Du lịch bội thu dịp lễ 30-4 và 1-5, khả năng phục hồi nhanh hơn kỳ vọng. Dịp lễ vừa qua cũng là đợt tổng dượt quan trọng để đón hàng ngàn vận động viên, huấn luyện viên, quan chức thể thao các nước ASEAN dự SEA Games 31 tại nước ta và chuẩn bị cho cao điểm du lịch hè 2022.
Trước ngày khai mạc, SEA Games 31 đã ghi điểm vàng về sự thân thiện, hiếu khách và tinh thần fair-play của các cổ động viên Việt Nam, đặc biệt là bóng đá. Từ người dân địa phương, các vùng phụ cận cho đến du khách đều nhiệt thành, vô tư cổ vũ cho những cuộc tranh tài đẹp mắt.
Tối 12-5, SEA Games 31 mới khai mạc. Từ ngày 6-5, các môn bóng đá nam, kickboxing, bóng ném bãi biển bước vào tranh tài. Các cuộc tỉ thí kéo dài đến hết ngày 22-5. Các cuộc tranh tài diễn ra ở 12 tỉnh, thành phố, gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Hà Nam, Hòa Bình, Hải Phòng, Phú Thọ, Hải Dương, Quảng Ninh, Ninh Bình, Vĩnh Phúc. SEA Games 31 là thời cơ vàng để du lịch, cả nội địa lẫn quốc tế của từng địa phương nỗ lực khẳng định và trưởng thành.
Đây là dịp ngành du lịch Việt Nam chứng tỏ khả năng tổ chức, đón tiếp và phục vụ lượng khách đông đảo và đa dạng. Cũng là dịp giới thiệu và quảng bá cho du lịch địa phương, từ văn hóa, lễ hội, ẩm thực cho tới các điểm đến. Các địa phương nên kết hợp mời các đoàn thể thao trải nghiệm văn hóa và dịch vụ địa phương mình, là cách marketing truyền miệng "talk to talk", ít tốn kém mà rất hiệu quả.
Rất nhiều du khách phía Nam hỏi tour và dịch vụ xem các môn thi đấu ở SEA Games 31, nhất là chung kết bóng đá. Ngành thể thao và du lịch (chung bộ chủ quản) cần khẩn trương chỉ đạo, tạo điều kiện tối đa cho du khách thưởng thức các cuộc tranh tài của SEA Games 31. Từ việc đề xuất tăng chuyến máy bay, tàu hỏa và cả ôtô để du khách dễ dàng tham dự.
Về lưu trú, nếu hết phòng có thể tận dụng dịch vụ địa phương bên cạnh hoặc những nhà dân đủ điều kiện. Mạnh dạn khuyến mãi vé vào cửa xem thi đấu hoặc điểm tham quan nếu khách lưu trú kết hợp du lịch với SEA Games 31, không phân biệt nội địa hay quốc tế. Các sân thi đấu sẽ là những sân khấu sinh động để tiếp thị hình ảnh du lịch địa phương mình qua công tác tổ chức, tinh thần và thái độ phục vụ.
Dự báo đoàn thể thao chủ nhà Việt Nam sẽ xếp đầu bảng tổng sắp huy chương. Nhưng quan trọng không kém là tạo dấu ấn cho du lịch Việt Nam tăng tốc sau dịch. Sau khi thống nhất đất nước vào năm 1975, Việt Nam tái tham dự SEA Games 15 (1989) và giành 3 huy chương vàng, xếp thứ 7/9 nước tham gia. Tại SEA Games 23 (2003) giành 156 huy chương vàng, xếp thứ 1/11 nước. SEA Games 30 (2019) giành 149 huy chương vàng, xếp thứ 2/11 nước. Từ vị trí áp chót, thể thao vươn lên dẫn đầu ASEAN.
Du lịch Việt Nam có xuất phát điểm tương tự, xếp vị trí áp chót khi hội nhập ASEAN. Sau nhiều năm nỗ lực không mệt mỏi, vẫn chưa thể gia nhập top đầu như thể thao. Hy vọng SEA Games 31 là dịp để du lịch tăng tốc và đột phá, gia nhập top đầu, sánh vai cùng thể thao, làm rạng rỡ nước nhà, góp phần vào tăng trưởng kinh tế cho đất nước.
(Nguồn: NGUYỄN VŨ MỘC THIÊNG, Người Lao Động, 12-05-2022 - 07:03)