt thông và nhận những khoản trợ cấp nhỏ.

Dawasurun Mangaljav (28 tuổi), chia sẻ với nhiếp ảnh gia Régis: "Khoản tiền không nhiều để nuôi gia đình. Những người khách lạ nghĩ rằng chúng tôi miễn phí". Thực tế, tiền là một vấn đề thường trực. Suốt mùa hè, vợ chồng Dawasurun sống với những đứa con trong khu rừng taiga. Đến tháng 9, lũ trẻ sẽ trở lại trường học nếu cha mẹ chúng đủ tiền trang trải.

TSTtourist-theo-dau-chan-du-muc-mong-co-10

Sumya Batbayar và anh trai Dawaadorj đang nghỉ chân giữa chặng đường tới khu trại mùa đông. Tuần lộc được chăn ở các thung lũng xa xôi, gần với biên giới Nga trong suốt mùa đông. Đàn ông sẽ đi cùng đàn gia súc và bảo vệ chúng khỏi những con sói.

Vào ngày cuối ở cùng với những người Dukha, Régis đi kiểm tra đàn tuần lộc cùng với Uwugdorj. Ông là một người biết rất rõ vùng đất này, ông cho hay mình có thể thấy rõ sự thay đổi. Từ thập niên 1940 đến nay, nhiệt độ trung bình của Mông Cổ đã tăng lên hơn 3 độ C. Uwugdorj nói: "Chúng tôi không phải tượng trong bảo tàng, chúng tôi giống tuần lộc và vẫn di chuyển".

(Nguồn: Khánh Trần, VnExpress, Chủ nhật, 29/8/2021, 03:15 (GMT+7))