Englishen

Thế giới đã 'quên' du khách Trung Quốc?

Thứ ba, 27/09/2022, 08:51 GMT+7
Nhiều điểm đến nổi tiếng châu Âu vừa trải qua một mùa hè đầy ắp du khách và gần như hồi phục hoàn toàn so với năm 2019, mốc tham chiếu trước đại dịch, dù vắng bóng du khách Trung Quốc. 

Trái với những lo ngại trước đó về việc thiếu vắng bóng du khách Trung Quốc, khi nước này vẫn áp dụng chính sách "Không Covid-19", thì thực tế cả châu Âu và châu Á đã có một mùa hè sôi động.

Báo cáo du lịch hè 2022 do World Travel Market London và Công ty nghiên cứu ForwardKeys thực hiện trên toàn cầu cho biết, du lịch châu Âu (EU) phục hồi mạnh mẽ nhất, đặc biệt là khu vực bãi biển phục hồi nhanh hơn so với du lịch vùng đô thị. EU có lượng khách du lịch mùa hè đạt 76% so mức của năm 2019, cao hơn khu vực châu Á (71%) do những hạn chế đi lại tại các nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Vì thế, cho dù vắng bóng khách Trung Quốc, các điểm đến nổi tiếng ở EU vẫn nhộn nhịp du khách.

Du khách xếp hàng dài để vào ngắm bức tranh Mona Lisa ở bảo tàng Lourve. Paris đã đón ​​9,9 triệu du khách đến thăm vào mùa hè này - chỉ giảm 3,5% so với con số của năm 2019, dù hè Pháp nắng nóng kỷ lục và nhiều khó khăn liên quan đến lạm phát trong khu vực (ảnh: VI NGUYỄN)
Nhà thờ Đức Bà Paris (đang được trùng tu sau vụ cháy) vào lúc hoàng hôn nhưng vẫn còn nhiều du khách ghé thăm (ảnh: VI NGUYỄN)

Bất chấp sự vắng mặt của du khách Trung Quốc, Cơ quan quản lý Du lịch Paris (OTCP) ước tính có 33 triệu du khách (cả Pháp và nước ngoài) đến thăm Paris trong năm 2022, so với 38 triệu vào năm 2019 và chỉ 19 triệu vào năm ngoái. Người châu Âu đang quay trở lại các điểm du lịch trong khối ở mức tương đương năm 2019 trong khi du khách Bắc Mỹ và Mỹ Latin đến EU đang dần phục hồi như cũ.

Tất cả những thương hiệu xa xỉ hàng đầu thế giới đều có mặt ở đại lộ Champs-Elysees, Paris. Để đối phó với tình trạng vắng khách Trung Quốc, các nhà bán lẻ tập trung vào du khách châu Âu. Giám đốc OTCP Corinne Menegaux cho biết: “Sự phục hồi của du lịch Pháp được thúc đẩy bởi phân khúc khách cao cấp, đi kèm sự gia tăng thời gian lưu trú. Điều này sẽ góp phần làm tăng chi tiêu trung bình trong cả năm" (ảnh: VI NGUYỄN)

Pháp là điểm đến phổ biến nhất bên ngoài châu Á đối với du khách Trung Quốc trong những năm trước đại dịch, theo một báo cáo của Ủy ban Du lịch châu Âu. Năm 2019, có hơn 2,4 triệu du khách Trung Quốc tham quan nước Pháp. Con số này là rất nhỏ so với 90 triệu khách quốc tế đến Pháp cùng năm.

Ở chiều ngược lại, Bộ trưởng Du lịch Pháp Olivia Gregoire cho biết "35 triệu người Pháp đã đi du lịch trong năm nay". Bà cũng lạc quan các sự kiện thể thao trong trong thời gian gần sẽ mang lại triển vọng tích cực cho ngành du lịch nước này. Theo đó, Pháp sẽ đăng cai World Cup bóng bầu dục nam vào năm tới và năm 2024 là Thế vận hội Olympic, Paralympic diễn ra ở Paris.

Dù vừa trải qua hai năm đại dịch, hội đồng thành phố Venice (Ý) đã thông qua một khoản phí và kể từ đầu năm sau sẽ thu một khách đến Venice với mức 3 - 10 euro. Khoản tiền này nhằm hạn chế du khách đến Venice trong những năm tới (ảnh: VI NGUYỄN)

Ý là "thỏi nam châm" hút khách Trung Quốc. Năm 2019, du khách Trung Quốc chi tiêu khoảng 718 triệu USD chỉ riêng ở Ý, tăng 40% so năm trước. Tuy nhiên, Covid-19 ập tới và hiện nay, du khách Trung Quốc hoàn toàn vắng bóng ở nước này.

Nhưng không phải vì thiếu khách Trung Quốc mà Ý vắng du khách. Trong khi ở Pháp đầu tháng 9 thời tiết vào thu trời trở lạnh thì tại Venice vẫn đang mùa hè nắng nóng. Điều kiện khí hậu khác biệt với phần còn lại của châu Âu cộng với cảnh quan đặc biệt khiến nơi này hút khách nội khối. Những con thuyền Gondola chở khách vẫn miệt mài ra vào giữa các kênh nhỏ và kênh lớn (ảnh: VI NGUYỄN)
Đấu trường La Mã vẫn dập dìu du khách đến thăm trong ngày giữa tháng 9 (ảnh: VI NGUYỄN)
Dù chúng tôi cố gắng đến vào buổi sáng sớm để tránh dòng người đổ về tham quan Đài phun nước Trevi, Rome, nhưng nơi này đã rất đông du khách (ảnh: VI NGUYỄN)

Còn tại Tây Ban Nha, khách du lịch Trung Quốc không nằm trong nhóm 10 thị trường khách lớn nhất. Ở Barcelona, du khách châu Âu tập trung tắm biển, phơi nắng.

Bãi biển ở Barcelona là nơi du khách châu Âu chọn lựa, thay vì những hành trình xa trong thời buổi lạm phát (ảnh: VI NGUYỄN)
Tây Ban Nha là điểm đến thu hút du khách hàng đầu châu Âu, với 82 triệu lượt khách quốc tế thời điểm trước dịch, trong đó chỉ có khoảng 1 triệu khách Trung Quốc nên việc thiếu vắng bóng du khách Trung Quốc không ảnh hưởng gì đến du lịch nước này. Trong ảnh, một nhóm du khách đang ngắm nhà thờ Sagrada Familia ở Barcelona trong chiều chủ Nhật giữa tháng 9 (ảnh: VI NGUYỄN)

Nhiều điểm đến ở châu Âu phục hồi ấn tượng du lịch hè như Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Ý, Pháp... Hy Lạp là một trong những quốc gia mở cửa rất sớm cho du lịch và xóa bỏ nhiều hạn chế trong chống dịch trước các nước châu Âu khác. Ngoài ra, Hy Lạp cũng có nhiều bãi biển phù hợp với du khách EU.

Santorini, Hy Lạp, nổi tiếng với những con đường nhỏ hẹp trên triền núi. Anh Hoàng, người từng đến Santorini vào năm 2019 cho biết, "Bạn như ngợp thở trong dòng người và ồn ào, nóng bức khi tới Santorini vào các năm trước dịch. Nhưng hiện là thời điểm tốt nhất để du khách thoải mái khám phá thiên đường này khi dòng du khách đổ về ở mức hợp lý", anh chia sẻ (ảnh: VI NGUYỄN)
Du khách đến Santorini trong mùa hè vừa qua chủ yếu từ các nước trong khối EU, đa phần là khách Đức, Ý, Pháp... do đường bay gần (khoảng 2 - 3 giờ) và bãi biển nắng ấm. Trong ảnh, du khách tập trung hàng dài đón hoàng hôn ở Santorini (ảnh: VI NGUYỄN)
Mykonos, hòn đảo của Hy Lạp nằm ngoài khơi Địa Trung Hải và cách Santorini 3 giờ đi phà trên biển, tràn ngập khách châu Âu. Du khách đến đây tắm biển, mua sắm (ảnh: VI NGUYỄN)
Một góc của hòn đảo, nơi được ví như "Venice nhỏ". Mykonos là nơi được đánh giá hồi phục hoàn toàn du khách so với năm 2019 (ảnh: VI NGUYỄN)

Trung Quốc là thị trường khách du lịch lớn nhất thế giới. Năm 2019 có hơn 150 triệu người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài, chi trên 277,3 tỉ USD và chiếm 20% tổng chi tiêu du lịch toàn cầu. Nhưng trước đại dịch, mỗi năm có khoảng 5 triệu khách Trung Quốc đến châu Âu, đi xuyên biên giới nhiều quốc gia. Đó là lý do hồi đầu năm, rất nhiều dự báo lo ngại việc thiếu vắng bóng du khách Trung Quốc sẽ ảnh hưởng lớn đến du lịch, tiêu dùng của nhiều nước. Thế nhưng điều đó đã không xảy ra. Sau gần 3 năm đóng cửa phòng chống dịch, nhiều nước đã quen với việc thiếu vắng du khách Trung Quốc và khoảng trống này được bù đắp bởi các thị trường khách mới.
(Nguồn: Vi Nguyễn, Thanh Niên, 06:28 - 27/09/2022)