Englishen

Tái lập không gian văn hoá “vùng di sản” tại đường Lê Lợi

Thứ hai, 26/09/2022, 10:10 GMT+7

Đường Lê Lợi có chiều dài gần 800m, bắt đầu từ Nhà hát TP.HCM đến chợ Bến Thành. Hiện thành phố đã giao cho các đơn vị tư vấn nghiên cứu đề xuất tái lập cảnh quan, làm sao để vẫn giữ được hồn cốt của tuyến phố xưa và phù hợp với tuyến metro trong tương lai.

Tôi có anh bạn ở một tỉnh miền Tây kể, do có công việc nên anh ghé Sài Gòn - TP.HCM thường xuyên. Cũng như nhiều du khách khác, anh thường thích tản bộ trên những con đường rợp bóng cây xanh ở Quận 1 như đường Trương Định, Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

Khi ăn uống anh lại hay đến các con hẻm nhỏ, kê vài chiếc bàn đơn sơ, bán một số đồ ăn đặc trưng của Nam Bộ như hủ tíu, mì hoành thánh; nhấm nháp ly cà phê vợt vào mỗi buổi sớm.

Dạo quanh các di tích như nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP.HCM, phố đi bộ Nguyễn Huệ. Mới đây khi hay tin, đường Lê Lợi chính thức mở rào chắn, anh nói rất mừng, vì tạo ra một không gian văn hóa thoáng rộng để du khách có thể hiểu thêm về Sài Gòn qua từng con đường, hàng cây.

Nói điều này để thấy, sau 8 năm chờ đợi, không chỉ người dân sống dọc đường Lê Lợi có niềm vui mà cả du khách và người dân thành phố đều mừng khi con đường một thời không xa được mệnh danh là đại lộ đã được hoàn trả mặt bằng, thênh thang trở lại.

Trước đó, UBND quận 1 đã gửi đề xuất với UBND TP.HCM về việc nghiên cứu phương án đầu tư, xây dựng tuyến đường Lê Lợi thành phố đi bộ, nhằm tạo điểm nhấn, thu hút khách du lịch.

Lui về quá khứ cả trăm năm, đường Lê Lợi và đường Nguyễn Huệ vốn là những con kênh đào để tàu thuyền chuyên chở hàng hóa vào trung tâm Bến Nghé, Sài Gòn được nhanh hơn. Sau đó, vì nhu cầu đi lại nó đã được lấp lại làm những con đường to rộng, bậc nhất Sài Gòn cách đây không lâu.

Đường Lê Lợi ghi dấu ấn lịch sử đặc biệt khi có dãy nhà từng là nơi hội họp của tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội; nơi có bùng binh giao cắt với với đường Nguyễn Huệ rất ấn tượng. Ở đó có một vòng xoay phun nước, trồng nhiều câu liễu rủ xuống, gọi là bùng binh cây liễu. Đặc biệt một đầu đường là Nhà hát TP.HCM, đầu kia là chợ Bến Thành.

Ngoài ra còn có nhà thương chú Hỏa, do một thương nhân góp tiền ra xây cách đây cũng cả trăm năm. Giờ là Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn. Đường Lê Lợi trước kia cũng rợp bóng cây xanh nhưng vì làm nhà ga cho tuyến metro nên phải chặt hạ cũng là một điều đáng tiếc.

Hiện nay, đường Lê Lợi như được khoác lại chiếc áo ngày nào, tuy chưa rạng rỡ nhưng hứa hẹn nhiều hân hoan. Khi một số tòa cao ốc đã mọc lên, nhà ga metro khi đưa vào sử dụng, người lên xuống sẽ tấp nập.

Lê Lợi phối hợp với các tuyến phố trung tâm của Quận 1 sẽ thành các trục liên hoàn cho phép du khách tản bộ quãng đường dài, đủ thời gian để chiêm ngưỡng một đô thị đầy nắng gió sông nước từ hướng bến Bạch Đằng thổi vào; đi vào các con hẻm nhỏ để thấy một Sài Gòn xưa với nhiều ngành nghề thủ công và một đời sống hiện sinh phương Nam.

Vấn đề lúc này là đường Lê Lợi phải nhanh chóng được phủ bóng cây xanh, tái hiện lại các không gian xưa cũ, nhất là những di tích, dãy nhà còn lưu dấu trăm năm của một Sài Gòn đô hội bậc nhất phương Nam. Kể cả các quán cà phê cũng tồn tại cả thế kỷ.

Bên cạnh đó, khi bên dưới lòng đất là các tầng ngầm của nhà ga metro, mặt đường là điểm đi điểm đến; nên ở các vị trí thuận tiện về lâu dài cũng hình thành các khu đô thị hiện đại, văn minh, bề thế. Nhờ đó hành khách không chỉ đi lại mà còn mua sắm, nghỉ ngơi, sinh hoạt ngay trung tâm thành phố.

Một không gian văn hóa đậm chất di sản vừa cổ kính lại hiện đại trên đường Lê Lợi, kết hợp với phố hành chính đường Nguyễn Huệ, phố tài chính ngân hàng đường Hàm Nghi và quần thể sông nước bến Bạch Đằng nhìn qua khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ tạo ra những điểm nhấn khác biệt mang đặc trưng của Sài Gòn - TP.HCM mà không phải nơi nào cũng có được.

Và để các con đường, tuyến phố Lê Lợi nói riêng và nhiều tuyến phố ở trung tâm thành phố nói chung cất lên tiếng nói giá trị văn hóa lịch sử, thương mại, gây ấn tượng mạnh cho du khách thì vai trò của người dân khu vực này rất quan trọng. Họ phải được tham gia, góp ý và xây dựng nên những tuyến phố ấy để vừa giữ được hồn cốt của những con phố có bề dày trăm năm và làm ăn, sinh sống ấm no qua nhiều thế hệ từ nơi ấy.

Tái lập đường Lê Lợi chính là tái lập không gian văn hoá “vùng di sản”./.

(Nguồn: Trọng Điển/VOV-Giao thông, Thứ Hai, 11:02, 26/09/2022)