Englishen

Tạo ‘luồng xanh’ để dân có thể đi du lịch cuối năm

Thứ ba, 30/11/2021, 15:18 GMT+7

Việc tạo ra “luồng xanh” hạn chế tâm lý lo du khách bị lây nhiễm từ người dân địa phương và người dân địa phương lo nhiễm từ khách...

Hiện nay các tỉnh, thành có chính sách kiểm soát dịch khác nhau phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh ở địa phương nên gây khó khăn cho các công ty lữ hành khi tổ chức tour lẫn du khách. Trước tình hình này, các công ty du lịch mong muốn các địa phương có sự kết nối, thống nhất với nhau về điều kiện, tiêu chuẩn cũng như cách thức mở cửa, phát triển du lịch; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Nhà nước để doanh nghiệp và ngành du lịch có điều kiện tốt nhất để phục hồi và phát triển.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM liên quan đến vấn đề này, ông Phan Đình Huê, Chuyên gia tư vấn du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long cho rằng cần tạo “luồng xanh” cho du lịch.

Cụ thể, vừa qua UBND TP.HCM, Sở Du lịch TP.HCM rất năng động, cố gắng mở hướng đi cho các công ty du lịch thông qua chương trình liên kết các tỉnh ĐBSCL, miền Trung…

“Vừa rồi tôi có tham gia trong chương trình kết nối giữa TP.HCM và ba tỉnh Đồng Tháp, Bến Tre, Long An. Thời điểm đó có rất nhiều cơ sở dịch vụ du lịch đã đóng cửa nửa năm nay nhưng khi đoàn đến họ mở cửa trở lại. Mặc dù cơ sở vật chất dịch vụ chưa như trước đây nhưng cho thấy nổ lực lớn của các DN du lịch”, ông Huê kể.

Tuy nhiên, ông Huê cho rằng hiện nay du lịch nội địa vẫn chưa có tín hiệu khả quan vì du khách vẫn chưa ra khỏi nhà, các công ty lữ hành cũng mới khởi động trở lại.

Đồng thời, dịch bệnh là bất khả kháng nên vấn đề kiểm soát dịch không có tính ổn định. Các địa phương cũng không thống nhất trong phòng chống dịch hoặc có địa phương tạo thêm hàng rào kỹ thuật. Chẳng hạn có địa phương yêu cầu khách từ TP.HCM cách ly hoặc phải xét nghiệm…Song song đó, Chỉ thị chống dịch của các địa phương không đồng bộ, cán bộ thừa hành hiểu khác nhau nên ứng xử khác nhau.

Đặc biệt là vấn đề rủi ro trong tổ chức tour, nếu trong đoàn có khách là F0 các tỉnh yêu cầu DN chịu trách nhiệm chi phí liên quan. Từ đó, các DN du lịch nhận thấy rủi ro nên không mạnh dạn tổ chức nhiều tour ngoài tỉnh và chủ yếu ở dạng thăm dò thị trường.

Ví dụ thị trường du lịch nội địa với 85 triệu khách/năm, mỗi ngày sẽ có hơn 200 ngàn khách. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại thật sự chưa mang lại nguồn thu thực tế cho công ty du lịch, khách sạn, điểm tham quan.

1_69Núi Bà Đen là địa điểm tổ chức tour du lịch khép kín giữa TP.HCM và tỉnh Tây Ninh - Ảnh: THU TRINH

Mặt khác, hiện nay khách du lịch nội địa đều từ những thị trường nguồn lớn là TP.HCM, Hà Nội. Do đó, nên chăng các tỉnh không đưa ra tiêu chí là “vùng xanh” mà cần tạo ra “luồng xanh” cho du lịch với sự cam kết của địa phương đến.

Việc tạo ra “luồng xanh” vừa giúp địa phương kiểm soát chặt tuyến đó, đồng thời hạn chế tâm lý du khách lo lây nhiễm từ người địa phương và người dân địa phương lo nhiễm từ khách. Luồng xanh nhằm giảm thiểu tác động đến cộng đồng.

Theo đó, địa phương chấp nhận rủi ro khách đi du lịch bị nhiễm nhưng không lây nhiễm ra cộng đồng, hoặc đến điểm của địa phương có đủ hạ tầng, nhân lực, hệ thống y tế…có thể xử lí trường hợp có du khách nhiễm COVID-19.

Ví dụ từ TP.HCM có năm tuyến đến các tỉnh lân cận, các tỉnh cam kết tham gia vào luồng xanh. Muốn vậy các tỉnh phải có sự chuẩn bị như trên, có kịch bản ứng phó trong tình huống nếu có lây nhiễm xảy ra xử lí thế nào…

“Theo tôi, để du lịch nội địa có thể khôi phục ngoài phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh thì khi nào người dân yên tâm đi du lịch, các địa phương có cách ứng xử phù hợp hơn, các công ty mới mạnh dạn tổ chức nhiều tour. Song song đó, với việc tạo ra những “luồng xanh” chúng ta bắt đầu chấp nhận sống chung với dịch, đón khách từ từ. Qua đó, góp phần phục hồi dần du lịch nội địa"”, ông Huê nhấn mạnh.

(Nguồn: Tú Uyên, Pháp luật TP.HCM, Thứ Ba, ngày 30/11/2021, 14:51 (GMT+7))